Những bông hoa hướng dương

20/01/2020 11:27

Tác giả: Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

Anh Tâm tỉnh dậy, nhìn ra cửa thấy trời đã sập tối. Ba đứa con anh đang ngồi bên chiếc bàn xập xệ, vài chỗ bị mọt được gá lại bằng những thanh gỗ vẹo vọ. Chúng đang ăn tối. Anh nghe tiếng thằng Quân phụng phịu:

- Lại ăn cháo hả chị? Bao giờ mới được ăn cơm? Mấy ngày nay toàn ăn cháo trắng, em thèm ăn cơm lắm rồi.

Lan - đứa con gái lớn nhỏ nhẹ dỗ dành em:

- Em nói nhỏ thôi cho bố nghỉ. Em ăn đi, ăn để có sức mà học bài. Mai chị đi hái cà thuê với cô Thìn là nhận được tiền công mấy ngày hôm nay rồi, chị mua gạo nấu cơm cho em ăn.

Anh thấy cổ họng mình nghẹn ứ lại. Anh ho sặc lên. Nghe tiếng, con bé Lan thấy bố tỉnh thì chạy lại:

- Bố! Bố tỉnh rồi ạ. Để con lấy cháo bố ăn nhé!

Minh họa: Ngọc Tâm

Anh cố ngồi dậy, dựa người vào thành giường. Đã sang mùa gió, trời khô lạnh mà ba đứa con của anh vẫn mong manh tấm áo cũ đã bợt màu, chẳng còn nhận rõ màu vốn có.

Thằng Quân húp nốt chén cháo, đứng dậy ôm cổ anh:

- Bố ơi, bố khỏe chưa bố?

Anh vuốt mái tóc khét nắng của nó, đáp khẽ:

- Bố khỏe rồi con ạ. Con ăn no chưa?

Dương, đứa con gái thứ hai lúc này mới lên tiếng:

- Em Quân thì lúc nào mà chả kêu đói với kêu chán. Chị Lan có hôm nhịn đói nhường cho em mà có lúc nào chị thấy chị Lan kêu đâu.

Lan khẽ giật giật áo của Dương ý bảo em đừng nói nữa kẻo bố lo. Con bé đã bao nhiêu tuổi đầu đâu. Ở cái tuổi của nó, các bạn cùng trang lứa còn đang được đi học, còn đang vô tư, còn đang được bao bọc, yêu thương. Thế mà nó đã phải thay mẹ chăm sóc các em. Con bé vốn ham học và có lực học khá, vậy mà cũng phải bỏ học giữa chừng. Anh thấy mình bất lực khi không thể lo được cho con. Giá như vợ anh còn sống...

Lúc chị còn sống, nhờ chăm chỉ làm lụng, lại biết vun vén nên hai vợ chồng cũng dành dụm mua được hơn 2 ha rẫy. Anh trồng cà phê, xen thêm mắc ca, nuôi thêm ít gà. Cuộc sống chưa giàu có nhưng cũng không đến nỗi quá khó khăn. Ba đứa con hai gái, một trai, nếp tẻ đủ cả. Anh mãn nguyện, hạnh phúc với cuộc sống lúc ấy. Nhưng chẳng ngờ bất hạnh ập đến. Lúc thằng Quân được hơn hai tuổi thì chị mắc bệnh hiểm nghèo. Anh nghĩ “còn người là còn của”; anh bán hết mảnh rẫy đang cho thu hoạch, bán tất cả những gì có thể bán để chạy chữa cho chị. Cả căn nhà nhỏ này anh cũng tính bán nốt nhưng chị cản:

- Thôi bệnh em em biết. Anh giữ lại căn nhà để bố con có chỗ mà trú nắng, trú mưa.

Chị đi, anh suy sụp nhưng cũng phải gắng gượng dậy để lo cho các con. Giá anh mạnh khỏe thì bố con cũng lần hồi rau cháo nuôi nhau, cũng chẳng đến nỗi để đứa con gái lớn phải nghỉ học. Những năm trước, trên đường đi làm thuê về, anh bị tai nạn. Cái chân gẫy chưa phục hồi hẳn nên anh cũng chỉ túc tắc làm cỏ, cào bồn kiếm tiền qua ngày. Con bé Lan phải nghỉ học, thay mẹ chăm em, phụ làm cỏ, hái cà thuê cho người ta. Nó nhỏ xíu, làm chẳng được bao nhiêu mà hàng xóm láng giềng thương hoàn cảnh của mấy cha con nên cho nó phụ được tí nào hay tí đấy. Mấy hôm nay anh dính mưa bị cảm, chẳng đi làm thuê được nên chắc nhà hết gạo mà con bé không dám nói.

Tiếng con bé Lan và Dương nói chuyện cắt đứt dòng suy nghĩ của anh. Con bé tưởng anh mệt ngủ nên thấp giọng:

- Em vào học bài đi rồi đi ngủ cho sớm, mai còn đi học. Để đấy chị giặt cho.

- Em học lúc ra chơi ở lớp rồi chị ạ. Em vừa giặt vừa nhẩm lại bài. Còn một ít tí em học một lúc là xong. Chị đi ngủ trước đi, mai chị còn phải dậy sớm đi hái cà phê mà. Mai em được nghỉ buổi chiều, chị xin cô Thìn cho em đi làm chung với chị nhé - con bé Dương khẽ đáp.

- Em được nghỉ thì ở nhà học bài, chơi với Quân. Mấy nay đi học, em Quân có bắt em phải cõng nữa không?

- Có chị ạ. Đi được một đoạn là em Quân kêu mỏi chân, không chịu đi nữa mà nằm lăn ra vệ cỏ. Nhất là lúc nào thấy bạn đạp xe đạp đi qua là cu cậu nhìn thèm thuồng lắm. Em thương quá lại phải cõng một đoạn đấy chị ạ.

- Ừ, lúc nào bố khỏe, đi làm có tiền, chị xin bố mua cho hai đứa cái xe đạp chở nhau đi học nhé.

ADQuảng cáo

Con bé Dương reo lên. Như nhớ ra bố còn đang mệt nằm nghỉ, nó hạ thấp giọng:

- Thật hả chị? Vậy mai chị cứ cho em đi làm với chị đi. Để nhanh có tiền mua xe đạp. Cho Quân nó ở nhà chơi với bố là được rồi.

Rồi nó nhanh nhảu:

- Để em đọc cho chị nghe bài thơ hôm nay em mới học nhé. Bài “Mẹ vắng nhà ngày bão” ấy. “Mấy ngày mẹ về quê. Là mấy ngày bão nổi”…

Anh chỉ là một người đàn ông cục mịch, khô khan. Cứ ngỡ như sau cái chết của vợ, anh đã trở nên chai sạn. Bao nhiêu đau khổ đã cố nén mà lặn ngược vào trong rồi. Thế mà lúc này anh ứa nước mắt. Anh thương hai đứa con gái mới tí tuổi đầu đã phải lo toan, tính toán. Nhưng anh cũng vui vì dẫu nghèo, chị em nó vẫn yêu thương, nhường nhịn cho nhau. Bên cạnh anh, đứa con trai đã chìm vào giấc ngủ. Chẳng biết nó mơ gì mà nhoẻn miệng cười. Anh ôm con. Bờ vai run rẩy vì cố không để cho tiếng nấc bật ra.

***

Gần tết rồi. Anh đi chợ đã thấy những quầy hàng ngập tràn màu sắc rực rỡ của những món quà tết. Bánh kẹo, hoa cảnh, những bộ quần áo rực rỡ đầy màu sắc tươi vui. Sau đận ốm, khỏe lại anh kiếm việc làm thuê ngay. May sao mấy người hàng xóm thương tình cho nhập chung hội đi hái cà thuê. Công cán cũng ưu tiên cho anh thêm một chút để nuôi con. Anh nhẩm mua ít gạo gói bánh, mua ít thịt, bánh trái cho con ăn tết. Anh cũng muốn mua cho mỗi đứa cái áo mới nhưng số tiền còn lại phải dành dụm mua gạo, chờ qua tết kiếm việc mới. Ông cụ bên nhà hàng xóm nói sắp xây nhà, lúc ấy cho anh giúp phụ hồ. Phụ hồ có hơi cực nhưng chân anh cũng đã sắp lành, anh áng mình làm được. Vất vả tí nhưng chắc cũng đủ tiền mua gạo cho con. Anh cứ tần ngần cầm tấm áo hoa mới lên rồi lại đặt xuống. Cái áo này con bé Lan mặc vào chắc đẹp lắm. Con bé Dương và thằng Quân chỉ mong có một cái áo trắng mới thay cho cái áo đi học đã ngả màu cháo lòng. Anh tặc lưỡi, thôi để đến lúc xin được làm bảo vệ, nhận lương rồi mua bù cho mấy đứa sau.

Lúc mua gạo, anh gặp cô giáo chủ nhiệm cũ của bé Lan. Cô giáo khen con bé Lan chăm chỉ, ngoan ngoãn và sáng dạ mà phải nghỉ học làm cô rất tiếc. Anh ngậm ngùi. Anh biết con bé thương bố, thương em nên xin nghỉ học chứ nó muốn đi học biết bao nhiêu.

Anh về đến nhà thì trời đã khuya. Mấy đứa trẻ đã ngủ. Đẩy cái xe chỉ còn trơ bộ khung vào nhà, dỡ đồ xuống, nhẹ nhàng chui vào màn đi ngủ thì thấy con bé Dương ngủ gật trên bàn. Có lẽ nó học rồi ngủ quên, con bé Lan mấy hôm nay làm mệt nên chắc cũng đi ngủ sớm. Anh lại gần bên con, bế nó lên giường rồi quay lại sắp xếp sách vở cho con. Con bé đang viết gì đó. Những dòng chữ tròn trịa, đều đặn trên trang giấy trắng.

“Mẹ ơi!

Hôm nay cô giáo nói con mời bố thứ hai tuần sau lên trường. Mẹ đừng lo, không phải con hay em Quân nghịch ngợm gì bị phạt đâu mẹ ạ. Em Quân thi toán được giải Nhất huyện, còn con được giải cuộc thi viết “Ước mơ của em” nên được nhận phần thưởng. Các thầy cô nói mời cả phụ huynh lên dự luôn. Cô chủ nhiệm còn nhắc con mời cả chị Lan lên nữa.

Em Quân được giải nhưng lại bảo con là em không lên nhận giải đâu. Em bảo áo em cũ rồi, lại còn bị toạc, chị Lan phải khâu lại, lên trước toàn trường em ngại lắm. Chị Lan phải dỗ nói mai đem cái áo trắng chị cất trong tủ ra nhờ cô Nhàn sửa lại thành áo cho em thì em mới chịu đi nhận phần thưởng. Cái áo trắng ấy ngày trước mẹ may cho chị, nghỉ học rồi chị cứ gấp cất mãi chẳng dám mặc. Vậy mà giờ chị lấy ra cho em Quân.

Mẹ ơi! Con nhớ mẹ lắm. Mẹ có nhớ chúng con không mẹ?”…

Anh vội gấp cuốn vở, ra hè ngồi. Những cơn gió đêm lành lạnh xoa dịu những nghẹn ngào trong lòng anh. Anh cứ ngồi thế, rất lâu. Cho tới khi con bé Lan giật mình tỉnh dậy, thấy anh ngồi ngoài hè, nó gọi:

- Bố ơi sao bố chưa ngủ? Bố vào nhà ngồi chứ ngoài này gió lạnh lại ốm bố ạ!.

Anh xoa đầu con, định hỏi con có muốn đi học lại không mà rồi câu hỏi lại nghẹn ứ trong cổ chẳng thoát ra được.

***

Buổi lễ trao phần thưởng, con bé Dương và thằng bé Quân đứng trên sân khấu. Hai đứa rạng rỡ trong chiếc áo mới trắng tinh. Đọc những dòng con bé gửi mẹ, anh đã chẳng đắn đo mà mua luôn cho chúng chiếc áo mới. Anh chẳng muốn niềm vui của con trong ngày nhận phần thưởng lại bị bớt lại. Cũng may, người bán hàng cũng biết hoàn cảnh của bố con anh nên chỉ lấy nửa giá. Chị cứ dúi vào tay anh:

- Thôi, anh cứ cầm, coi như em mừng tuổi trước cho mấy cháu. Cầm về cho cháu vui anh ạ. Đừng để trẻ con nó tủi. Tội lắm!

Con bé Lan cũng xúng xính trong chiếc áo hoa mới. Lâu rồi anh chẳng thấy con vui như vậy.

Nhận phần thưởng xong, hai đứa con của anh được giữ lại sân khấu. Trong cặp mắt ngơ ngác của chúng, cô hiệu trưởng dắt lên một chiếc xe đạp mới. Giọng cô nghẹn ngào khi trao cho chúng. Bài viết về ước mơ của Dương cũng được đọc lên. Con bé chẳng ước gì cho mình. Nó ước có một chiếc xe đạp để em Quân không phải đi bộ mỏi chân. Nó ước có một chiếc áo mới cho em đi học không còn bạn trêu chọc. Nó ước chị Lan được đi học lại…

Niềm vui chẳng dừng lại ở đó, tất cả những điều bé Lan ước, các thầy cô đã giúp trở thành hiện thực. Cô hiệu trưởng thông báo công đoàn nhà trường và một số mạnh thường quân sẽ nhận đỡ đầu ba chị em, sẽ miễn học phí, sách vở để Lan được đi học lại. Cô mời bé Lan lên, trao học bổng và bộ quần áo đồng phục mới cho ba chị em. Ánh mắt con bé lấp lánh niềm vui. Ba chị em nó cười thật tươi trên sân khấu.

Giữa sân trường, mắt anh nhòe đi. Nhưng anh vẫn nghe lời cô hiệu trưởng nói. Cô nói những học sinh như bé Lan, như bé Dương, như Quân, như các bạn học sinh nghèo vượt khó khác đã vượt lên hoàn cảnh, vượt lên khó khăn để học tập, để yêu thương, hi sinh vì những người thân yêu, giống như những bông hướng dương luôn hướng về ánh mặt trời.

Còn anh, anh thấy các thầy cô, những người hàng xóm láng giềng đã giúp cho cha con anh và những người có hoàn cảnh giống cha con anh thì như muôn ánh mặt trời lấp lánh giúp cho hướng dương bừng nở.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bông hoa hướng dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO