Thân thương “xứ sở của những âm điệu”

Mỹ Hằng| 20/01/2020 10:40

Vào cuối tháng 9/2019, tỉnh Đắk Nông vui mừng đón nhận kết quả cuộc họp Chương trình Khoa học địa chất và công viên địa chất (IGGP) UNESCO đã chính thức chấp thuận Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông là CVĐC toàn cầu và sẽ công bố vào tháng 4/2020. Đây là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của tỉnh và mở ra tương lai cho ngành du lịch.

ADQuảng cáo

Nỗ lực không mệt mỏi

Sau khi hệ thống hang động núi lửa Krông Nô được phát hiện và công bố, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, thời gian qua, Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông đã được kiện toàn và đi vào hoạt động với chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Trên cơ sở cứ liệu khoa học, UBND tỉnh Đắk Nông cũng đã mời các chuyên gia của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá di sản địa chất, xây dựng CVĐC khu vực núi lửa Krông Nô của tỉnh Đắk Nông”.

Trên cơ sở nghiên cứu, TS Guy Martini - Trưởng Ban điều hành, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO đã hình thành ý tưởng xây dựng CVĐC Đắk Nông với tên gọi thân thương “Xứ sở của những âm điệu”

Đồng thời, tỉnh cũng cử nhiều đoàn công tác tham dự Hội nghị về mạng lưới CVĐC Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 4 tại Nhật Bản và Hội nghị quốc tế lần thứ 7 về CVĐC toàn cầu UNESCO tại Vương quốc Anh với mục đích giới thiệu, tuyên truyền quảng bá về CVĐC và kêu gọi sự ủng hộ của UNESCO… Qua các chuyến đi, Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông đã học tập được nhiều kinh nghiệm bổ ích trong công tác quản lý, bảo tồn và phát triển CVĐC, nhất là khai thác du lịch bằng yếu tố văn hóa.

Đặc biệt, tỉnh đã mời TS Guy Martili-Trưởng Ban điều hành-Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO làm chuyên gia tư vấn, hỗ trợ các chiến lược phát triển CVĐC Đắk Nông và xây dựng hồ sơ trình Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO.

TS Guy Martini cho biết: Mặc dù các điểm di sản địa chất, địa mạo của Đắk Nông có giá trị lớn nhưng tất cả đều là con số bí ẩn, hoang sơ và hầu như chưa có một người bình thường nào thấy được hết giá trị của nó. Chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về cấu tạo địa chất, lắng nghe những câu chuyện của âm thanh, câu chuyện của di sản cồng chiêng. Tất cả đều có sự kết hợp hết sức tuyệt vời giữa các giá trị địa chất và giá trị văn hóa. Dẫu khó khăn nhưng chúng tôi cũng đã tìm ra được mấu chốt của vùng CVĐC này. Trên cơ sở các dữ liệu, chúng tôi gọi CVĐC Đắk Nông bằng cái tên rất thân thương đó là “Xứ sở của những âm điệu”.

Bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông cũng cho hay: Khi bắt tay vào xây dựng CVĐC Đắk Nông, chúng tôi gặp phải muôn vàn khó khăn như nhân sự đều là cán bộ kiêm nhiệm lại chưa có kinh nghiệm. Cơ sở vật chất tại các điểm di sản hầu như chưa có gì và rất thiếu thốn. Đời sống của người dân vùng CVĐC còn nhiều khó khăn nên việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức chung tay bảo vệ di sản vẫn gặp nhiều nan giải. Trong khi đó, các sở ngành, địa phương vẫn chưa bắt nhịp với mục đích, hướng đi của tỉnh nên vẫn còn nhiều lúng túng…

ADQuảng cáo

Các chuyên gia UNESCO tham quan buôn Nui văn hóa ở xã Tâm Thắng (Cư Jút)

Các kết quả bước đầu

Dù trải qua nhiều khó khăn nhưng dưới sự vào cuộc một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên tiến trình xây dựng CVĐC Đắk Nông đã cơ bản đáp ứng được các tiêu chí mà UNESCO đưa ra. Ngoài việc đệ trình lên UNESCO hồ sơ xây dựng CVĐC một cách đầy đủ, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch với tên gọi “Xứ sở của những âm điệu” gồm 44 điểm du lịch chia làm 3 tuyến với các tên gọi “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của sự đổi thay” và “Âm vang từ Trái đất”. Tại các điểm di sản, cơ sở vật chất cũng được xây dựng và ghi những thông tin, bảng chỉ dẫn cần thiết cho du khách tham quan, tìm hiểu.

Đắk Nông đã đón đoàn chuyên gia UNESCO vào thẩm định chính thức và họ đã đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh trong quá trình xây dựng CVĐC Đắk Nông tiến tới danh hiệu CVĐC toàn cầu. Đặc biệt, ngày 23/9, Mạng lưới CVĐC toàn cầu (Global Geoparks Network) đã chính thức chấp thuận CVĐC Đắk Nông là CVĐC toàn cầu và kết quả này sẽ được công bố toàn thế giới vào tháng 4/2020.

Điều rất đỗi tự hào

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh, khi bắt tay vào xây dựng hồ sơ CVĐC Đắk Nông, tỉnh gặp phải muôn vàn khó khăn và rất nhiều chuyên gia, lãnh đạo nói rằng Đắk Nông không thể thành công trong việc xây dựng CVĐC toàn cầu. Nhưng với tinh thần cầu thị và vượt khó, đến nay cơ bản tỉnh Đắk Nông đã làm được và xây dựng được CVĐC Đắk Nông theo các tiêu chí mà UNESCO đưa ra. Đó là điều rất đỗi tự hào và đáng ghi nhận. Bởi mục đích của tỉnh chính là khai thác, phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng CVĐC. Với danh hiệu CVĐC toàn cầu sẽ là một cơ hội lớn để tỉnh Đắk Nông thúc đẩy du lịch vì các giá trị di sản được nâng tầm.

Ông Mai Phan Dũng, Quyền Vụ trưởng Vụ ngoại giao văn hóa - Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam cho biết: Đối với Việt Nam, du lịch địa chất là lĩnh vực mới mẻ nhưng đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của ngành du lịch. Cộng đồng quốc tế đang ngày càng nhận thức sâu sắc về sự cần thiết phải bảo vệ các di sản địa chất chung của toàn nhân loại, hoặc các khu vực địa chất có giá trị khoa học, giáo dục, văn hóa và thẩm mỹ và CVĐC sẽ trở thành một đặc điểm phổ biến chung cho khu vực Đông Nam Á. Đã có nhiều bài học ghi nhận từ Trung Quốc-quốc gia có số lượng lớn các CVĐC cấp toàn cầu và quốc gia. Du lịch địa chất đã tạo ra sự kích thích đáng kể góp phần đẩy mạnh nền kinh tế của các khu vực, nâng cao nhận thức về khoa học, bảo tồn của các du khách và cộng đồng địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thân thương “xứ sở của những âm điệu”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO