Tìm ra “lối thoát” nhờ hồ tiêu đạt chuẩn quốc tế

Ngọc Lê| 20/01/2020 11:31

Trong bối cảnh giá hồ tiêu liên tục xuống dốc, dịch bệnh hoành hành thì một số gia đình ở huyện Đắk Song đã sớm “thức tỉnh”, chuyển hướng sang sản xuất hồ tiêu hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định, góp phần nâng tầm giá trị hồ tiêu Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Cái khó "ló" cái... hay

Từ năm 2016 đến nay, cùng với việc dịch bệnh hoành hành thì giá hồ tiêu tụt dốc không phanh, dưới 40.000 đồng/kg. Lúc này, chi phí sản xuất hồ tiêu gần bằng với nguồn lợi nhuận thu về. Chính điều này đã làm cho người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lao đao, phải bán nhà, bán vườn... để trả nợ, kiếm kế sinh nhai.

Chị Niu Thị Nhung, ở xã Nam Bình (Đắk Song) đã có lúc điêu đứng bởi cây hồ tiêu. Năm 2016, khi giá hồ tiêu xuống thấp, gánh nợ ngân hàng đè nặng lên kinh tế gia đình. Lúc này, chị Nhung suy nghĩ nếu không tái cơ cấu sản xuất thì hậu quả sẽ hết sức nặng nề, tương lai của cả gia đình sẽ trở nên tăm tối.

"Trong cái rủi có cái may", chị Nhung được một số bạn bè giới thiệu về việc sản xuất hồ tiêu hữu cơ bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế thì sẽ có lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với giá thị trường. Không đắn đo nhiều, chị Nhung cùng một số hộ gia đình trong vùng đã mạnh dạn thực hiện cuộc "cách mạng" trên vườn hồ tiêu.

Chẳng những phát triển tốt mà vườn hồ tiêu hữu cơ còn cho năng suất cao

Thời gian qua, bầu không khí u ám vây lấy ngành hồ tiêu, nhiều hộ nông dân cũng vì thế mà lâm vào tình cảnh khó khăn. Thế nhưng, gia đình chị Nhung thì lại khác hoàn toàn, vẫn có của ăn của để nhờ cây hồ tiêu. Trong ánh nắng vàng, vườn hồ tiêu của chị Niu Thị Nhung vẫn xanh ngắt, căng đầy sức sống, khác biệt với những vườn tiêu chết la liệt ở quanh vùng. Đặc biệt, sản phẩm hồ tiêu của gia đình chị Nhung còn được nhiều doanh nghiệp săn đón, sẵn sàng trả giá cao khoảng 100.000 đồng/kg. Điều làm nên sự khác biệt đó là vườn hồ tiêu của gia đình chị Nhung không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, toàn bộ được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ sinh học...

Hơn 3 năm qua chị đã nỗ lực xây dựng vườn hồ tiêu hữu cơ, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chị Nhung chia sẻ: "Sản xuất hồ tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe. Trước hết, người trồng hồ tiêu hữu cơ bắt buộc phải sử dụng trụ sống, tự ủ phân chuồng để bón cho cây trồng hoặc sử dụng các loại chế phẩm sinh học để chăm sóc cho cây tiêu. Việc làm cỏ, người nông dân chỉ được cắt tỉa thủ công chứ không được phun thuốc diệt cỏ hoặc tiêu diệt cỏ hoàn toàn".

Sau khi sử dụng dòng phân bón hữu cơ đã giúp chị Nhung khám phá ra hướng phát triển trồng trọt bền vững. Vườn hồ tiêu trước đây đã bị chị vắt kiệt sức bởi thuốc hóa học, nay đã hồi phục sinh lực, phát triển một cách tự nhiên. Việc phát triển vườn hồ tiêu hữu cơ cũng giúp chị Nhung giảm bớt được chi phí đầu tư đáng kể. Quan trọng hơn, chị Nhung trả lại được hệ sinh thái cho đất, cho môi trường, nguồn nước. "Với 2 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ, năm vừa qua gia đình tôi thu được hơn 8 tấn hạt, với giá bán gần 100.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi có lợi nhuận trên 600 triệu đồng”, chị Nhung hào hứng cho biết.

ADQuảng cáo

Mang theo niềm vui từ mô hình gia đình chị Nhung, chúng tôi tiếp tục đến thăm mô hình sản xuất tiêu hữu cơ của gia đình ông Lê Văn Hà, ở thôn 10, xã Nam Bình (Đắk Song). Từ năm 2016, thay vì sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ông Hà đã dùng phân chuồng, chế phẩm sinh học để chăm sóc cho 3 ha tiêu. Đến nay, vườn tiêu của hộ ông Hà vượt qua được nhiều đợt kiểm định, kiểm tra mẫu để được công nhận bảo đảm tiêu chuẩn hữu cơ. Trong mùa vụ vừa qua, 3 ha hồ tiêu hữu cơ của gia đình ông Hà đã thu hoạch hơn 11 tấn hạt. Sản phẩm tiêu của ông Hà có giá bán cao  gấp gần 2 lần so với tiêu thông thường và năm vừa qua gia đình ông có lãi hơn 900 triệu đồng từ 3 ha hồ tiêu sinh học.

Ông Hà cho biết, sản xuất hồ tiêu sạch phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình, từ khâu dọn vườn, cắt tỉa, bón phân, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đến thu hoạch... Nông dân khi sản xuất hồ tiêu hữu cơ đòi hỏi tính trung thực phải đặt lên hàng đầu. Bởi vì các chuyên gia nông nghiệp, khách hàng nước ngoài sẽ kiểm tra đột xuất tại vườn hồ tiêu bất cứ lúc nào. Nếu sản phẩm hồ tiêu của vườn nào không đạt tiêu chuẩn sẽ bị đánh bật khỏi chuỗi liên kết. “Sử dụng phân bón hữu cơ sinh học để cho sản phẩm hồ tiêu  bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Hồ tiêu  không bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vừa an toàn cho người dùng, vừa an toàn cho người trực tiếp sản xuất”, ông Hà cho biết.

Thích ứng với thời kỳ hội nhập

"Lâu nay, người nông dân chỉ bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần" là lời nhận xét của ông Lê Văn Hà. Do đó, theo ông Hà, nông dân đang phải trả giá đắt bởi chi phí sản xuất đắt đỏ, giá bán sản phẩm lại thấp vì chất lượng sản phẩm không cao. Việc tạo ra sản phẩm hồ tiêu đạt tiêu chuẩn quốc tế đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, là hướng đi mới của ngành hồ tiêu.

Mô hình hồ tiêu hữu cơ của gia đình ông Hà khỏe mạnh trước thời tiết bất lợi

Theo ông Lê Hoàng Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk Song, vài năm qua, ở địa phương đi đâu cũng thấy cảnh người nông dân điêu đứng, vỡ nợ bởi cây hồ tiêu. Nhưng không phải tất cả đều như vậy, một số gia đình vẫn làm giàu từ cây hồ tiêu. “Họ là những người nông dân nhạy bén với thời kỳ hội nhập, dám nghĩ, dám làm, quyết thay đổi tư duy, nâng cao chất lượng ngành hồ tiêu bằng sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Khi sản xuất hồ tiêu hữu cơ, người nông dân chấp nhận vất vả hơn, nhưng bù lại sẽ có giá bán cao gấp 2, 3 lần trên thị trường”, ông Vinh chia sẻ.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc sản xuất Công ty Cổ phần Liên Thành, đơn vị xuất khẩu hồ tiêu lớn ở tỉnh Bình Dương cho rằng, sản xuất Nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển chung của nền nông nghiệp toàn cầu. Khi làm nông nghiệp hữu cơ, người nông dân phải trung thực trong từng khâu chăm sóc mới tạo được uy tín và liên kết bền vững. Hiện nay, khoa học phát triển, việc kiểm tra mẫu sản phẩm chỉ diễn ra "trong vòng một nốt nhạc".

Hợp tác xã Bình Tiến, xã Nam Bình, có 12 hộ tham gia sản xuất hồ tiêu hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đến nay đã có 4 hộ sản xuất tiêu được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, sản phẩm tiêu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các hộ dân này cũng đã có sản phẩm xuất bán qua thị trường các nước châu Âu, Hoa Kỳ... Giá bán của các sản phẩm hồ tiêu đạt tiêu chuẩn quốc tế đạt mức từ 100 - 200 ngàn đồng/kg.

Cũng theo ông Đạt, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ không phải là con đường dành cho những người không chịu được áp lực. "Tôi chứng kiến nhiều người ban đầu rất hào hứng theo nông nghiệp hữu cơ, nhưng rồi họ đã òa khóc giữa trang trại khi không có đầu ra, giá cả bấp bênh, bị ép lên ép xuống... Làm nông nghiệp là vậy, không phải khi nào cũng "thuận buồm xuôi gió", nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì rất dễ thất bại. Do đó, người trồng hồ tiêu hữu cơ cần xây dựng chuỗi liên kết, tìm cho mình đầu ra ổn định thì hẵng bắt tay vào sản xuất. Trên thực tế, làm nông nghiệp hữu cơ là làm một cách hết sức đàng hoàng, chất lượng, chữ tín nên về lâu về dài thì thành công nhất định sẽ đến với người sản xuất", ông Đạt nhắn nhủ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm ra “lối thoát” nhờ hồ tiêu đạt chuẩn quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO