Từ "học lỏm" đến khởi nghiệp thành công

Trần Lê| 20/01/2020 10:41

Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, thôn 11, xã Tâm Thắng (Cư Jút) đã chọn món chè để khởi nghiệp. Qua 7 năm lăn lộn với nghề, chị đã bước đầu thành công khi mở được cửa hàng riêng, lượng khách hàng tìm đến với món chè của chị ngày càng đông, hầu hết đều đánh giá cao về chất lượng.

ADQuảng cáo

Kiên trì để khởi nghiệp

Chị Thủy cho biết, học hết phổ thông chị ở nhà, rồi lấy chồng, sinh con, cuộc sống nhiều lúc khó khăn. Vào năm 2011, thấy chị buồn, người em trai đã đưa chị lên thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chơi cho khuây khỏa và đãi món chè đậu hũ, rong biển. Thưởng thức một ly chè ngon, chị đã nảy ra ý tưởng "sao mình không xin học nghề này đưa về Cư Jút lập nghiệp". Bởi ở Cư Jút khi đó chưa ai bán món chè này. Nghĩ là làm, chị mạnh dạn đề cập với chủ quán xin được phụ quán và học nghề. Nhưng không may cho chị là chủ quán không đồng ý với lý do nghề gia truyền. Chị năn nỉ, đưa ra hoàn cảnh khó khăn để chủ quán chè nhận lời nhưng vẫn bị từ chối.

Chị Thủy (bên trái) cho biết khách thích món chè của chị chủ yếu do nguyên liệu tự nhiên

Không còn cách nào khác, những ngày sau đó mỗi ngày chị đều 3 lần chạy xe máy từ Tâm Thắng lên Buôn Ma Thuột để ăn chè với mục đích là học lỏm "bí kíp" nấu chè. Vào một ngày chủ nhật, chị lại đến ăn chè, nhưng thấy quán rất đông khách, chủ quán phục vụ không xuể, nên chị đã tình nguyện phụ quán không công. Đến tối hôm ấy, vì quá nể phục sự cầu thị của chị, bà chủ quán đã quyết định nhận chị vào làm việc. Một thời gian sau, khi đã tìm hiểu rõ lai lịch, nhân thân của chị, chủ quán bắt đầu tin tưởng và truyền nghề.

Khoảng một năm vừa làm việc vừa học tập kinh nghiệm, chị đã thành thục trong việc chế biến các món chè và xin rời quán chè ở Buôn Ma Thuột để trở về làm ăn riêng. Con đường khởi nghiệp của chị cũng bắt đầu từ đó.

ADQuảng cáo

Tạo dựng thương hiệu

Thời điểm ban đầu, do chưa có vốn và mặt bằng kinh doanh, nên chị đã đem chè đi bán dạo. Những tháng ngày rong ruổi khắp các con đường quanh xã Tâm Thắng, thị trấn Ea T’ling, chị vừa quảng cáo về món chè của mình, vừa lắng nghe các ý kiến phản hồi của khách hàng. Dù không ít vất vả, nhưng chị vẫn kiên trì với nghề để nuôi ước mơ có một cửa hàng bán chè.

Sau 2 năm bán dạo, chị được một người bạn cho mượn một góc quán tại xã Tâm Thắng để hành nghề. Ban đầu, số lượng khách tìm đến còn ít, nhưng dần dần, nhiều người truyền tai nhau, nên quán chè của chị bán rất chạy hàng. Nhờ thế, chị đã dần tích lũy được vốn để mở quán chè riêng cho mình.

Hiện nay, ngoài món chè đậu hũ, chè rong biển truyền thống, quán của chị còn có thêm món chè Thái để đa dạng sản phẩm. Chị Thủy vui vẻ cho biết: “Có ngày bán được 200 - 300 ly chè. Nhiều lúc khách đến hỏi nhưng không còn hàng để bán. Dù chạy hàng, nhưng mình không tham, không làm ẩu để lấy số lượng. Bởi mình hành nghề, khởi nghiệp từ món ăn này và nó cũng có  ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng con người. Do đó, phải làm từ cái tâm, phải là sản phẩm tốt nhất có thể trong khả năng”.

Trung bình mỗi tháng, quán chè của chị đạt doanh thu khoảng 30 triệu đồng. Nhờ nguồn thu ổn định nên đời sống kinh tế gia đình chị khấm khá hơn, có điều kiện cho các con ăn học đến nơi đến chốn.

Chị Thủy tiết lộ: “Rất vui là đề tài về sản phẩm của mình đã đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Đắk Nông lần thứ nhất năm 2019. Từ thành công bước đầu này, mình đang đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu “chè Thủy Mập”. Tương lai, mình sẽ mở thêm các cơ sở ở các huyện, thị xã trong tỉnh để tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho các bạn cùng sở thích. Hiện nay, quán chè của mình cũng đang tạo việc làm ổn định cho 5 bạn trẻ”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ "học lỏm" đến khởi nghiệp thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO