Yêu thương, chia sẻ, gắn kết bao tấm lòng sưởi ấm học sinh

Nguyễn Hiền| 20/01/2020 10:46

Ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để dạy tốt, học tốt trước hết phải duy trì sĩ số học sinh. Thầy giáo Nguyễn Quang Trung, Trường THCS Quảng Hòa, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) bằng tâm huyết, tình yêu thương của mình, đã có nhiều việc làm thiết thực để giúp học sinh vùng khó học “cái chữ”, có thêm tri thức bước vào đời.

ADQuảng cáo

Lên rẫy tìm… học sinh

Vào mùa vụ thu hoạch cà phê là niềm vui của bà con nơi vùng sâu nhưng cũng là thời điểm lo lắng của nhà trường và giáo viên vì học sinh sẽ thay nhau nghỉ học. Có lẽ, nếu không có tấm lòng tất cả vì học sinh thân yêu thì thầy giáo Trung và những giáo viên nơi đây không thể nào dành nhiều tâm huyết của mình đến vậy.

Giờ rảnh rỗi, thầy Trung tham gia phụ nhà bếp

Chiếc áo sơ mi ướt đẫm từng vạt, tay gạt những giọt mồ hôi rơi trên trán, giọng thầy Trung gọi học sinh: “Tùng ơi!” vang cả đồi núi bạt ngàn cà phê. Thầy Trung cho biết, mấy ngày nay em Ma Văn Tùng nghỉ học nhưng không liên lạc được. Đoán là em Tùng nghỉ học để hái cà phê giúp mẹ nên thầy phải đi dọc mấy rẫy cà phê gần nhà Tùng để tìm. Rẫy cách trường gần chục cây số, đến nơi thầy Trung lại leo bộ dọc các sườn đồi tìm học sinh của mình. Có khi không gặp được học sinh lớp mình chủ nhiệm, mà lại gặp học sinh các khối lớp khác, thầy cũng dừng chân để giải thích, vận động phụ huynh cho con em đến trường.

Phải vượt mấy “con rẫy”, thầy Trung mới tìm gặp được em Tùng đang phụ mẹ hái cà phê. Như hiểu mục đích thầy giáo lên rẫy tìm gặp nên chị Ma Thị Nậu (mẹ của Tùng) cười trừ một cách thân thiện, thay lời giải thích vì sao cho con nghỉ học. Thầy Trung nhanh tay cùng mẹ con Tùng hái hết cây cà phê, xen vào đó là những câu chuyện vui vẻ. Thầy Trung giải thích một cách nhẹ nhàng về việc nghỉ học sẽ gián đoạn và thiệt thòi cho Tùng vì không theo kịp bạn bè. Hiểu được tâm ý của thầy Trung, cũng như những lần trước, ngay trong buổi trưa hôm ấy, chị Nậu đã để con trai theo thầy Trung đến lớp kịp giờ học buổi chiều.

Thầy Trung cho biết, lớp 7C do thầy chủ nhiệm có 39 học sinh nhưng đến ngày mùa gần như hôm nào cũng có 2-3 học sinh nghỉ học. Hầu hết gia đình các em đều làm rẫy nên học sinh thường hay nghỉ học theo “thời vụ”, nhất là đến mùa thu hoạch. Nếu không kịp thời vận động, nhiều khi các em sẽ nghỉ học rất lâu, thậm chí các em bỏ học luôn.

Bữa cơm níu chân học trò

Từ tháng 12/2018, ngay gần Trường THCS Quảng Hòa có một quán ăn chỉ dành riêng phục vụ các bữa trưa cho học sinh. Quán ăn ấy có khoảng gần chục bàn tròn với những món ăn thơm ngon như thịt gà, trứng chiên, canh, rau... Khuôn mặt nhiều em vẫn còn lấm lem, màu áo trắng ngả vàng, quanh miệng còn dính vài hạt cơm trắng nhưng khuôn mặt thì rất vui vẻ, phấn khởi. Để có những bữa ăn sung túc như vậy cho học sinh, thầy Trung cùng nhiều giáo viên các trường trên địa bàn đã cố gắng kêu gọi sự ủng hộ mới có được.

Thầy Trung cho biết: Phần lớn học sinh ở đây là con em dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Để có được “con chữ”, nhiều em hàng ngày phải đi sớm về khuya, cuốc bộ trên những chặng đường đất bùn lầy, bụi bẩn mới đến được trường học. Những em nhà quá xa thì thuê trọ ở lại, đứa lớn chăm đứa bé với những bữa cơm muối trắng qua ngày, cuộc sống tạm bợ như chính những bữa ăn của các em. Nhiều phụ huynh thì cho con khoảng 50.000 đồng/tuần để các em ở lại mua đồ ăn nhưng phần lớn các em dùng không đúng mục đích. Có những em nghỉ học nhiều ngày liền, khi hỏi ra mới biết là vì đói quá không đi học được. Từ thực tế đó, đầu năm 2017, tôi đã nảy ra ý định kêu gọi nấu cơm cho học sinh. Được cán bộ, giáo viên các trường đồng tình, cùng chung tay kêu gọi, nên đã nấu được một bữa ăn trưa/tuần cho học sinh. Thấy các em ăn ngon, bữa ăn bảo đảm nên càng thôi thúc tôi phải nỗ lực kêu gọi để có thêm bữa cơm cho các em ấm bụng đến trường.

ADQuảng cáo

Với tâm huyết của thầy Trung và nhiều giáo viên khác, từ chỗ chỉ nấu được một bữa, đến nay bếp ăn đã cung cấp được 4 bữa ăn/tuần với trên 120 suất ăn/ngày cho cả học sinh ba bậc học từ mầm non đến THCS trên địa bàn xã. Ngoài kinh phí kêu gọi từ các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các tiểu thương trong xã cũng chung tay hỗ trợ từ chai nước mắm, dầu ăn, từng ký gạo.

Chị Lê Thị Lương Nhi, một chủ quán cơm gần trường cũng tình nguyện nấu cơm và cho mượn bàn ghế, địa điểm tổ chức bữa ăn. Điều đặc biệt, những người phụ bếp chính là những học sinh lớp lớn hàng ngày chia nhau nhặt rau, rửa chén, dọn cơm. Ai cũng vui vẻ nhận phần việc của mình.

Em Sòng Thị Banh, lớp 9B xúc động cho biết: Trước đây em phải tự nấu ăn, không có thức ăn nên em hay bỏ bữa. Từ khi được ăn cơm thế này, em thấy mình khỏe hơn. Ở đây có nhiều món ngon hơn cả ở nhà. Được ăn cơm ngon nên chúng em thấy rất vui. Hàng ngày chúng em chia nhau ra cùng phụ cô Nhi nấu ăn và rửa chén. Nếu không có những bữa ăn như thế này chắc đã có rất nhiều em lớp nhỏ bỏ học. Em thì cảm thấy mình rất may mắn nên sẽ cố gắng học tốt hơn, sau này, nếu có thể cũng sẽ giúp đỡ các bạn khó khăn như thầy cô hiện đang làm.

Mỗi bữa cơm là cơ hội để học sinh không phải bỏ học

Dành nhiều thời gian hơn cho các em

Chúng tôi đến nhà thầy Trung khi chiều tà. Căn nhà nhỏ bé, giản dị như chính con người, tính cách mà chúng tôi thấy ở thầy Trung. Khi được hỏi thành tích, thầy Trung mới mang ra rất nhiều giấy khen, bằng khen. Tiêu biểu như các bằng khen của Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy Ban dân tộc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, UBND tỉnh Đắk Nông, Sở Giáo dục-Đào tạo...

Thầy Trung không kể nhiều về thành tích của mình mà lúc nào cũng nhắc sự nhiệt tâm của ban giám hiệu, của các đồng nghiệp khác trong việc giúp đỡ học sinh. Hiện nay, dù đã kêu gọi được hai nhà hảo tâm hỗ trợ hàng tháng trên 10 triệu đồng để duy trì bếp ăn nhưng thầy Trung vẫn còn trăn trở vì hầu hết học sinh của mình vẫn còn rất khó khăn, phải tự lập khi còn rất nhỏ. Hàng ngày, cùng với việc dạy học, thầy Trung tranh thủ kết nối bạn bè, để vận động hỗ trợ được nhiều hơn cho học sinh khó khăn.

Thầy Trung tâm sự: Đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa thì ngoài việc nâng cao chất lượng các tiết dạy còn phải dành nhiều thời gian hơn cho các em. Cái bụng phải no, cái áo mặc phải ấm, các em mới có thể đi học đều được. Đối với giáo viên chúng tôi ở đây, hạnh phúc chưa hẳn là có học sinh học giỏi mà là được nhìn thấy các em có bữa cơm đầy đủ thức ăn, là những bữa học không trống ghế ngồi. Tình yêu thương, chia sẻ đã gắn kết bao tấm lòng, sưởi ấm các em bằng những bữa ăn, những món quà tặng của các nhà hảo tâm.

Thầy Đỗ Ngọc Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Quảng Hòa cho biết: Trường có 527 học sinh, chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Từ ngày có sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, các bữa ăn của các em được bảo đảm hơn. Tỷ lệ học sinh chuyên cần cũng tăng lên, hạn chế phần nào bỏ học như trước đây. Đây cũng là điều kiện quan trọng để trường nâng cao chất lượng giáo dục. Thầy Trung là người tâm huyết và đã có nhiều đóng góp tích cực trong tất cả các hoạt động, nhất là kêu gọi hỗ trợ học sinh.

Nhìn những ánh mắt thơ ngây, những nụ cười hồn nhiên của học sinh, chúng tôi hiểu rằng, từ tâm huyết của thầy Trung và những giáo viên nơi đây, con đường đến trường của các em phần nào rộng mở. Ngôi trường của thầy Trung tọa lạc trên một điểm cao nhất vùng nên thường hứng hết gió thổi các mùa. Thế nhưng, tiếng học sinh đọc bài dõng dạc, tiếng hát trong giờ sinh hoạt cất lên làm ấm lại cả không gian: “…Trường của em be bé/Nằm lặng giữa rừng cây/ Cô giáo em tre trẻ/Dạy em hát rất hay....”

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu thương, chia sẻ, gắn kết bao tấm lòng sưởi ấm học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO