Bon làng ưng làm du lịch

Mỹ Hằng| 04/02/2022 09:07

Xác định vai trò, trách nhiệm của mình, đồng bào các dân tộc vùng Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông đang nỗ lực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tạo nên sản phẩm đặc trưng thông qua hình thành mô hình du lịch cộng đồng.

ADQuảng cáo

Từ Đắk Nia

Làng nghề du lịch - văn hóa cộng đồng xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) là nơi thường tiếp đón rất nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan tìm hiểu văn hóa của người Mạ trên địa bàn. Vì vậy, đồng bào Mạ nơi đây đã có nhiều hình thức để giới thiệu về những nét văn hóa mang tính đặc trưng, với niềm tự hào.

Thong thả ngồi xếp lại chồng thổ cẩm đặt ở góc nhà văn hóa, nghệ nhân H’Bình ở bon N’Jriêng vừa giới thiệu nét đặc trưng văn hóa Mạ qua những tấm thổ cẩm: “Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, gắn liền với cuộc sống của người Mạ từ bao đời nay. Những sản phẩm không đơn thuần chỉ là chiếc áo, chiếc khăn dùng để mặc, để choàng hàng ngày mà bên trong còn chứa đựng nét đẹp, thể hiện đặc trưng đời sống con người nơi đây. Trước đây, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, có rất nhiều đoàn du khách đến tham quan thác Liêng Nung và dừng chân để xem chúng tôi dệt thổ cẩm. Có khách còn mua túi, khăn về làm quà nữa nên bà con trong bon có thêm nguồn thu nhập đáng kể”.

Trải nghiệm Lễ cúng bến nước của người Mạ ở xã Đắk Nia

Không riêng gì các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm bon N’Jriêng, nhiều gia đình khác ở xã Đắk Nia còn chuyên sản xuất các sản phẩm như rượu cần, thổ cẩm, cà phê... Là địa phương sở hữu nhiều phong cảnh đẹp như thác Liêng Nung, văn hóa truyền thống độc đáo nên nhiều năm qua nơi đây thường xuyên diễn ra các lễ hội đầu xuân đón du khách.

Trên cơ sở đó, xã Đắk Nia thành lập các đội chiêng, đội múa xoang và các tổ hợp tác dệt thổ cẩm, sản xuất rượu cần, tạo thành chuỗi hoạt động trải nghiệm, trình diễn khi khách có nhu cầu.

Nghệ nhân K’Tiêng cho biết: “Trước đây, có nhiều đoàn khách ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội liên hệ để có thể trải nghiệm văn hóa lễ hội truyền thống của người Mạ. Mỗi lần trình diễn, các nghệ nhân, người dân đều được trả thù lao theo chương trình, tùy thuộc vào quy mô, mức độ mà các đoàn khách yêu cầu”.

Đồng bào Mạ ở xã Đắk Nia chung sức xây dựng mô hình du lịch cộng đồng

Năm 2019, xã Đắk Nia tiến hành thí điểm hình thành Làng nghề du lịch - văn hóa cộng đồng, mỗi khi có khách đến tham quan, đồng bào thường sử dụng nhà văn hóa cộng đồng để đón khách. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động cùng người dân như tham gia lao động sản xuất, tìm hiểu văn hóa truyền thống, giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian.

Theo ông Trần Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, từ lâu địa phương đã xác định phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng trên địa bàn xã gắn liền với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Vì vậy, xã đã từng bước triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Đến Tâm Thắng

Với những lợi thế độc đáo, đặc sắc của các món ăn, nhạc cụ, văn hóa cồng chiêng, đồng bào Ê đê ở xã Tâm Thắng (Cư Jút) đã đưa vào phục vụ du khách khi có nhu cầu. Mỗi khi có đoàn khách nào muốn tham quan tìm hiểu thì họ đều liên hệ với chính quyền địa phương. Dưới sự trợ giúp của chính quyền, đồng bào Ê đê nơi đây tái hiện các lễ hội truyền thống, dệt thổ cẩm, múa xoang… phục vụ du khách.

ADQuảng cáo

Nghệ nhân H’Đá chia sẻ: “Từ khi thành lập tổ hợp tác để xây dựng nên mô hình du lịch cộng đồng thì có nhiều đoàn khách đến liên hệ tham quan hoạt động dệt thổ cẩm, làm rượu cần, ăn cơm lam, thịt nướng hoặc xem lễ hội. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động cũng hạn chế nhiều. Mặc dù vậy, bà con vẫn thường xuyên đến nhà văn hóa cộng đồng buôn để dệt thổ cẩm. Đội chiêng vẫn tập luyện để có thể phục vụ du khách khi đến thăm”.

Tổ hợp tác dệt thổ cẩm bon N'Jriêng

Nghệ nhân Y Sim cho hay: “Dù chưa phải là mô hình du lịch cộng đồng chính thức nhưng hoạt động văn hóa truyền thống đã mang lại cho chúng tôi mức thu nhập đáng kể. Mỗi khi địa phương có đoàn khách nào liên hệ tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm cuộc sống của người Ê đê, chúng tôi cảm thấy tự hào khi được giới thiệu các phong tục, tập quán, công việc hằng ngày như dệt thổ cẩm, đan lát, diễn tấu cồng chiêng...”.

Theo ông Nguyễn Sỹ Ánh, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, buôn Nui, buôn Buôr là những buôn làng còn bảo tồn, lưu giữ nhiều nghề truyền thống, bản sắc văn hóa của người Ê đê cũng như nỗ lực truyền dạy cho con cháu biết dệt thổ cẩm, đánh cồng chiêng, hát Aray, chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc như Brố, đàn Goong ching gam… Với những yếu tố trên, các buôn hội tụ đủ các điều kiện để hình thành một điểm du lịch cộng đồng, góp phần làm hấp dẫn, phong phú thêm cho du lịch Đắk Nông.

Chắc chắn khi đi vào hoạt động, mô hình sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ du lịch, thương mại và mở ra cơ hội trao đổi, giao lưu văn hóa, giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa. Trong định hướng phát triển du lịch vùng CVĐC giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Cư Jút đã phê duyệt, bố trí kinh phí hơn 1 tỷ đồng để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại buôn Nui.

Chìa khóa cho phát triển du lịch

Phát triển du lịch cộng đồng là một trong những tiêu chí phát triển du lịch bền vững mà UNESCO đưa ra, trong đó yếu tố con người chính là “chìa khóa” cho sự phát triển bền vững này. Các sản phẩm du lịch trong mô hình tập trung vào các hoạt động khám phá văn hóa và trải nghiệm văn hóa theo chiều sâu.

Đồng bào Ê đê ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) tham gia làm du lịch cộng đồng

Năm 2018, UBND tỉnh Đắk Nông chọn 9 thôn, buôn, bon thí điểm làm mô hình du lịch cộng đồng gồm bon N’Jriêng, xã Đắk Nia, bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa); bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp); buôn Buôr, buôn Nui, xã Tâm Thắng, Làng văn hóa dân tộc Dao, xã Ea Pô (Cư Jút); bon Ja Ráh, xã Nâm Nung, thôn Nam Tân, xã Nam Đà (Krông Nô); bon Kon Hao, xã Đắk Ha (Đắk Glong).

Đây là những thôn, bon mà đồng bào còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo như đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, ẩm thực cùng hệ thống lễ hội vô cùng độc đáo, được xem là điểm nhấn thu hút du khách khi muốn trải nghiệm cùng cộng đồng. Các thôn, buôn, bon được hướng dẫn thành lập ban quản lý, ban tự quản để có tư cách pháp nhân có thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh. Trên cơ sở nguồn lực các hộ gia đình hiện có, các địa phương hướng dẫn các thủ tục cho họ xây nhà vệ sinh bảo đảm tiêu chí khi có du khách đến tham quan, tìm hiểu…

Đặc biệt, với hệ thống hang động dài và rộng bậc nhất khu vực Đông Nam Á, cùng với cộng đồng các dân tộc đang sinh sống, sản xuất lân cận vùng khu vực núi lửa, mô hình du lịch cộng đồng tại tỉnh Đắk Nông hoàn toàn có thể phát triển dưới sự hỗ trợ của chính quyền. Hiện nay, du lịch hang động CVĐCTC UNESCO Đắk Nông là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng và đã thu hút sự quan tâm rất nhiều từ khách du lịch.

Từ năm 2019, tỉnh Đắk Nông đã bắt đầu thí điểm phát triển làng nghề du lịch - văn hóa cộng đồng tại xã Đắk Nia với việc giới thiệu văn hóa dệt thổ cẩm và nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng của người Mạ. Đây sẽ là một mô hình tiêu biểu và sẽ được ứng dụng rộng rãi tại các bon, buôn khác trong vùng CVĐCTC UNESCO Đắk Nông thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bon làng ưng làm du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO