Chắp cánh ước mơ

28/01/2022 09:26

Truyện ngắn của THÙY DƯƠNG

ADQuảng cáo

Đất trời vào xuân, sáng sớm tiết trời lành lạnh. Ông Hùng khoác chiếc áo gió mỏng đủ ấm, một mình đi vào khu rừng thông cách nhà hơn mười cây số. Mùa xuân Tây Nguyên không có mưa phùn bay bay trong cái rét như ở miền Bắc mà se se, dịu dịu, thoảng thơm hương hoa cà phê và những loài hoa dại của núi rừng. Con đường quen thuộc này ông đã đi về không biết bao nhiêu lần nhưng hôm nay sao thấy quyến rũ đến lạ. Giờ này, sương vẫn rơi giăng trắng cả đất trời, tạo thành một khung cảnh huyền bí như đưa ông lạc vào thế giới huyền thoại, nơi có câu chuyện tình yêu của đôi trai gái trên đỉnh Tà Đùng.

Vùng đất này không phải nơi ông sinh ra nhưng là quê hương thứ hai gắn bó với ông hơn ba mươi năm. Ý định ban đầu, ông chỉ xin công tác một thời gian ngắn, cống hiến tuổi thanh xuân dạy con chữ cho học sinh dân tộc thiểu số nơi đây. Nhưng rồi, tình đất, tình người đã níu giữ ông ở lại. Ông yêu tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng mỗi dịp xuân về, yêu những nét hoa văn trên chiếc váy thổ cẩm của các cô gái Mạ, M’nông nhảy nhịp xoang bên ánh lửa bập bùng. Bên bếp lửa hồng, ông đã được nghe người già kể lại những truyền thuyết kỳ bí. Biết bao thế hệ, đồng bào sống dưới chân núi Tà Đùng vẫn kể cho nhau nghe những câu chuyện về ngọn núi hùng vĩ, về sự tích cái tên của từng gốc cây, hòn đá, con suối, ngọn đồi và truyền tình yêu rừng cho con cháu. Đối với người dân nơi này, rừng là đất thiêng, rừng là sinh mệnh của cả bon làng, việc giữ rừng là bảo vệ sinh mệnh sống của dân. Và không biết từ khi nào mà tình yêu rừng cũng đã ngấm vào máu thịt của ông. Ông từng mơ ước sẽ có một khu rừng của riêng mình và đến giờ ông đã thực hiện được ước mơ khi sở hữu khu rừng thông đã hơn 15 năm tuổi. Quãng thời gian qua, khu rừng đã đem đến cho ông cảm giác bình yên. Mỗi lần có ưu phiền, căng thẳng, ông lại tìm đến khu rừng và khi bước ra khỏi rừng, mọi thứ dường như đều đã được rũ bỏ, chỉ còn lại niềm vui, sự an nhiên trong tâm hồn.

Dựng chiếc xe máy ở gốc cây thông to nhất, ông Hùng dạo bước trên con đường ông mới cho san ủi mấy ngày trước. Ông dự định tạo cảnh quan cho khu rừng thông thật đẹp để hơn một năm nữa nghỉ hưu, gom thêm ít vốn phát triển du lịch. Nơi này thuận lợi vì có quốc lộ chạy qua, nối liền với tỉnh Lâm Đồng. Ở ngay phía dưới khu rừng lại có hồ thủy điện rộng và đẹp. Vùng đất này vài năm gần đây nổi lên là khu du lịch của tỉnh với cảnh đẹp được ví như vịnh Hạ Long của Tây Nguyên. Nhiều nhà đầu tư đã mở một số dịch vụ nên lượng khách đổ về khá đông. Ông thầm nghĩ, địa thế khu rừng này cũng không tệ, nếu được đầu tư nhiều hơn sẽ có nhiều người quan tâm, nhất là các bạn trẻ sẽ có một điểm chếch in lý tưởng.

- Thầy Hùng đang nghĩ gì mà trầm tư vậy ạ? Tiếng của K’Sơn phía sau lưng làm ông Hùng giật mình. Ông quay lại nhìn K’Sơn nở nụ cười:

- K’Sơn đấy à. Nay đã xong cách ly Covid-19 rồi hả. Sao cậu biết tôi ở đây mà tới?

- Dạ, em qua nhà hỏi cô. Cô nói thầy đang ở ngoài này ạ. Em hoàn thành cách ly theo đúng quy định rồi ạ. Mình ở vùng dịch về phải thực hiện đúng, chứ không lây lan dịch bệnh cho bà con thì mình có tội lắm ạ.

- Ừ, vậy là tốt. Cậu đã lớn thật rồi, biết suy nghĩ chín chắn, không còn như ngày xưa nữa.

K’Sơn gãi đầu, miệng cười cười nhưng khuôn mặt hơi xấu hổ. Cậu nhớ những ngày còn đi học ở trường, thầy Hùng làm chủ nhiệm lớp. Cậu là một học trò ham chơi game, thường xuyên bỏ học ngồi ở quán internet. Có lần vì không có tiền chơi game, cậu rủ mấy người bạn vào rừng thông của thầy Hùng cưa cây lấy gỗ bán. Năm đó, các con của thầy đều đi học xa, thầy cũng không có thời gian thăm nom thường xuyên nên rừng thông bị đám bạn của K’Sơn cưa đi kha khá. Mãi sau này có người mách với thầy Hùng, thầy đến bắt quả tang. Nhìn thấy hàng cây thông bị cưa gãy đổ rạp, thầy Hùng thẫn thờ như người mất hồn. Khuôn mặt rầu rĩ, buông một tiếng thở dài, thầy nhìn K’Sơn chậm rãi nói từng câu: “Mỗi cây thông ở đây, thầy đều coi như khúc ruột của mình. Em làm thế này khác gì chặt từng khúc ruột của thầy. Thầy yêu quý rừng, yêu quý loài cây này, em sao nỡ để rừng chảy máu?”.

Minh họa: Ngọc Tâm

Cậu lâu nay vẫn hay nghe những lời mắng nhiếc khi phạm lỗi. Cậu cũng quen với việc bị la rầy nặng lời thậm chí còn bị bố mẹ dùng đòn roi đánh thâm chân tay. Nếu thầy Hùng cũng nạt nộ, đánh mắng thì có lẽ cậu chẳng cảm thấy gì. Nhưng hoàn cảnh này thật khác, cậu nhìn thấy được nỗi đau của một người bị mất đi thứ gì đó yêu quý, coi như máu thịt. Thầy Hùng càng nhẹ nhàng lại càng khiến cậu thấy áy náy, ân hận. Ở trên lớp, thầy luôn ân cần dìu dắt cậu. Biết cậu ham chơi, thầy thường xuyên nói chuyện riêng, động viên cậu cố gắng học hành. Bây giờ, cậu chỉ biết cúi mặt chẳng dám nói gì. Thầy lại gần vỗ vai cậu: “Em cũng biết bà con mình quý cây, quý rừng thế nào đấy. Nếu để dân làng biết, chắc chắn em sẽ bị trách phạt nặng. Nếu em thấy cần chuộc lỗi thì những ngày cuối tuần theo thầy trồng cây mới đúng chỗ những cây đã bị cưa đổ”.

Và rồi, những vạt cây thông mới đã được K’Sơn và thầy trồng lại mỗi dịp cuối tuần. Những buổi trồng cây cùng thầy Hùng, cậu được thầy kể cho nghe thật nhiều câu chuyện thú vị về nét đẹp văn hóa bản địa. Hóa ra, những nét đặc trưng văn hóa về rượu cần, thổ cẩm, về những lễ hội của dân tộc cậu lại có sức hút đối với người khác đến vậy. Cậu được sinh ra, nuôi dưỡng bằng mạch nguồn văn hóa lại không nhận ra được những giá trị ấy. Chính thầy là người đã truyền cho cậu tình yêu với quê hương xứ sở, với văn hóa của dân tộc mình. Thầy đã chắp cánh ước mơ để cậu học ngành hướng dẫn viên du lịch với mong muốn giới thiệu nét đẹp văn hóa quê hương tới đông đảo mọi người. Ra trường, cậu xin làm việc cho một công ty lữ hành chuyên thực hiện các tour du lịch đến Tây Nguyên. Mới làm được thời gian thì dịch Covid-19 ập tới khiến mọi hoạt động ngưng trệ, cậu đành tạm thời về quê nhà.

- Thầy ơi, mình tới thăm chỗ cây thầy và em trồng xem cao lớn đến đâu rồi ạ.

- Đám cây đó sống tốt lắm. Như cậu ấy, mạnh mẽ, căng tràn sức sống.

K’Sơn cười tươi:

- Vậy là em cũng có công trồng rừng, góp phần vào việc nâng tỷ lệ che phủ rừng à thầy?

- Vâng, cậu có công lớn. Tôi còn chưa tố giác cậu chặt trộm cây là may đấy.

K’Sơn cười hề hề:

ADQuảng cáo

- Tuổi trẻ ai chẳng có lúc lầm lỡ hả thầy. Mà thầy ơi, em nghe cô nói khu rừng thông này có người trả cả đến tiền tỷ để họ khai thác lấy gỗ mà thầy không bán à?

- Thầy nói rồi, rừng thông là máu thịt của thầy, thầy không bán đâu. Rừng thông đang mang lại giá trị môi trường rất lớn, điều đó quan trọng hơn. Với lại, vùng đất của chúng ta đang có tiềm năng phát triển du lịch. Nơi này để vừa làm du lịch vừa giữ lại rừng thông thì lợi cả đôi đường. Thầy tính rồi, hơn 1 năm nữa là thầy về hưu, thầy sẽ có thời gian để đi tìm nguồn vốn, tìm nhà đầu tư, chứ thực tình mình thầy làm cũng không nổi. 

- Thầy đang tìm nhà đầu tư ạ? Em có một người quen, ông ấy từng là khách hàng của công ty tham gia một tour du lịch các tỉnh Tây Nguyên. Ông ấy là chủ một doanh nghiệp lớn ở TP. Hồ Chí Minh, rất quan tâm đến vùng đất này. Ông ấy biết em ở khu vực Tà Đùng và là người bản địa nữa nên có gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện.

- Được, nếu ông ấy có vốn muốn đầu tư thì thầy có thể bàn bạc.

- Nếu thầy đồng ý em sẽ gọi báo cho ông ấy ạ. Ông ấy đang ở trên này. Hôm trước ông ấy nói, sau hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, ông sẽ ghé vào đây tìm hiểu cụ thể. Em gọi ông ấy vào tận đây coi trực tiếp xem ông ấy có hứng thú không ạ.

Hơn 1 tiếng sau đã thấy người đàn ông đi chiếc xe Mercedes - Benz màu bạc đỗ bên đường. Người đàn ông có dáng cao mảnh khảnh, tóc hoa râm nhưng vẫn toát lên nét trẻ trung, phong độ. Người đàn ông bước về phía ông Hùng, cất tiếng chào:

- Chào anh, tôi tên là Cường. Tôi có nghe K’Sơn nói sơ qua về anh và khu rừng này. Anh năm nay bao nhiêu tuổi rồi để tôi tiện xưng hô?

- Vâng, chào anh. Tôi sinh năm 1962, tuổi Nhâm Dần.

- Ô! Thật là trùng hợp, tôi cũng sinh năm 1962, tuổi con hổ đây. Chúng ta bằng tuổi nhau rồi. Tuổi con cọp theo tử vi là có ý chí phấn đấu mạnh mẽ, càng khó khăn càng vươn dậy đấy. Mà hổ là phải ở rừng mới hợp ông ạ. Tôi bôn ba cũng nhiều rồi, giờ tuổi già thích được về với thiên nhiên, về với rừng. Chúng ta gọi ông, tôi cho tình cảm nhỉ?

- Ồ, được thôi!

- Quả thật, nơi này rất tuyệt đấy. Tôi dự hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, thấy lãnh đạo tỉnh trao đổi sẽ tạo điều kiện để các nhà đầu tư, kinh doanh đến tìm hiểu, nghiên cứu.

- Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, cảnh quan. Khu vực này nếu đầu tư làm du lịch trải nghiệm, thân thiện với thiên nhiên sẽ rất tốt. Ở đây có một nền văn hóa đậm đà bản sắc lại nằm trong khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Chúng tôi có sẵn tiềm năng, hy vọng ông sẽ cùng chúng tôi xây dựng, phát triển nơi này, cùng chắp cánh cho ước mơ bay cao, bay xa hơn nữa.

K’Sơn tiếp lời ông Hùng:

- Nếu dự án hợp tác này thành công, cháu xin được làm một chân hướng dẫn nhé. Cháu muốn được ở lại quê hương đóng góp sức mình ạ.

Ông Cường vỗ vai K’Sơn kiên định:

- Chắc chắn rồi. Cậu là người rất quan trọng đấy, không ai hiểu văn hóa bản địa bằng người bản địa. Nếu được cậu giới thiệu sẽ rất hay. Chúng ta sẽ liên kết xây dựng các điểm đến thú vị gắn với các giá trị lịch sử. Du khách sẽ rất vui khi được thưởng thức ẩm thực bản địa, được hòa mình vào nhịp chiêng, nhịp xoang Tây Nguyên.

 Ba bóng người vừa rảo bước đi trong khu rừng thông, vừa rôm rả chuyện trò. Từng lớp cây thông đứng thẳng vút hiên ngang giữa đất trời. Những tia nắng mặt trời len lỏi qua từng tán lá thông, chiếu rọi lên mặt đất và thảm thực vật xung quanh tạo thành một bức tranh tuyệt mĩ. Ngoài quốc lộ, một tốp thanh niên đi phượt dừng xe bên đường, thi nhau tạo dáng chụp ảnh bên rừng thông, cười đùa thích thú. Trên cao, lá thông reo vi vu đùa vui với gió, cùng hòa nhịp điệu nghe như một bản tình ca không lời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chắp cánh ước mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO