Đắk R'lấp nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện

28/01/2022 08:04

Thời gian qua, Phòng GD-ĐT huyện Đắk R’lấp đã không ngừng triển khai các giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế, đặc điểm học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

ADQuảng cáo

Lấy trẻ làm trung tâm

Ở từng bậc học, ngành Giáo dục huyện đã có những giải pháp chuyên sâu để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của từng năm học. Đối với giáo dục bậc mầm non, Phòng chỉ đạo các đơn vị tăng cường điều kiện như đội ngũ, giáo viên, cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo quan điểm “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”.

Các nhà trường đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ, đánh giá sự phát triển của trẻ trong cả quá trình hoạt động và sử dụng kết quả đánh giá để xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với khả năng, nhu cầu, sở thích của trẻ cũng như điều kiện thực tế của trường, lớp.

Giáo viên tập huấn online để triển khai nhiệm vụ năm học

Giáo viên linh hoạt trong xây dựng bộ công cụ đánh giá trẻ 5 tuổi và tiến hành đánh giá trẻ bảo đảm đúng quy định. Hầu hết giáo viên tích cực đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, thực hiện tích hợp, hiệu quả các nội dung như: giáo dục an toàn giao thông, giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai trong trường mầm non.

Giáo viên còn tập trung xây dựng môi trường giao tiếp, môi trường chữ viết trong các trường mầm non, tạo điều kiện để trẻ phát triển ngôn ngữ ở mọi nơi, mọi lúc, phát triển kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là khả năng tự tin, sử dụng ngôn ngữ mạch lạc, biểu cảm.

Hàng năm, các trường mầm non thực hiện có hiệu quả các chuyên đề như nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non; xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm...100% cơ sở giáo dục mầm non thực hiện tốt công tác tổ chức bán trú, với tỷ lệ trẻ ăn bán trú đạt 98%. Tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 100%; tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm chỉ còn 5% và thể thấp còi giảm chỉ còn 4,6m. Nhờ đó, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ chuyển biến rõ nét, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 90,5% (trẻ 5 tuổi đạt 100%). Nhờ đó, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ chuyển biến rõ nét, tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 90,5% (trẻ 5 tuổi đạt 100%).

Đổi mới giáo dục tiểu học

Từ năm học 2020-2021, bậc tiểu học chú trọng thực hiện đổi mới dạy và học, triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới và thay sách giáo khoa lớp 1. Toàn huyện đã triển khai đồng bộ, với quyết tâm cao theo đúng kế hoạch của các cấp quản lý. Các trường tiểu học trên địa bàn huyện đều xây dựng kế hoạch giáo dục và thời khóa biểu một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp. 

Toàn bậc tiểu học tiếp tục duy trì và phát huy các hoạt động sinh hoạt chuyên môn trường và cụm trường, phối hợp với chương trình phát triển vùng trong công tác sinh hoạt chuyên môn cụm, kết hợp các hoạt động truyền thông tuyên truyền phù hợp với mục đích nâng cao chất lượng dạy học theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Điều kiện học tập của học sinh Trường tiểu học Bùi Thị Xuân ở thị trấn Kiến Đức ngày càng được nâng cao

Mỗi trường học đều chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường. Hàng năm, Phòng GD-ĐT huyện còn tổ chức hội thi giáo viên, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi nhằm thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt trong toàn thể cán bộ, giáo viên.

ADQuảng cáo

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 98,39%. Số lượng, chất lượng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, thư viện tiên tiến có bước phát triển. Chất lượng giáo dục tiếp tục được ổn định và duy trì. Tỷ lệ học sinh bỏ học dưới 1%.

Giáo dục trung học chủ động, linh hoạt

Các trường THCS trên địa bàn huyện thực hiện chương trình, thời khóa biểu một cách chủ động, luôn rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, bảo đảm hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học.

Việc điều chỉnh nội dung dạy học, phát triển chương trình được các trường thực hiện theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới. Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, nhất là tăng cường việc vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống đặt ra trong thực tiễn.

Hàng năm, các trường tổ chức dạy học phân hóa phù hợp các đối tượng học sinh khác nhau. Nhiều trường tổ chức tốt các câu lạc bộ, dạy học qua di sản, qua cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Toàn bậc học thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá học kỳ theo hướng dẫn.

Học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (xã Kiến Thành) đồng diễn thể dục (khi chưa xảy ra dịch Covid-19)

Ngành Giáo dục huyện chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ giáo viên cốt cán hỗ trợ chuyên môn cho các trường hiệu quả hơn, nhất là trong thời gian học sinh học trực tuyến do dịch Covid-19. Giáo viên tăng cường ứng dụng các đề tài, sáng kiến vào quản lý và dạy học. Nhờ đó, trong năm học đã có 445 sáng kiến được công nhận cấp huyện và 38 sáng kiến công nhận cấp tỉnh.

Hướng đến phát triển toàn diện

Theo ông Phan Văn Tấn, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Đắk R'lấp, để nâng cao hơn nữa chất lượng các bậc học một cách toàn diện, huyện tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tập trung vào hoàn thành các mục tiêu giáo dục hàng năm cũng như xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, dân chủ, kỷ cương.

Đối với bậc mầm non, ngành chú trọng phát triển mạng lưới trường, lớp đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ, nhất là tại các khu vực đông dân cư, khu vực có nhiều dân di cư tự do, khu công nghiệp, khu chế xuất. Các trường duy trì ổn định tỷ lệ trẻ tới trường, tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở những nơi có điều kiện và nâng cao hơn nữa chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Đối với giáo dục phổ thông, ngành tập trung triển khai hiệu quả chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới ở các cấp học. Cùng với đó, các trường đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển giáo dục mũi nhọn, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Đối với giáo dục thường xuyên và giáo dục dân tộc thiểu số, ngành đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập và phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk R'lấp nỗ lực xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO