Điểm sáng trong ba khâu đột phá

Song Việt| 02/02/2022 05:28

Với quyết tâm đưa Đắk Nông trở thành tỉnh trung bình khá khu vực Tây Nguyên vào năm 2025, tỉnh đã đề ra ba khâu đột phá chiến lược. Bám sát nghị quyết, chương trình hành động, trong năm 2021, nhiều lĩnh vực đã được khởi động, tạo đà để hiện thực hóa mục tiêu đề ra.

ADQuảng cáo

Cải thiện môi trường đầu tư

Ngày 13/10/2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Chương trình “Khát vọng Đắk Nông”, với sự tham gia của hàng trăm đại biểu. Chương trình ngoài tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp còn là dịp để quảng bá, kêu gọi đầu tư vào Đắk Nông.

Những người tham dự Chương trình đều tỏ ra rất hài lòng. Họ cảm nhận được sự thiện chí, quyết tâm của tỉnh trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư. Sau Chương trình không lâu, Công ty Cổ phần OriVi Highland đã quyết định đầu tư bằng việc khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Gia Nghĩa.

Dự án có quy mô 2,38 ha, với tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng. Dự kiến, đến tháng 5/2022, dự án sẽ đi vào hoạt động, mang lại thu nhập cho nông dân vùng trồng nguyên liệu từ 300 - 500 tỷ đồng/năm.

Tiếp đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn F.I.T - một tập đoàn lớn, mạnh về tài chính - đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh để xúc tiến các kế hoạch đầu tư. Tập đoàn F.I.T bày tỏ mong muốn đầu tư vào 3 lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, bất động sản, với tổng số vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng...

Đắk Nông đang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp, nhất là cà phê. Ảnh: Đức Hùng

Đây chỉ là hai trong số nhiều dự án, nhà đầu tư đã hoặc đang muốn tìm cơ hội làm ăn tại Đắk Nông trong thời gian gần đây. Ngoài việc nhìn thấy những cơ hội, tiềm năng, lợi thế của Đắk Nông, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng đang cảm nhận được sự cải thiện, thay đổi mạnh mẽ trong môi trường đầu tư của tỉnh.

Theo ông Võ Toàn Phát Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Land Asia (TP. Hồ Chí Minh), hiện Công ty đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Đắk Nông. Công ty nhận thấy, ngoài những lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nguyên liệu, tỉnh đã cải thiện rất nhiều về môi trường đầu tư.

Trong quá trình liên hệ công việc, ông tiếp xúc với nhiều cơ quan, đơn vị và hầu hết đều nhanh gọn, đúng quy định. Cán bộ, công chức đã thể hiện sự nhiệt tình, nhã nhặn. "Điều quan trọng là tỉnh có sự thay đổi và tôi khá hài lòng về điều đó. Nhất định chúng tôi sẽ đầu tư vào Đắk Nông", ông Huy chia sẻ.

Lâu nay, tỉnh Đắk Nông đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường đầu tư. Nhiều hành động cụ thể được tỉnh triển khai như đối thoại với doanh nghiệp, cà phê doanh nhân, hội nghị xúc tiến đầu tư...

Hằng năm, tỉnh đều rà soát, cắt giảm hàng chục thủ tục hành chính liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Năm 2020, chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đạt 82,05/100 điểm, tăng 5 bậc so với năm 2019.

Trong đó, chỉ số thực hiện công tác CCHC đạt 56,94/66,5 điểm; cải cách thủ tục hành chính đạt 13,44/13,50 điểm; công tác chỉ đạo điều hành CCHC đạt 7,5/8,5 điểm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước đạt 10,06/11,50 điểm; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt 8,43/10 điểm… Đắk Nông được xếp vào nhóm B, đứng 51/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về CCHC.

ADQuảng cáo

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng tỉnh Đắk Nông vẫn thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến đầu tư. Cụ thể, có 14 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 2.611 tỷ đồng đã được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận cho đầu tư thực hiện. Trong đó, 10 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 1 dự án thuộc lĩnh vực y tế, 1 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, 1 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, 1 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười khẳng định: "Với khát vọng phát triển nhanh, bền vững hơn, chúng tôi trân trọng mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước hãy đến Đắk Nông nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư. Chúng tôi tin chắc rằng, các bạn sẽ tìm thấy ở Đắk Nông nhiều cơ hội đầu tư hết sức hấp dẫn, được đáp ứng điều kiện để triển khai ngay và mang lại hiệu quả thiết thực nhất".

Chuyển biến về hạ tầng giao thông

Hạ tầng giao thông là một trong những khâu yếu nhất của tỉnh nhiều năm qua. Tỉnh chỉ có duy nhất loại hình giao thông đường bộ. Hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, quy mô nhỏ hẹp, xuống cấp...

Để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, việc phát triển hạ tầng giao thông là khâu trọng yếu. Những năm qua, nhiều tuyến đường giao thông có quy mô lớn đã được tỉnh đầu tư xây dựng. Trong đó, nổi bật nhất là Dự án đường Đạo Nghĩa (Đắk R'lấp) đi Quảng Khê (Đắk Glong).

Dự án có chiều dài gần 46 km, nối quốc lộ 14 từ Kiến Đức (Đắk R’lấp) với quốc lộ 28 tại xã Quảng Khê (Đắk Glong). Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Đến nay, giai đoạn 1 của dự án với hơn 21 km, tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Năm 2021, tỉnh cũng triển khai quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông và đã cơ bản hoàn thành. Tỉnh đặt mục tiêu, giai đoạn 2020-2025, sẽ đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa khoảng 380 km đường, nâng tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hóa đường toàn tỉnh từ 65% lên 73%.

Quốc lộ 14 là một trong những tuyến đường huyết mạch của Đắk Nông, góp phần bảo đảm lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân

Trong đó, tỷ lệ nhựa hóa đường huyện được đầu tư nâng từ 76% lên 88%. Một số tuyến đường đô thị quan trọng được nâng cấp và xây dựng mới, với chiều dài khoảng 40 km.

Đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ có khoảng 270 km đường xã, thôn, buôn được đầu tư nâng cấp, tăng tỷ lệ từ 51% lên 61%. Các tuyến tỉnh lộ được đầu tư khoảng 82 km, với quy mô 2 làn xe, nâng tỷ lệ tỉnh lộ có mặt đường 2 làn xe từ 19% lên 55%.

Đặc biệt, tỉnh cùng với Trung ương đang hướng tới đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đắk Nông - Bình Phước; tuyến đường sắt qua khu vực Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông. Riêng tuyến cao tốc Đắk Nông - Bình Phước đã được Chính phủ phê duyệt kế hoạch đầu tư, với chiều dài 67 km, tổng kinh phí hơn 715 triệu USD.

Theo ông Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, ngoài những tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tỉnh quan tâm thúc đẩy đầu tư, phát triển mạng lưới giao thông cơ sở. Các tuyến đường cấp xã, thôn, bon, sẽ được tỉnh ưu tiên đầu tư phát triển để tạo thuận lợi trong việc đi lại, nhất là khâu vận chuyển nguyên liệu tới các nhà máy, khu công nghiệp, chợ đầu mối...

Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra 3 mục tiêu chiến lược gồm: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trước hết là đẩy mạnh cải cách hành chính; Xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông; Phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống chính trị.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm sáng trong ba khâu đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO