Giành giật sự sống nơi “cửa tử””

Tuệ An| 04/02/2022 09:05

Áp lực có, căng thẳng có và phải chịu nhiều thiệt thòi, thế nhưng vượt lên trên hết, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng làm việc tại Khu điều trị Covid-19 tuyến cuối của tỉnh luôn cố gắng hoàn thành tốt sứ mệnh, góp công rất lớn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

ADQuảng cáo

Dốc hết sức để cứu bà con

Nằm riêng biệt tại cuối khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông, Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng luôn yên ả, vắng lặng đến lạ thường, nhưng bên trong thực sự là một cuộc chiến giành giật sự sống cho những bệnh nhân Covid-19.

Như mọi ngày, giữa buổi sáng, điều dưỡng Nguyễn Hải Quân, thuộc Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông chuẩn bị vào ca làm việc. Đồng hành cùng anh Quân là bộ đồ bảo hộ xuyên suốt cả ca trực và hầu như không có thời gian nghỉ.

Vượt mưa, đưa máy X-Quang đến tận phòng điều trị chụp khám cho bệnh nhân Covid-19

Điều dưỡng Nguyễn Hải Quân cho biết: “Khi đã xác định tham gia vào công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân Covid-19, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng. Chúng tôi xác định sức khỏe của bệnh nhân là trên hết, nhất là khi họ trở nặng thì dường như quên hết bản thân mình, chỉ biết dốc hết sức để cứu bà con mà thôi”.

Điều dưỡng Nguyễn Hải Quân còn là 1 trong 11 y, bác sĩ Đắk Nông từng lên đường, tham gia chống dịch tại TP. HCM vừa qua. Hỏi về khoảng thời gian đó, anh chia sẻ: “Những ngày đầu tiên cũng khá khó khăn, nhưng với tinh thần học hỏi, quyết tâm vì những người bệnh đang bất động trên giường bệnh, chúng tôi sẵn sàng dấn thân, nỗ lực hết mình để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân. Quả thật, có là người trong cuộc, mình mới thấu hiểu nỗi đau thể xác, tinh thần mà bệnh nhân đang trải qua để cố gắng”.

Luyện tinh thần “thép” nơi sự sống mong manh

Cũng như đồng nghiệp, hơn 1 tháng tham gia chống dịch ở TP. HCM đã giúp bác sĩ Lê Văn Thương, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông) tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tế, từ chăm sóc, điều trị, cũng như vận hành thiết bị máy móc cứu chữa bệnh nhân. Tận mắt chứng kiến những lần "ra đi" của bệnh nhân khi làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, hơn ai hết bác sĩ Thương hiểu được sự khủng khiếp của đại dịch.

Bước ra khỏi cánh cửa Khu vực điều trị Covid-19 với đôi mắt thâm quầng, trũng sâu sau nhiều đêm mất ngủ bác sĩ Lê Văn Thương tâm sự: “Trong khu điều trị chỉ có y, bác sĩ và bệnh nhân với nhau nên thấy thương lắm. Vì ai trong lúc ốm đau cũng mong có gia đình, người thân kề cận quan tâm chăm sóc, nhưng bệnh này phải chịu, lúc nào ê kíp cũng cố gắng hết mình, chăm sóc ân cần để họ bớt lo lắng, bớt sợ hãi khi đối mặt với bệnh tật. Phút cận kề sinh tử, dẫu biết hy vọng mong manh và đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao, chúng tôi vẫn cố gắng hết mình giữ vững tinh thần “thép” để có thể cứu bệnh nhân cho bằng được”.

Thăm khám động viên bệnh nhân hàng ngày

ADQuảng cáo

“Có những thời điểm, bằng trách nhiệm chuyên môn và tấm lòng, khi gặp những ca bệnh nặng, chúng tôi canh từng giây, thâu đêm lọc máu, tận tình cứu chữa, vậy mà vẫn không vượt qua được, lúc đó thật sự rất buồn, cảm thấy như phụ lòng tin tưởng và kỳ vọng của người nhà bệnh nhân. Ngược lại, khi chứng kiến sự hồi phục thần kỳ từng ngày, từng giờ của bệnh nhân cho đến khi được xuất viện, chúng tôi vô cùng vui sướng, xua tan bao gánh nặng, mệt mỏi và như tiếp thêm động lực để tiếp tục cuộc chiến giành lại sự sống cho người bệnh”, bác sĩ Thương trải lòng.

Không giấu được sự vui mừng, bệnh nhân Đ.Đ (SN 1971), trú tại xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) xúc động: “Nếu không có các bác sĩ tận tình cứu chữa, chắc có lẽ giờ này tôi không thể trở về với gia đình. Những ngày nằm viện, có những lúc tôi bị sốt cao, ho dai dẳng muốn xé toang lồng ngực, rồi dần chìm vào hôn mê giống như chết đi sống lại mấy lần, ấy vậy mà các bác sĩ vẫn cố gắng giành giật sự sống cho tôi. Tận đáy lòng, tôi chỉ biết cảm ơn các bác sĩ rất nhiều, thật sự đã cho tôi cuộc sống thứ 2 đầy ý nghĩa này”.

Vượt qua lằn ranh sinh tử, khỏe mạnh xuất viện, các bệnh nhân không giấu nổi niềm vui, sự xúc động của mình. Cầm giấy ra viện trên tay, bệnh nhân cao tuổi N.B.C (SN 1941), trú ở huyện Đắk Mil tâm sự: “Tuổi đã cao, lại nhập viện trong tình trạng bệnh đã trở nặng nên tôi nghĩ cơ hội sống sót của mình rất mong manh. Vậy mà nhìn những y, bác sĩ tuổi đời còn rất trẻ, bất kể ngày đêm luôn bên cạnh chúng tôi trong bộ đồ bảo hộ ngột ngạt dường như không có chỗ thở, nhưng vẫn dốc hết sức lực, thậm chí quên đi sức khỏe của bản thân mình để giành lại sự sống cho bệnh nhân, tôi rất xúc động, chỉ biết nói 2 từ cảm ơn rất nhiều”.

Vững vàng ở mặt trận không tiếng súng

Theo phân tầng điều trị, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông là đơn vị điều trị tuyến cuối dành cho các bệnh nhân Covid-19 nặng, nên việc chú trọng nâng cao năng lực điều trị theo hướng linh hoạt, phù hợp, thực sự góp phần rất lớn trong việc đẩy lùi dịch bệnh.

Với mục tiêu điều trị khỏi bệnh, giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu, bệnh viện chuẩn bị đầy đủ cơ sở thu dung, bảo đảm đủ ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cần thiết.

Xong việc trong khu điều trị, các bác sĩ lại miệt mài nghiên cứu bệnh án, hồ sơ

Bác sĩ Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phụ trách Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Đắk Nông, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã điều trị 65 ca nặng và nguy kịch, hiện phần lớn đã khỏi và xuất viện, chỉ còn lại 9 ca đang điều trị. Tuy nhiên, vẫn có 9 ca tử vong do có bệnh lý nền rất nặng. Xác định nhiệm vụ, trách nhiệm với tỉnh và Nhân dân, bệnh viện đã nhanh chóng chuẩn bị các phương án chi tiết.

Cụ thể, bệnh viện bố trí khu điều trị nặng và nguy kịch 40 giường bệnh và chủ động trang bị hệ thống oxy trung tâm, các loại máy thở, máy lọc máu, hệ thống xét nghiệm, siêu âm, X-quang di động, thuốc kháng vi rút Molnupiravir… để phục vụ điều trị".

Trong cuộc chiến chống "giặc Covid-19", đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu thực sự là những chiến sĩ đang chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng nhưng không kém phần cam go, khốc liệt, đó là nỗ lực, cố gắng nhất có thể để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giành giật sự sống nơi “cửa tử””
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO