Học Bác khát vọng vươn lên

Hoàng Hoài| 03/02/2022 06:00

Với tinh thần “khó không lui, bại không nản”, nhất là học Bác khát vọng vươn lên, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều tấm gương giàu ý chí, nghị lực, dám nghĩ, dám làm, làm chủ cuộc sống, góp phần xây dựng địa phương phát triển.

ADQuảng cáo

Càng khó càng phải cố gắng

Năm nay, dù đã gần 70 tuổi, nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Văn Sơn, ở thôn Đắc Quang, xã Đắk Lao (Đắk Mil) nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống. Ngược lại, lúc nào ông cũng đều nhắc nhở bản thân phải cố gắng tư duy, học hỏi để kinh tế gia đình thêm vững chắc.

Theo ông Sơn kể, ông vào Đắk Lao lập nghiệp từ năm 1992. Khi mới đến đây, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn, chỉ có 5 sào đất để trồng hoa màu, đắp đổi miếng ăn qua ngày. Thế nhưng, vượt lên tất cả, ông luôn răn mình không thể thấy khó mà nản, ngược lại càng khó càng phải cố gắng để vượt qua.

Vì vậy, hai vợ chồng ông ngoài làm rẫy còn đi làm thuê quanh vùng, vừa làm vừa tích lũy, tính toán để mở rộng thêm diện tích cây trồng. Bởi theo ông Sơn, cả gia đình mà chỉ có 5 sào đất thì dù làm đủ mọi cách cũng không bao giờ no đủ. Cho nên vừa làm, gia đình vừa cố gắng mở rộng đất đai, thậm chí vợ chồng ông sẵn sàng đi xa tận 40 km để làm rẫy nương.

Qua nhiều năm cố gắng, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, đến nay, gia đình ông đã có 9 ha đất trồng cà phê và hồ tiêu đem lại năng suất cao; đồng thời chăn nuôi thêm gà, vịt, cá, ngan, ngỗng các loại một phần để cải thiện bữa ăn, phần để tăng thu nhập.

Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, vườn cà phê nhà ông Nguyễn Văn Sơn luôn đạt năng suất cao

“Khi cuộc sống khấm khá, mà tuổi tác của mình già đi, không thể năng động như tuổi trẻ, nên tôi đã khuyên nhủ, tư vấn và đầu tư vốn cho con gái thành lập công ty chuyên sản xuất các loại máy như làm đinh, đan dây thép gai, đan lưới, máy bẻ đai sắt, máy cán tôn… Khi con gái làm thành công, tôi lại càng vui mừng vì ước mơ, khát vọng của mình thời trẻ đã thành hiện thực”, ông Sơn tâm sự.

Điều đáng nói, từ mô hình kinh tế này, hàng năm, gia đình ông đều tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 người và tham gia ủng hộ các nguồn quỹ an sinh xã hội, từ thiện hàng trăm triệu đồng.

Làm gì cũng phải xuất phát từ đam mê

Ông Nguyễn Chính Luận vào lập nghiệp ở thôn 8, xã Đắk Ha (Đắk Glong) từ năm 2010 với quyết tâm phải làm giàu trên quê hương mới. Những ngày đầu, câu ca “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” đã trở thành lời nhắc nhở, động viên, tiếp thêm cho ông sức mạnh vượt qua mọi khó khăn.

Vốn xuất thân từ làm nông lâm nghiệp, qua tìm hiểu thực tế, ông nhận thấy, chỉ có cây ăn quả mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết của vùng đất này. Vì vậy, ông đã tập trung phát triển cây ăn quả xen canh một số cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đến nay, gia đình ông có 13 ha bơ, mỗi năm thu nhập gần 100 tấn, trừ chi phí còn thu về gần 1 tỷ đồng. Các loại cây trồng khác như mít, cây dỗi, ao cá cũng bắt đầu cho thu nhập, hứa hẹn mang lại nguồn kinh tế cao cho gia đình.

ADQuảng cáo

Không bằng lòng với những gì đã có, ông Luận còn đam mê và tìm hiểu về giống cây đàn hương - một loại cây được du nhập từ Ấn Độ có giá trị kinh tế cao để đưa về trồng. Loại cây này từ quả, rễ, lá và lõi đều có giá trị, nhưng do cây còn nhỏ, nên bước đầu ông mới chỉ tận dụng lá để chế biến trà sạch, chất lượng cao với giá 2,5 triệu đồng/kg. Hiện vườn nhà ông trồng được 4.000 cây đàn hương, mỗi năm chế biến được 60 kg trà.

Ngoài ra, ông Luận còn phát triển thêm nghề ươm cây giống, nuôi cá truyền thống và thử nghiệm các loại cá giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá koi… Điều đáng nói, khi trồng trọt thành công, ông đã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho 50 hộ dân, hỗ trợ cây, con giống cho hộ nghèo, dân tộc thiểu số và giúp 2 hộ cựu chiến binh vươn lên thoát nghèo.

Ông Nguyễn Chính Luận (thứ hai từ phải qua) đã nhận được nhiều khen thưởng của các cấp, ngành

Ông Luận tâm sự: “Làm gì cũng phải xuất phát từ đam mê, trách nhiệm với chính mình và phải dám làm, dám chịu rủi ro để thành công. Tôi luôn coi cây trồng chính là đứa con tinh thần, luôn đầu tư, suy nghĩ tìm cách làm sao để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, mặc dù cuộc sống ổn định, song tôi vẫn chưa dừng lại mà đang ấp ủ nhiều điều, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và đưa nhiều giống cây trồng mới vào trồng”.

Làm để giúp nhau làm giàu

Ông Đồng Xuân Liền ở thôn 8, xã Nam Bình (Đắk Song) cũng là một trong những người dám nghĩ, dám làm và luôn tư duy, sáng tạo trong phát triển kinh tế.

Vào Đắk Song từ năm 1991, không cam chịu đói nghèo, hai vợ chồng ông vừa phát rẫy làm nương vừa đi làm thuê, kiếm từng đồng để trang trải cuộc sống. Ông Liền còn nhớ như in, ban đầu, nhà nghèo đến nỗi, ông phải đi vay hàng xóm một ít gạo để cầm cự trong một tuần. Sau đó, từ vài sào nương rẫy phát được, vợ chồng ông trồng đậu nành để lấy ngắn nuôi dài. Sau này, qua tìm hiểu, vợ chồng ông phát triển thêm nghề làm đậu phụ để bán. Cứ như vậy, thu nhập từ đậu phụ đã giúp gia đình ông từng bước có cái ăn, cái để, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.

Khi có rẫy, có nghề tay trái làm đậu phụ, gia đình ông bắt tay vào chăn nuôi heo nhằm tận dụng bã đậu làm thức ăn. Sau khi tích cóp được một phần vốn, cộng với sự giúp đỡ của gia đình, sau này gia đình ông mở cây xăng, cửa hàng phân bón, vật tư nông nghiệp.

Ông Đồng Xuân Liền (bên trái) giới thiệu về sản phẩm tiêu đen

Đến nay, dù tuổi cao, nhưng ông Liền vẫn luôn cố gắng, học hỏi để nâng cao chất lượng cây trồng. Năm 2017, nhận thấy việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp không chỉ gây ra nhiều hệ lụy về môi trường mà còn không bảo đảm vệ sinh an toàn lao động, ông đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Hồ tiêu hữu cơ Bình Tiến, sau đó thành lập thêm Hợp tác xã Hồ tiêu hữu cơ Nam Bình với gần 200 người. Hiện nay, các hợp tác xã đã chế biến sản phẩm tiêu đen Nam Bình Tiến để cung cấp cho thị trường.

Ông Liền cho biết: “Mục đích của tôi là sản xuất tiêu thuận theo tự nhiên, thân thiện môi trường và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, các thành viên luôn được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình; không dùng thuốc diệt cỏ, muỗi, hạn chế đến mức thấp nhất phân bón hóa học bằng cách làm phân hữu cơ từ đậu nành, cá, chuối chín… Ai cũng bảo già rồi, làm nhiều rồi ăn có hết đâu, nhưng tôi không nghĩ vậy, tôi muốn mình làm để còn cùng bà con giúp nhau làm giàu. Hiện tôi đang hướng đến việc gia nhập sản phẩm OCOP".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học Bác khát vọng vươn lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO