"Lấy chống để xây"

Lam Giang| 26/01/2022 10:14

Qua hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với quan điểm “lấy chống để xây”, Tỉnh ủy chú trọng tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên.

ADQuảng cáo

Củng cố niềm tin của Nhân dân

Bao năm đi trên con đường đất lầy lội, khó khăn, năm 2018 khi Nhà nước có chủ trương đầu tư hơn 1 km đường bê tông, người dân thôn Doãn Văn, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) vui mừng và nhanh chóng đóng góp số vốn đối ứng. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, người dân đã phát hiện ra chất lượng công trình không bảo đảm, đoạn đường bê tông nhanh chóng bị xói mòn, vỡ lớp xi măng.

Những phản ánh của người dân được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát và phát hiện sai sót của đơn vị thi công, chủ đầu tư, ban giám sát cộng đồng nên công trình bị dừng. Cán bộ sai phạm bị xử lý, nhưng cái mất lớn nhất trong chuyện này là niềm tin của người dân giảm sút nghiêm trọng.

Rút kinh nghiệm vụ việc, năm 2021, khi triển khai một nhánh đường bê tông khác tại thôn Doãn Văn, xã Đắk R’tíh đã phát huy tối đa dân chủ trong việc huy động sự đóng góp của người dân xây dựng nông thôn mới, theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Trong quá trình xây dựng công trình, các hộ dân tham gia giám sát thi công. Các ban HĐND xã tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình huy động, kết quả thu chi của thôn về các nguồn đóng góp của dân.

Bà Nguyễn Thị Luận, thôn Doãn Văn, thành viên Ban giám sát cộng đồng chia sẻ: “Nhận thức được mục đích và ý nghĩa của việc làm đường, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng người dân vẫn rất tích cực tham gia giải phóng mặt bằng, đóng góp tiền bạc, công sức để làm đường. Chúng tôi hàng ngày bám mặt đường, thi công cùng nhà thầu để giám sát, bảo đảm chất lượng công trình, tạo sự phấn khởi trong dân”.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Đắk R’tíh Nguyễn Văn Tâm, với địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, việc nhìn nhận mọi vấn đề của bà con theo hướng trực quan. Do đó, rút kinh nghiệm từ những sai phạm trước đây, sau khi củng cố, kiện toàn, trong mọi sinh hoạt, hoạt động của cấp ủy, chính quyền xã đều thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Người đứng đầu trước khi quyết định vấn đề gì đều đưa ra xin ý kiến tập thể, không được tự quyết...

Các vấn đề của địa phương khi đưa ra thực hiện, nhất là việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới đều bàn bạc, thống nhất, công khai, nên được bà con ủng hộ, từng bước lấy lại niềm tin trong dân.

Không có vùng cấm

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi là nguyên nhân dẫn đến suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng. Vì vậy, cùng với thực hiện đồng bộ các giải pháp, trên cơ sở 27 biểu hiện trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông đã cụ thể hóa thành 85 biểu hiện nhỏ để dễ "soi chiếu".

Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân hàng năm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, thực chất hơn, bảo đảm dân chủ, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, không nể nang, né tránh.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã tác động tích cực đến quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, từng đảng viên

Từ năm 2016-2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giới thiệu 21 tập thể, 15 cá nhân để kiểm điểm, đánh giá, làm rõ thêm những vấn đề liên quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

ADQuảng cáo

Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương tiến hành giới thiệu một số tập thể, cá nhân có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thuộc cấp mình quản lý để gợi ý nội dung kiểm điểm, gắn với việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đi đôi với đó, tỉnh tập trung chỉ đạo kiểm tra, giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý, chú trọng kiểm tra, giám sát các nội dung theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Giai đoạn 2016-2021, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ đã xem xét thi hành kỷ luật đối với 692/1.104 đảng viên có dấu hiệu vi phạm gồm: 465 trường hợp biểu hiện quy thoái về tư tưởng, chính trị; 227 trường hợp biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống. Trong đó, cấp tỉnh thi hành kỷ luật 45 trường hợp; cấp huyện thi hành kỷ luật 164 trường hợp; cấp cơ sở thi hành kỷ luật 483 trường hợp.

Với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, việc xử lý cán bộ vi phạm nghiêm minh, cả đương chức hay đã nghỉ hưu, góp phần quan trọng ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu.

Ông Nguyễn Văn Thành, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) tâm sự: “Việc xử lý cán bộ, đảng viên thời gian qua của tỉnh cho thấy Đảng không sợ khuyết điểm. Có khuyết điểm mà Đảng biết nhìn thẳng, nói thật, kiên quyết sửa chữa thì sẽ làm cho Đảng ngày càng mạnh hơn để lãnh đạo tỉnh phát triển”.

Bà Nguyễn Thị Thảo, ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) phấn khởi: “Các cán bộ lãnh đạo, đảng viên bị kỷ luật thời gian qua là đúng người, đúng tội, đúng việc, nên cán bộ, đảng viên, người dân nhất trí cao, hoan nghênh sự lãnh đạo của Đảng”.

Kết quả kiểm tra, giám sát các nội dung theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) giai đoạn 2016-2021. Đồ họa: Ngọc Tú

Ngăn chặn từ xa

Theo đồng chí Điểu K’Ré, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, bài học kinh nghiệm mà cũng là giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là tiếp tục triển khai Đề án 05, trên cơ sở bổ sung các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương sau Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII).

Trong đó, cấp ủy các cấp phải kiên trì thực hiện nhóm nhiệm vụ “Nhận diện, xác định các giải pháp đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ tổ chức cơ sở đảng, đảng viên”.

Việc nhận diện các biểu hiện cần đấu tranh, ngăn ngừa và xây dựng kế hoạch cam kết rèn luyện, sửa chữa phải gắn với việc đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên cuối năm và cần được triển khai ngay. Tăng cường giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đối với các tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; có lời nói, việc làm biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" để ngăn chặn từ xa, giải quyết từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.

Không chỉ ngăn chặn, đẩy lùi mà cấp ủy các cấp phải chủ động tiến công, đấu tranh, kiên quyết, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vi phạm những điều đảng viên không được làm.

Đắk Nông kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng gắn liền với phòng chống tiêu cực, với nội dung chính là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, xử lý vi phạm nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Lấy chống để xây"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO