Sản xuất tuần hoàn ở các HTX

28/01/2022 08:33

Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống, trong đó có các tài nguyên được tận dụng lại, hoặc tái sử dụng, các loại phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất phục vụ lại đồng ruộng. Hoạt động này đang được các HTX hướng tới để sản xuất bền vững.

ADQuảng cáo

Sau những mẻ cà phê đầu mùa, anh Trần Văn Phú ở thôn 8, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) giành 1 buổi sáng xúc toàn bộ vỏ cà phê đổ ra bãi đất trống. Anh đổ và trộn vỏ cà phê với phân bò và chế phẩm sinh học. Sau đó anh tưới nước và phủ bạt ủ tầm 7 - 8 tháng rồi bón cho cà phê.

Đây là cách anh Phú tận dụng vỏ cà phê để làm phân hữu cơ bón lại cho cây cà phê những năm qua. Bình quân mỗi gốc anh Phú bón từ 7 - 9 kg phân hữu cơ từ vỏ cà phê. Anh Phú cho biết, năm nào cũng tận dụng vỏ cà phê để ủ phân hữu cơ bón cho cà phê.

Sản xuất cà phê sẽ hiệu quả hơn nếu áp dụng quy trình tuần hoàn

Phân hữu cơ từ vỏ cà phê giúp cải tạo đất, xử lý phế phẩm nông nghiệp, có khả năng cải tạo đất rất tốt, giúp cho cây trồng phát triển bền vững. Trong bối cảnh giá phân hóa học liên tục tăng cao như hiện nay, việc tận dụng phế phẩm từ quá trình sản xuất nông nghiệp làm phân hữu cơ vừa tốt đất, vừa giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường.

Anh Phú là Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại Công Bằng Đắk Ka. HTX đang có 40 thành viên tham gia sản xuất 100 ha cà phê. Hiện nay 100% thành viên của HTX áp dụng cách này để tận dụng vỏ cà phê làm phân hữu cơ. Ngoài ra, các thành viên của HTX còn ủ đậu nành, cá tươi để bón cho cà phê.

Các HTX ngày càng có nhiều sản phẩm đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, sinh học

Tương tự, anh Vũ Duy Nghĩa, ở thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành (Krông Nô) đã tận dụng vỏ quả ca cao để ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Với 1 ha ca cao, anh tận dụng được một lượng vỏ để tạo khoảng 3 tấn phân hữu cơ. Mỗi năm, lượng phân giúp anh giảm khoảng 40% chi phí đầu tư phân bón.

ADQuảng cáo

Anh Nghĩa là Giám đốc HTX Nông nghiệp Krông Nô chuyên sản xuất ca cao. HTX có 49 thành viên, đang sản xuất 120 ha ca cao. Thời gian qua, 100% thành viên HTX tận dụng vỏ ca cao để ủ làm phân.

Mỗi ha ông Nghĩa tận dụng vỏ ca cao sản xuất được 3 tấn phân hữu cơ

Theo ông Đặng Quốc Dưỡng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, kinh tế tuần hoàn khái niệm được ứng dụng vào những năm 1990 của thế kỷ trước. Áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ có 4 lợi ích cơ bản.

Đó là tận dụng tối đa các nguồn lực bao gồm: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế và lợi ích mang lại cho xã hội. Ở nước ta, trong quá trình sản xuất, người dân đã áp dụng vào quy trình sản xuất tuần hoàn. Thế nhưng, quy trình này được thực hiện chưa nhiều, còn mang tính tự phát, chưa tận dụng hết nguồn lực.

Các HTX phát triển sản xuất hướng tới nền nông nghiệp xanh, bền vững

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, giai đoạn 2021 – 2030 phải “xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường". Đây là mô hình kinh tế lần đầu tiên được nêu trong Văn kiện Đại hội của Đảng.

Do đó, thời gian tới Liên minh HTX tỉnh sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn. Từ đó, giúp người sản xuất giảm chi phí, phát triển bền vững, đáp ứng thị trường và gắn chuỗi giá trị.

Sản xuất nông sản sử dụng các phụ phẩm, góp phần giải quyết tác động đến môi trường, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu, giảm chi phí sản xuất. Cùng với đó, sản phẩm làm ra đạt các tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng xu hướng phát triển nông nghiệp hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sản xuất tuần hoàn ở các HTX
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO