Tháo điểm nghẽn để thương mại điện tử phát triển

Nguyễn Lương| 06/02/2022 07:00

Thương mại điện tử (TMĐT) đang trở thành một “kênh” quan trọng đối với chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Đắk Nông đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số trở lên tham gia mua sắm trực tuyến. Để đạt kết quả như vậy, cần nhiều giải pháp thúc đẩy thị trường này phát triển mạnh hơn, góp phần quan trọng hình thành kinh tế số.

ADQuảng cáo

Mạnh dạn thay đổi

Những năm gần đây, kinh doanh trực tuyến đã không còn xa lạ với nhiều cơ sở, doanh nghiệp tại Đắk Nông. TMĐT phát triển gắn liền với sự bùng nổ của các thiết bị công nghệ như máy tính, điện thoại thông minh.

Thói quen làm việc, mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng nhiều hơn. Chính điều này, giúp nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì sự tăng trưởng, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Chi nhánh Viettel Đắk Nông là một trong những đơn vị tiên phong trong gắn hoạt động kinh doanh với phát triển TMĐT. Theo ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Chi nhánh Viettel Đắk Nông, khó khăn nhất của đơn vị trong bối cảnh dịch Covid-19 đó là kênh bán hàng truyền thống bị hạn chế.

Đa số các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn Đắk Nông đang áp dụng TMĐT trong bán hàng, thanh toán

Việc tiếp xúc, tìm kiếm khách hàng bị giảm sút, ảnh hưởng đến chất lượng thuê bao và doanh thu. Trước thực tế này, đơn vị mạnh dạn thay đổi đó là chuyển từ bán hàng truyền thống sang hình thức bán hàng dịch vụ số online.

"Thay vì phát tờ rơi, tìm kiếm khách hàng khu vực đông dân cư tiếp xúc trực tiếp, chúng tôi đẩy mạnh truyền thông bằng mạng xã hội. Thông qua các kênh Zalo, Facebook, Fanpage, khách hàng có thể tiếp cận nhiều dịch vụ mà chúng tôi triển khai. Từ đó, người dân đặt hàng sử dụng dịch vụ qua điện thoại hoặc các trang mạng”, ông Thanh cho biết.

Cũng theo ông Thanh, hình thức này, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Đồng thời, sự chủ động trong tiếp cận dịch vụ được nâng lên tầm cao hơn. Với sự linh hoạt trong hoạt động kinh doanh, doanh thu năm 2021 của Chi nhánh bảo đảm kế hoạch đề ra.

Đây chỉ là một trong những đơn vị bắt kịp xu thế TMĐT trong giai đoạn hiện nay. Theo Sở Công thương, đến hết năm 2021, doanh số TMĐT giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng chiếm trên 2,4% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn có 20% doanh nghiệp có Trang thông tin điện tử, cập nhật định kỳ thông tin hoạt động, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tham gia giao dịch TMĐT để giới thiệu, mua bán các sản phẩm đạt trên 20%. 

Các điểm nghẽn

TMĐT đang có tiềm năng rất lớn, nhưng kết quả đạt được tại Đắk Nông vẫn hạn chế. Còn nhiều điểm nghẽn trong phát triển TMĐT hiện nay. Một trong những điểm nghẽn chính đó là hàm lượng công nghệ trong các mô hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn thấp.

ADQuảng cáo

Ông Ngô Tùng Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết: “Hàm lượng công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế. Hiện nay chủ yếu dừng ở khối văn phòng như email, trao đổi văn bản. Trong khi, việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa và điều hành sản xuất chưa cao”.

Ngoài hạn chế về công nghệ thông tin, đại diện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cho rằng, họ vẫn ít mặn mà với loại hình kinh doanh qua TMĐT. Đặc biệt, khi đưa hàng hóa lên các trang điện tử, doanh nghiệp vẫn phải trả phí cho các trang TMĐT khá cao, nhưng vẫn xảy ra rủi ro trong giao dịch.

Nhân viên Chi nhánh Viettel Đắk Nông hỗ trợ khách hàng sử dụng các dịch vụ bằng phương thức điện tử qua ứng dụng điện thoại thông minh

So với cách bán hàng truyền thống, chi phí phải trả cho các trang TMĐT không hề nhỏ. Nếu gặp phải rủi ro trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp vẫn hoàn toàn phải chịu chi phí.

“Mỗi khi xuất hiện rủi ro trong giao dịch, thường doanh nghiệp chịu thiệt hại về hàng hóa hư hỏng, các trang TMĐT chịu chi phí vận chuyển. Đã đến lúc cần phải có một chế tài để hạn chế tình trạng khách hàng phá hợp đồng. Bởi TMĐT được xem là một giao dịch kinh tế”, anh Nguyễn Trọng Đạt, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ thương mại Hoàng Đạt (Đắk R’lấp) chia sẻ.

Nâng cấp thương mại điện tử

Theo Sở Công thương, với những điểm nghẽn như vậy, hiện nay, Đắk Nông xếp rất thấp về chỉ số TMĐT trong cả nước. Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, phát triển TMĐT là nhu cầu cần thiết, cấp bách để các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp hội nhập nâng cao sức cạnh tranh.

Theo ông Lê Minh Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương) trước tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, gây ảnh hưởng đến hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống. Việc tăng cường TMĐT, nhất là kinh doanh trực tuyến trên sàn TMĐT đóng vai trò quan trọng.

Để tạo bước chuyển trong TMĐT, phấn đấu đạt nhiều mục tiêu vào cuối năm 2025, Sở Công thương đẩy mạnh thông tin, chuyển giao công nghệ, kết nối doanh nghiệp với các trang TMĐT, nhằm xuất khẩu hàng hóa.

Việc xây dựng chính sách quản lý, phát triển hoạt động TMĐT phù hợp sẽ được đơn vị tăng cường. Sở Công thương sẽ hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng mã QR trong truy xuất thông tin trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khuyến mại trực tuyến, kê khai thuế điện tử…

Ngoài nỗ lực của đơn vị, về phía bản thân các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các chương trình kích cầu, ứng dụng TMĐT trong bán hàng, thanh toán. Việc kết nối nhanh,  hỗ trợ giữa người mua, người bán, người sản xuất cần được các doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn nữa.

Trong kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông đề ra các mục tiêu cụ thể: doanh số TMĐT tăng 25%/năm, chiếm trên 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; 50% giao dịch mua hàng trên website ứng dụng TMĐT có hóa đơn điện tử; 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo điểm nghẽn để thương mại điện tử phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO