Tiêu Organic vươn mình ra biển lớn

Đức Hùng| 05/02/2022 09:13

Kết nối đầu ra đang là thách thức lớn cho nông sản Đắk Nông và hồ tiêu cũng không ngoại lệ. Nhưng ở vùng biên giới Thuận Hà, Thuận Hạnh (Đắk Song), người dân đã liên kết sản xuất hồ tiêu đạt chuẩn Organic và từng bước chinh phục thị trường khó tính.

ADQuảng cáo

Hồ tiêu đạt chuẩn Organic

Nhiều nông dân Đắk Nông vẫn còn nhớ như in những đợt dịch bệnh chết nhanh, chết chậm mấy năm trước đã hủy hoại hàng ngàn ha hồ tiêu. Đất nhiễm độc do người dân sử dụng thuốc sâu, phân bón không hợp lý, hồ tiêu bị sâu bệnh, nhiễm nấm… là nguyên nhân chính làm tiêu chết.

Thời điểm đó, sản xuất hồ tiêu rất bấp bênh. Tiêu đang xanh tốt bỗng ngả màu và chết đứng. Tiêu chuẩn bị thu hoạch cũng héo úa và trở nên mất trắng.

Trước thực trạng đó, thay đổi quy trình sản xuất là điều tất yếu, mang tính sống còn với người dân trồng tiêu. Thế nhưng, chọn hướng đi nào cho phù hợp là một thách thức đối với nhiều người. Với những nông dân ở Thuận Hà, Thuận Hạnh, họ chọn cách sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên.

Tư duy làm nông nghiệp phải tiêu diệt mọi loại côn trùng trên nương rẫy được dần thay thế bằng lối canh tác bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Ông Vũ Văn Thủy, ở thôn Thuận Tình, xã Thuận Hạnh, người đầu tiên có 5 ha đạt tiêu chuẩn sản xuất theo chuẩn Organic.

Vườn tiêu của ông Thủy đạt chuẩn Organic đầu tiên ở xã Thuận Hạnh

Theo ông Thủy, đất, nước, môi trường xung quanh cây hồ tiêu đều rất nhạy cảm. Do đó, ông Thủy rất quan tâm tới các môi trường này, vì nó tác động trực tiếp đến cây tiêu.

Các yếu tố đất, nước, vi sinh vật được ông Thủy chăm chút, nhiều sinh vật được bảo vệ, bổ sung để môi trường cân bằng. Các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường được sử dụng thay thế phân, thuốc hóa học.

Ông Thủy chia sẻ, thời điểm đầu, sự thay đổi về cách chăm sóc khiến hồ tiêu bị tác động, năng suất giảm. Đổi lại, chi phí đầu tư cũng giảm, vườn cây ít bệnh, có sức sống mãnh liệt hơn.

So tính thiệt hơn, việc thay đổi này đã giúp ông từng bước chủ động được sản xuất, kiểm soát được rủi ro trên cây hồ tiêu. "Thông qua quan sát lá, thân để xác định cây tiêu thiếu chất gì, tôi bón chất đó, nên chi phí sản xuất nhỏ nhất, chất lượng tiêu ngày càng được nâng lên", ông Thủy chia sẻ.

Sau 3 năm thay đổi cách sản xuất, sản phẩm hồ tiêu của ông Thủy được lấy mẫu gửi đi đánh giá chất lượng. Hạt tiêu bé nhỏ nhưng được phân tích tới 804 chất. Kết quả chỉ số an toàn được thiết lập. Vườn tiêu của ông Thủy đạt chuẩn Organic.

Chất lượng sản phẩm hồ tiêu của ông Thủy được đánh giá bởi một đơn vị độc lập, uy tín. Nhờ đó, sản phẩm tiêu sạch của ông được nhiều bạn hàng thu mua. Quan trọng hơn, việc đạt chuẩn Organic chính là "giấy thông hành" để đưa hồ tiêu của ông tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.

ADQuảng cáo

Sản phẩm tiêu được phơi trên sàn xi măng trong nhà kính theo đúng quy trình sản xuất đã quy định

Còn theo bà Trần Thị Thu, ở thôn 8, xã Thuận Hà, phải mất 15 năm kinh nghiệm, bà mới có được 5 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Organic. Điều này cho thấy, việc đạt tiêu chuẩn Organic là cả 1 quá trình dài, áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt. Một quá trình dài sản xuất hồ tiêu bà không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để nguồn đất đai có cơ chế tự làm sạch, giải trừ các chất độc hại, gây bệnh.

Bà Thu cho biết, tất cả các chất trong quá trình chăm sóc cây hồ tiêu sẽ được hiển thị trong chỉ số đánh giá, nên cực kỳ khắc nghiệt. Cùng với việc tuân thủ quy trình sản xuất chuẩn Organic, mỗi năm bà đều tiến hành kiểm tra chất lượng vườn tiêu từ 1 - 2 lần.

Đối với sản phẩm, mỗi đơn hàng xuất đi đều phải test thêm từ 3 - 5 lần để bảo đảm đạt tiêu chuẩn chung. "Chất lượng được đánh giá từ đơn vị độc lập, được công ty nhập khẩu công nhận. Đổi lại hồ tiêu bán được với giá tốt hơn giá thị trường rất nhiều, đầu ra cũng luôn được bảo đảm", bà Thu cho biết.

Chinh phục thị trường khó tính

Từ chỗ sản xuất đơn lẻ, các hộ dân đã liên kết thành HTX Nông nghiệp Hoàng Nguyên và cùng áp dụng một quy trình chăm sóc hồ tiêu, hình thành vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế.

Hiện nay, HTX Hoàng Nguyên đã tập hợp được 19 hộ, với 77,5 ha hồ tiêu hữu cơ, sản lượng khoảng 300 tấn/vụ. 100% sản phẩm hồ tiêu của HTX được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Organic, đủ điều kiện để bước vào thị trường khó tính như Mỹ, EU, Canada và 28 quốc gia châu Âu…

Hiện nay, toàn bộ diện tích hồ tiêu đang được các thành viên HTX theo dõi nghiêm ngặt, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, thường xuyên lấy mẫu kiểm tra chất lượng. 

Mỗi lô hàng hồ tiêu xuất khẩu đều được test chất lượng nhiều lần

Theo bà Trần Thị Thu, Giám đốc HTX Hoàng Nguyên, muốn xuất khẩu được, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Trong điều kiện nông sản gặp nhiều khó khăn về đầu ra, thay vì làm theo đơn đặt hàng, HTX chọn cách làm ra sản phẩm tốt nhất có thể.

Và điều kỳ vọng đã đến, sau khi sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhiều đơn vị thu mua đã tìm đến HTX đặt hàng. Hiện nay, sản phẩm hồ tiêu thông thường trên thị trường thì dư thừa. Còn hồ tiêu chất lượng cao và đạt các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe, HTX vẫn không đủ hàng để xuất đi. Đặc biệt, các đơn hàng đều do chính bà Thu, ông Thủy trực tiếp đàm phán, thương thảo và chốt đơn để xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ, Canada…

Năm nay, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng HTX vẫn xuất khẩu được 250 tấn tiêu hữu cơ, với giá trung bình 95 triệu đồng/tấn. Thậm chí, có thời điểm cao nhất, HTX bán với giá lên tới 120 triệu đồng/tấn tiêu đen hữu cơ.

So với lượng hồ tiêu sản xuất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, sản lượng xuất khẩu của HTX Nông nghiệp Hoàng Nguyên còn khá khiêm tốn. Nhưng đây là hướng đi mở ra nhiều cơ hội cho hồ tiêu Đắk Nông từng bước vươn tầm thế giới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu Organic vươn mình ra biển lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO