Đắk Nông với mục tiêu thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia

Lê Dung| 09/02/2021 09:00

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, phát triển công nghiệp alumin, luyện nhôm là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế địa phương. Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, trở thành trung tâm luyện kim lớn nhất cả nước.

ADQuảng cáo

Trữ lượng bô xít siêu lớn

Đắk Nông có nguồn tài nguyên lớn về quặng bô xít. Trong đó, trữ lượng và tài nguyên khoáng sản dự báo trên 3,4 tỷ tấn quặng nguyên khai, chiếm 2/3 tổng trữ lượng và tài nguyên quặng bô xít của cả nước. Trữ lượng và tài nguyên quặng tinh dự tính khoảng 1.436 triệu tấn, hàm lượng ô xít nhôm từ 35 - 40%.

Thăm dò, khai thác và chế biến bô xít và sản xuất alumin là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Hiện thực hóa chủ trương này, từ trước năm 2010, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thăm dò xong mỏ bô xít Gia Nghĩa (có diện tích 117,5 km2) và mỏ bô xít “1-5”, với diện tích 123 km2. Tổng tài nguyên, trữ lượng tinh quặng bô xít của 2 mỏ được thăm dò, phê duyệt là hơn 262 triệu tấn.

Giai đoạn sau năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) thăm dò toàn bộ diện tích phân bổ quặng bô xít còn lại của tỉnh. Cụ thể gồm: Nhân Cơ, Đắk Song, Tuy Đức, Bắc Gia Nghĩa, Gia Nghĩa 2, Quảng Sơn và Đông Bắc - Tây Nam mỏ bô xít “1-5”.

Vận chuyển sản phẩm alumin phục vụ xuất khẩu

Tổng trữ lượng bô xít xác định được phê duyệt là hơn 660 triệu tấn. Tính đến nay, công tác tổ chức điều tra, thăm dò, đánh giá trữ lượng và tài nguyên quặng bô xít trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện xong, với tổng số 9 khu vực mỏ, trên diện tích hơn 1.605 km2. Tổng trữ lượng và tài nguyên xác định đã được thăm dò, đánh giá là gần 993 triệu tấn quặng tinh.

Những kết quả này càng củng cố vững chắc độ tin cậy về địa chất khoáng sản và khả năng phát triển của ngành công nghiệp khai thác, chế biến bô xít, luyện alumin, điện phân nhôm với quy mô lớn tại địa phương. Đây cũng chính là điều kiện để sớm xây dựng Đắk Nông trở thành trung tâm luyện kim màu của cả nước.

Mở ra cơ hội đột phá

Giai đoạn 2010 - 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản bô xít tại Khu vực mỏ bô xít Nhân Cơ cho TKV, với thời gian khai thác 30 năm, trữ lượng khai thác hơn 42 triệu tấn tinh quặng bô xít.

Khu vực mỏ bô xít Nhân Cơ gồm 2 khai trường là Đắk Sin và Kiến Thành. Hiện nay, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và khai thác khai trường Kiến Thành; diện tích khai thác tính đến tháng 6/2020 hơn 234 ha; tổng sản lượng quặng nguyên khai đã khai thác  khoảng 13,78 triệu tấn.

Đồ họa: Việt Dũng

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tháng 2/2010, Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, công suất 650.000 tấn alumin/năm do TKV làm chủ đầu tư đã được thực hiện thí điểm tại Đắk Nông. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 16.821 tỷ đồng.

Đến tháng 11/2016, chủ đầu tư hoàn thành, đưa nhà máy vào vận hành thử nghiệm có tải. Ngày 16/12/2016, nhà máy có sản phẩm alumin đầu tiên. Từ 1/7/2017, nhà máy đi vào hoạt động sản xuất thương mại.

ADQuảng cáo

Năm 2017, nhà máy sản xuất được 501.000 tấn alumin và đạt 77% công suất thiết kế; năm 2018 là 652.000 tấn; năm 2019 là 686.000 tấn và dự kiến năm 2020 sản xuất được khoảng 700.000 tấn alumin.

Dự án Nhà máy Điện phân nhôm với công suất 450.000 tấn sản phẩm nhôm/năm, tổng mức đầu tư khoảng 15.480 tỷ đồng, đến nay cơ bản đã thi công xong phần hạ tầng và đang chuẩn bị để lắp đặt máy móc, thiết bị.

Việc triển khai đầu tư 2 dự án trên địa bàn tỉnh là bước ngoặt mang tính nền tảng quan trọng. Khi tổ hợp 2 nhà máy này cùng vận hành sẽ tác động rất lớn đến phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, tạo đột phá về xây dựng hạ tầng cơ sở cho Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Kim ngạch xuất khẩu bô xít nhôm và alumin năm 2017 đạt 179,3 triệu USD, nộp ngân sách hơn 68 tỷ đồng; năm 2018 đạt 298,7 triệu USD, nộp ngân sách 122,49 tỷ đồng; năm 2019 đạt 262,5 triệu USD, nộp ngân sách 110,39 tỷ đồng và 9 tháng năm 2020 đạt 136 triệu USD, nộp ngân sách 63,64 tỷ đồng.

Dần hiện thực hóa các cơ hội

Kết quả này thực hiện các dự án đã khẳng định tính hiện thực trong lộ trình chiến lược thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về khai thác bô xít, luyện alumin, điện phân nhôm tại Đắk Nông.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, định hướng từ nay đến năm 2030, Nhà máy Alumin Nhân Cơ sẽ được đầu tư mở rộng nâng công suất lên 2 triệu tấn alumin/năm. Trong đó, nhà máy thực hiện cường hóa, nâng công suất dây chuyền sản xuất alumin từ 650.000 tấn/năm lên 750.000 - 800.000 tấn/năm.

Nhà máy sẽ được đầu tư thêm dây chuyền sản xuất alumin thứ hai, với công suất 1,3 triệu tấn alumin/năm. Ngoài ra, tại địa bàn huyện Đắk Glong sẽ được đầu tư xây dựng mới Nhà máy sản xuất alumin Đắk Nông 2, với công suất 950.000 tấn/năm. Nguồn nguyên liệu lấy từ mỏ bô xít “1-5”, mỏ bô xít Quảng Sơn và các mỏ lân cận. Trong giai đoạn này, Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông cũng sẽ đưa vào hoạt động ổn định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên làm việc với lãnh đạo Công ty Nhôm Đắk Nông và UBND huyện Đắk R’lấp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Dự án khai thác bô xít, hoàn thổ, tái định cư. Ảnh: Hồng Thoan

Giai đoạn từ 2031 - 2045, tùy theo điều kiện thực tế và nhu cầu thị trường, tại Đắk Nông sẽ xem xét đầu tư xây dựng thêm các dự án Nhà máy sản xuất alumin Đắk Nông 3 với công suất 1,5 - 2 triệu tấn alumin/năm; Nhà máy Alumin Đắk Nông 4 với công suất 1,5 - 2 triệu tấn/năm.

Nhà máy Điện phân Nhôm Đắk Nông 2, công suất 300.000 - 600.000 tấn nhôm/năm cũng sẽ được đầu tư xây dựng. Địa phương sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư, phát triển các ngành kinh tế hỗ trợ công nghiệp khai thác bô xít, luyện alumin, điện phân nhôm như: Công nghiệp hóa chất, môi trường, cơ khí, dịch vụ ngân hàng...

Năm 2018, Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ có lãi 472,8 tỷ đồng; năm 2019 lãi 20 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế). Theo tính toán, thời gian hoàn vốn của dự án là 9 năm, sớm hơn kế hoạch 3 năm. Dự án đã nộp ngân sách 2.312 tỷ đồng (riêng năm 2019 nộp 719 tỷ đồng)…

Đắk Nông có lợi thế và tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản bô xít. Vì vậy, để tránh lãng phí, quá trình đô thị hóa, tỉnh đề ra chủ trương đa dạng hóa các hình thức và đối tác đầu tư để sớm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Nông với mục tiêu thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO