Doanh nghiệp vượt qua bão Covid-19

Nguyễn Lương| 01/02/2021 17:00

Tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hạ giá thành, chuyển hướng sản xuất, kinh doanh hay thay đổi hình thức bán hàng… đã giúp nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

ADQuảng cáo

Chủ động bám sát thị trường

Trong lĩnh vực sản xuất hạt điều xuất khẩu trên địa bàn Đắk Nông, Công ty TNHH Hồng Đức (Đắk R’lấp) là một đơn vị chủ lực. Năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đơn vị không tránh khỏi khó khăn.

Có những thời điểm, hàng tồn kho tại đơn vị lên đến con số hàng trăm tấn. Vậy nhưng, bằng sự nỗ lực của mình, doanh nghiệp đã từng bước vượt qua khó khăn, đạt chỉ tiêu sản xuất đề ra từ đầu năm.

Chia sẻ về khó khăn lớn nhất trong năm 2020 mà doanh nghiệp gặp phải, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Đức, cho biết, đó là thị trường đầu ra của sản phẩm. Bởi vì, trong phân khúc thị trường, đơn vị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 50% thị phần. Số còn lại, công ty bán trong nước và xuất khẩu qua thị trường châu Âu.

Dịp cuối năm, công nhân Công ty Hồng Đức thực hiện tăng ca để tăng sản lượng sản xuất.

Ngay đầu năm 2020, Trung Quốc bùng phát dịch bệnh. Các đơn hàng đối tác của công ty hầu như "giẫm chân tại chỗ". Trong khi, nguồn nguyên liệu đã nhập về. Sản phẩm sản xuất ra vẫn đóng thùng hoàn thiện và nằm đợi... trong kho.

Theo bà Nguyệt, khi đó để vượt qua giai đoạn này, đơn vị buộc phải chuyển hướng sang thị trường châu Âu (lúc thị trường các nước châu Âu vẫn đang bình ổn). Thông qua những mối quan hệ lâu nay, đơn vị tìm kiếm thêm đối tác mới để xuất khẩu. Riêng những đối tác cũ, đơn vị thuyết phục để có thể tăng lượng hàng giao dịch và hạ giá thành sản phẩm. Từng bước một, hàng hóa tồn trong kho được thông thương.

Vậy nhưng, khó khăn không dừng lại ở đó, khi giai đoạn giữa năm 2020, dịch Covid-19 tại Trung Quốc được kiềm chế, nhưng lại bùng phát tại châu Âu. Một lần nữa, thị trường mà đơn vị vừa mới "chân ướt chân ráo" xâm nhập lại đóng cửa.

Tình thế đó, buộc công ty quay về thị trường trong nước và Trung Quốc. “Cứ liên tục, liên tục chuyển hướng như vậy, buộc công ty phải linh động, bám sát thị trường. Còn cứ ngồi chờ cho dịch qua như vậy thì chắc đã “chết đứng”; vốn không có để công ty xoay vòng; tiền không có trả cho công nhân”, bà Nguyệt tâm sự.

Với việc linh động bám sát thị trường, mặc dù 2020 gặp khó khăn, nhưng sản lượng, doanh thu của công ty vẫn tăng so với mọi năm. Đến hết năm 2020, sản lượng xuất khẩu của công ty đạt mức 10.000 tấn, tăng 15% so với 2019. Công ty duy trì mức lương thường xuyên cho hơn 200 lao động đang làm việc, với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

Linh hoạt chuyển hướng đi mới

Một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh Covid-19 đó là du lịch. Hoạt động trong lĩnh vực này được gần 3 năm, nhưng chưa thời điểm nào Công ty TNHH MTV Sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch sinh thái Nguyên Thành Phát (Công ty Thành Phát) ảm đạm như vậy.

ADQuảng cáo

Lượng khách của công ty trong năm 2020 giảm trên 80%. Có những tháng công ty phải đóng cửa liên tục vì biện pháp cách ly, nên doanh thu chỉ bằng con số nhỏ so với mọi năm. Để duy trì hoạt động và trả thu nhập cho lao động đang trụ lại với công ty, đơn vị đã chuyển sang lĩnh vực mới.

Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty Thành Phát bày tỏ: “Trong những lúc như vậy, chúng tôi đã kết hợp giữa kinh doanh du lịch và sinh thái. Thời điểm hoạt động du lịch phải đóng cửa, doanh thu về số không và lợi nhuận âm, sản phẩm trong vườn sinh thái tại khu du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính cho chúng tôi”.

Nguồn thiết bị được Công ty Thành Phát chuẩn bị sẵn sàng để đầu tư vào hệ thống Điện năng lượng mặt trời.

Với trên 6 ha cây trồng, vật nuôi được chăm sóc thường xuyên đã mang lại doanh thu cho công ty. Trong đó, chỉ tính thu nhập từ các loại cá như: bông lau trắng, rô phi, diêu hồng mang lại hàng trăm triệu đồng/tháng.

Chưa kể, vườn cây ăn trái với nhiều loại quả như: bơ, vú sữa, mận, bưởi… cũng mang lại nguồn thu nhập ổn định. Nhờ đó, công ty có điều kiện để chi phí, trang trải tiền công cho nhân công, cải tạo thêm nhiều hạng mục tại khu du lịch.

Cùng với khai thác nguồn thu từ nông nghiệp, hiện nay, công ty đang chuẩn bị đưa vào hoạt động 2 công trình điện năng lượng mặt trời. “Ít ngày nữa là dự án được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, tạo được nguồn thu ổn định cho đơn vị. Trước mắt, mọi thứ diễn ra thuận lợi, chúng tôi sẽ cố gắng “gồng gánh” để khi hết dịch, hoạt động du lịch trở lại bình thường. Khi đó, tất cả đều đã vào guồng, hoạt động công ty sẽ có nhiều khởi sắc hơn”, ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ.

Thay đổi hình thức kinh doanh

Năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng khiến lĩnh vực xuất bản sách rơi vào hoạt động cầm chừng. Học sinh nghỉ học, nhiều hoạt động dự kiến của Công ty sách và Thiết bị trường học Đắk Nông phải điều chỉnh theo. Trong đó, phát hành là mảng kinh doanh chịu ảnh hưởng lớn nhất.

Học sinh nghỉ học dài ngày, đầu ra các sản phẩm sách, vở, ấn phẩm không có. Hàng tồn kho của đơn vị rất lớn. Trong khi đó, tiền lương nhân viên công ty phải đáp ứng đủ. Hoạt động in ấn diễn ra bình thường, nên các nguyên liệu sản xuất ấn phẩm phải buộc thanh toán. Điều này đồng nghĩa với việc doanh thu giảm sút, không có điều kiện để tái sản xuất và đầu tư cho nhiều hoạt động khác.

Năm 2020, Ðắk Nông có khoảng 730 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký gần 13.000 tỷ đồng. So với năm 2019, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12%, số vốn đăng ký tăng 160%. Tuy nhiên, trong năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 62%, số doanh nghiệp giải thể tăng 18,3%.

Ông Ngô Xuân Hà, Giám đốc Công ty sách và Thiết bị trường học bày tỏ: “Trước khó khăn như vậy, các đơn vị xuất bản, trong đó có chúng tôi, phải tìm hướng đi mới để tồn tại, phát triển. Lúc này, kinh doanh online được coi là giải pháp hữu hiệu”.

Ngoài trang web truyền thống, các fanpage của công ty cũng phát huy tác dụng. Nhiều chương trình khuyến mãi đã được đơn vị áp dụng để thu hút khách hàng.

Cùng với hình thức bán hàng online, sau khi dịch bệnh giảm, cán bộ nhân viên bắt tay vào kinh doanh, tập trung vào hoạt động lại các nhà sách. Đơn vị đã tiến hành cam kết các trường học hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm trọn gói. Nhờ đó, đến thời điểm cuối năm 2020, nhiều chỉ tiêu đề ra cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp vượt qua bão Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO