Doanh nghiệp xuất khẩu bước vào sân chơi lớn

Lê Dung| 13/02/2021 06:25

Hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Ðắk Nông ngày càng phát triển, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, làm "cầu nối" gắn kết mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia.

ADQuảng cáo

Nông sản hội nhập

Với lợi thế lớn về phát triển nông nghiệp, trong những năm qua, nhiều mặt hàng nông sản của Đắk Nông từng bước được doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, phục vụ thị trường xuất khẩu.

Công ty Cổ phần Đầu tư Long Huệ, xã Quảng Tâm (Tuy Đức), đang tham gia sản xuất, đóng gói chanh dây phục vụ xuất khẩu. Mỗi năm, doanh nghiệp cung ứng ra thị trường gần 3.000 tấn trái tươi và 2.500 tấn dịch chanh.

Thị trường chính của doanh nghiệp là các nước ở khu vực Trung Đông, Trung Quốc và các nước châu Âu. Bắt đầu tham gia vào thị trường xuất khẩu từ năm 2015, đến nay, 80% sản phẩm của doanh nghiệp đang cung ứng cho thị trường xuất khẩu, còn lại là tiêu thụ nội địa.

Trước đó, thị trường mạnh nhất của các doanh nghiệp ở Đắk Nôngs chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên, từ năm 2018, do nước bạn chủ trương đóng cửa, không cho hàng hóa xuất qua đường tiểu ngạch, nên doanh nghiệp đã chuyển hướng sang các nước Trung Đông và Nga.

Chế biến chanh dây xuất khẩu tại Công ty cổ phần Đầu tư Long Huệ (Tuy Đức).

Theo ông Nguyễn Chí Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Long Huệ, công ty đang cung ứng cho những thị trường mới với sản lượng khoảng 3.000 tấn/năm. Khi sang những thị trường khó tính, hàng hóa sẽ phải tuân thủ rất nhiều quy định khắt khe. Điều đó vừa là thách thức nhưng cũng là thuận lợi cho mặt hàng chanh dây của công ty.

Bởi vì, những thị trường này nếu có gặp biến cố thì sản phẩm của doanh nghiệp vẫn có thể bước qua những thị trường xuất khẩu dễ tính khác, vì yên tâm về chất lượng. Xác định rõ mục tiêu đó, công ty đang liên kết với gần 40 hộ dân trồng trên 100 ha chanh dây theo tiêu chuẩn sạch để phục vụ cho xuất khẩu.

Năm 2021, cùng với đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng hàng hóa, công ty chuẩn bị mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư kho bãi với sức chứa gần 200 tấn chanh dây, giúp ổn định nguồn nguyên liệu sản xuất. Một số sản phẩm mới cũng đang được công ty đưa vào sản xuất như: Bơ cắt lát cấp đông, ớt, gừng xuất khẩu...

Việc mở rộng quy mô sản xuất góp phần rất lớn trong việc nâng cao giá trị cho nông sản của địa phương. Các sản phẩm được chế biến sâu với nhiều mặt hàng đa dạng đã làm phong phú thị trường xuất khẩu của tỉnh trong những năm qua. "Quan hệ đối ngoại kinh tế với các nước đối tác cũng từ đó được tăng cường và mở rộng”, ông Long chia sẻ.

Ngoài chanh dây, nông sản chủ lực của tỉnh đang được mở rộng quy mô hội nhập ở nhiều quốc gia khác nhau như: Cà phê xuất qua thị trường Singapore, Mỹ, Đức; hạt điều qua thị trường Singapore, Indonesia, Trung Quốc; tiêu qua thị trường Hàn Quốc; hạnh nhân qua Singapore... 

Sản lượng xuất khẩu một số mặt hàng của tỉnh Ðắk Nông trong năm 2020: Tiêu đen đạt 6 triệu USD, điều nhân 420 triệu USD; cà phê 225 triệu USD, đậu phộng và đậu nành sấy 1 triệu USD, ván MDF 8 triệu USD, sản phẩm alumin 230 triệu USD, các sản phẩm khác 110 triệu USD.

Dòng điện không biên giới

Những năm qua, sản lượng điện của tỉnh Đắk Nông được xuất khẩu qua tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), góp phần phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của hàng ngàn người dân, doanh nghiệp của nước bạn.

Theo Công ty Điện lực Đắk Nông, tính đến hết năm 2020, Dự án đầu tư công trình cấp điện cho tỉnh Mondulkiri đã thực hiện tròn 8 năm. Hệ thống cấp điện này được bắt đầu từ Trạm biến áp 110kV Đắk Song. Lưới điện được kéo từ trục chính 22kV đến cửa khẩu Bu Prăng (Tuy Đức) dài 200 km. Chiều dài đường dây từ cửa khẩu đấu nối đến hệ thống phụ tải của tỉnh bạn khoảng 45 km.

ADQuảng cáo

Trước năm 2012, khi chưa có dòng điện cung cấp từ Đắk Nông, cả tỉnh Mondulkiri chỉ có một nhà máy phát điện chạy bằng dầu diezen, nên chỉ cung cấp điện cho số ít dân cư sinh sống ở trung tâm tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn.

Từ khi được Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam thực hiện bán điện, nhiều khu vực dân cư của Mondulkiri đã được sử dụng điện lưới. Việc phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn nhiều.

Công ty Điện lực Đắk Nông thường xuyên cải tạo, nâng cao chất lượng điện năng phục vụ cho xuất khẩu sang Campuchia.

Năm 2012 sản lượng điện Đắk Nông cung cấp cho Mondulkiri đạt 0,8 triệu kWh. Đến năm 2020, sản lượng điện đạt hơn 6 triệu kWh, tăng gấp gần 8 lần. Qua đó, doanh thu bán điện qua Campuchia hàng năm cũng được nâng cao, đến năm 2020 đạt hơn 15 tỷ đồng.

Cùng với việc quản lý vận hành hệ thống, ngành Điện đã và đang chú trọng khảo sát, nâng cấp hệ thống để bảo đảm chất lượng điện năng cung cấp cho nước bạn. Hiện Công ty Điện lực Đắk Nông đang triển khai đầu tư xây dựng mới gần 4 km đường dây trung áp, cải tạo, nâng cấp hơn 5,5 km đường dây trung áp. Hệ thống chống sét và lắp đặt một số thiết bị đóng, cắt điện hiện đại đang được ngành Điện triển khai.

“Đây là nỗ lực lớn của ngành Điện trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Chính dòng điện đối ngoại ấy đã làm tăng thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước láng giềng Việt Nam-Campuchia ngày càng bền chặt”- Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Nông cho biết.

Thiết lập thị trường xuất khẩu mới

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Đắk Nông thực hiện được 920 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP (Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) chiếm khoảng 88%, tương đương 770,8 triệu USD.

Ông Lê Văn Thị, Giám đốc Sở Công thương cho biết, hàng hóa xuất khẩu của Đắk Nông hiện nay chủ yếu là nông sản và alumin. Đến nay, quan hệ thị trường của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được mở rộng đến 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong đó, chiếm tỷ trọng cao và ổn định nhất là các thị trường như: Singapore, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Philipin, Nhật Bản... Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh cũng chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường mới ở các nước châu Phi, Trung Đông…

Năm 2021, khả năng dự báo vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Vì vậy, Sở Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả hơn.

Đặc biệt, ngành Công thương đã tổ chức hướng dẫn cho các doanh nghiệp xuất khẩu nắm vững thực hiện các Hiệp định Thương mại, nhất là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA).

Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu của Ðắk Nông ngày càng tăng. Ðến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu; trong số đó, có 12 doanh nghiệp tham gia ổn định, bao gồm: 7 doanh nghiệp ngoài Nhà nước; 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 2 doanh nghiệp Nhà nước (trong đó có Công ty Ðiện lực Ðắk Nông).

Ông Thị cho hay, đây là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên của EU, là thị trường rộng lớn, với trên 450 triệu dân. Các nước EU hầu như đang nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp mà tỉnh Đắk Nông có nhiều lợi thế.

Cũng theo ông Thị, nhiều chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, cắt giảm chi phí đầu tư sẽ được ngành Công thương triển khai. Điều này sẽ tiếp thêm sức sản xuất, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Đắk Nông đủ sức cạnh tranh, tự tin bước vào những "sân chơi" quốc tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp xuất khẩu bước vào sân chơi lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO