Làm theo Bác bằng những việc bình dị, thiết thực

Hoàng Hoài| 01/02/2021 17:41

Làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao, vì lợi ích của tập thể, người dân, đó là cách học và làm theo Bác Hồ thiết thực nhất mà nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện, với tấm lòng trân trọng, kính yêu lãnh tụ.

ADQuảng cáo

Gương mẫu để người dân noi theo

Với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn Đắk Kual 3, xã Đắk N’Drung (Đắk Song), ông Nguyễn Thế Hải luôn xác định bản thân phải thật sự gương mẫu trong mọi công việc thì nói người dân mới nghe và làm theo. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, với bản tính chịu khó, ham học hỏi, ông Hải từng bước phát triển thành công gần 6 ha cà phê, hồ tiêu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Không dừng lại ở đó, năm 2013, ông Hải đã đứng ra thành lập Công ty TNHH MTV Viễn Dương chuyên kinh doanh các mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp. Ông thường xuyên giúp đỡ người dân nghèo bằng cách bán phân, cây giống theo hình thức trả chậm, cuối năm thu mua nông sản giá cao hơn thị trường… Hàng năm, ông tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5-10 lao động địa phương…

Năm 2016, ông tiếp tục thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ An Tâm chuyên sản xuất cà phê, hồ tiêu và các loại cây ăn trái theo hướng hữu cơ, với 40 thành viên tham gia. Qua nhiều năm thành lập và hướng dẫn chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, đến nay, Hợp tác xã có 10 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch.

Ông Hải cho biết: “Tôi nghĩ, thay đổi tư duy cho người dân, nhất là ứng dụng cái mới, tiến bộ vào sản xuất để nâng cao hiệu quả trên cùng một diện tích đất là điều quan trọng. Do đó, tôi vận động các thành viên chủ động chuyển hướng sản xuất và dần dần hướng tới tiêu chí sản xuất sạch. Bà con cùng vào hợp tác xã để có sự trao đổi, chia sẻ với nhau kinh nghiệm làm ăn, cách nghĩ, cách làm cùng nhau vươn lên”.

Đồng chí Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh ủy trao giấy khen cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong năm 2020. Ảnh: Thanh Bình

Năm 2020, ông Hải còn mạnh dạn trồng thử nghiệm 3 sào ớt hữu cơ, hiện đang cho thu hoạch được hơn 1 tấn và bán với giá khá cao 70.000 đồng/kg. Theo ông Hải, ông luôn muốn đưa những giống mới vào trồng trọt, dẫu biết ban đầu sẽ gặp không ít khó khăn và bước đầu, vườn ớt luôn sai trĩu quả, có đầu ra ổn định.

Là người đứng đầu thôn, ông Hải luôn phát huy tính dân chủ, nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc lắng nghe ý kiến góp ý của người dân, đoàn thể. Trong các buổi sinh hoạt, ông khuyến khích đảng viên phát biểu thoải mái, cởi mở đóng góp ý kiến trên tinh thần xây dựng. Đảng viên nào có khiếm khuyết gì, ông đều thẳng thắn chỉ rõ để khắc phục.

Vì vậy, ông luôn được đảng viên ủng hộ, tin tưởng và khuyết điểm được nêu thì sẵn sàng sửa đổi, không làm ảnh hưởng đến chi bộ, người đứng đầu, nhất là làm gương cho quần chúng noi theo…

Luôn suy nghĩ đến người dân nghèo

Nhiều năm làm Chi hội trưởng phụ nữ thôn Thọ Hoàng 1, xã Đắk Sắk (Đắk Mil), bà Trần Thị Mỹ Linh luôn trăn trở làm sao để đồng hành, giúp đỡ hội viên yếu thế, khó khăn vươn lên trong cuộc sống, mạnh dạn, tự tin, nhiệt tình với công tác hội.

Từ trăn trở đó, bà Linh xây dựng nhiều cách làm khác nhau nhằm vận động, xây dựng quỹ hỗ trợ phụ nữ, người dân nghèo. Hàng ngày, bà thường xuyên tìm hiểu hoàn cảnh, nhu cầu của từng hội viên nghèo để sự giúp đỡ được thiết thực. Sau nhiều trăn trở, suy nghĩ cách làm, bà Linh quyết định vừa kêu gọi vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cùng đồng hành và phát động chị em tham gia nấu ăn cho các đám cưới, tiệc liên hoan, thu gom phế liệu… để gây quỹ giúp chị em nghèo.

ADQuảng cáo

Theo bà Linh, ban đầu triển khai, vận động cũng gặp không ít khó khăn nhưng vì chị em nghèo nên bà đành cố gắng dùng hành động để chứng minh việc làm của mình là đúng đắn. Tiếng lành đồn xa, biết được việc làm của chi hội, nên khi đi mua nguyên liệu thực phẩm để chế biến, các chị được mua với giá rẻ hơn và nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Cứ như vậy, bà và chị em có thêm động lực để tiếp tục duy trì hoạt động thiện nguyện.

Vào chủ nhật cuối cùng trong tháng, bà Linh còn kêu gọi chị em đến từng nhà thu gom phế liệu, sau đó đưa lên đại lý bán. Do biết việc làm của các chị, nên các đại lý cũng mua với giá cao hơn để ủng hộ. Với những nguồn quỹ này, mỗi năm, chi hội không chỉ tặng khoảng 240 suất quà cho hộ nghèo mà còn có kinh phí để nấu cháo phục vụ bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Mil và hỗ trợ con giống cho gia đình nghèo.

Bà Linh cho biết: “Nhiều năm làm công tác hội, niềm vui mà tôi nhận được chính là niềm tin, tình yêu thương mà chị em dành cho mình. Có thể tôi không là người làm giỏi nhất, nhưng tôi đã làm tốt nhất trong khả năng của mình bằng trách nhiệm, cái tâm của người cán bộ hội vì hội viên”.

Ông Nguyễn Thế Hải (ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm phát triển cà phê sạch với hội viên cựu chiến binh.

Mỗi sáng nhìn cờ Tổ quốc để phấn đấu, vươn lên

“Mỗi sáng nhìn lên lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trong gió, tôi lại càng tự hào về quê hương, đất nước mình và tự hứa phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng là con của Mẹ Việt Nam”, đó là tâm sự của ông Vũ Văn Sỹ ở bon Bu Păk, xã Trường Xuân (Đắk Song).

Theo ông Sỹ, khi thấy ông treo cờ Tổ quốc hàng ngày, ai cũng bảo hơi lạ, nhưng ông chỉ nghĩ, mình từ phương xa về đây lập nghiệp, tài sản ban đầu không có gì, chỉ có treo cờ Tổ quốc là niềm tự hào và là truyền thống gia đình truyền nối. Do đó, mỗi lúc nhìn vào, ông đều thấy đất mới cũng là quê hương để cố gắng, phấn đấu vươn lên. Lá cờ cũng chính là nhân chứng cho việc làm của ông mỗi ngày.

Cũng vì vậy, khi mới chuyển vào bon sinh sống, nhìn thấy những con đường ngay khu mình ở rác thải nhiều, không ai dọn dẹp, ngay lập tức vợ chồng ông tổ chức thu gom, phân loại xử lý tại chỗ. Hơn 1 năm nay, sáng nào ông cũng đều cầm cây chổi đi xung quanh dọn dẹp sạch sẽ. Từ việc làm của ông, bà con dần nâng cao ý thức, không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, ai cũng chung tay giữ gìn vệ sinh.

Trong phát triển kinh tế, gia đình ông Sỹ vừa buôn bán tạp hóa, vừa trồng trọt hoa màu, chăn nuôi. Ông Sỹ cho biết: “Mình phát triển kinh tế đa dạng để cái này bù cái kia, mỗi cái thêm một ít thu nhập, gia đình cũng ổn định. Có thể nhìn lên mình không bằng ai, nhưng mình cũng không hổ thẹn với lòng mình vì đã làm việc một cách tích cực, chăm chỉ”.

Ông Sỹ còn là một người tích cực với các phong trào, hoạt động của địa phương. Mỗi khi thôn phát động ủng hộ lũ lụt, giúp trẻ em, người nghèo, gia đình ông đều đóng góp trước và nhiều hơn so với các hộ khác. Hiện nay, khi thôn vận động mỗi gia đình đóng góp 100.000 đồng để lắp đặt điện chiếu sáng, camera an ninh, gia đình ông Sỹ sẵn sàng ủng hộ 700.000 đồng.

Theo ông Sỹ, ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng ít, người có phụ giúp người khó là điều quan trọng, bởi đây là cách để phát huy tinh thần nhân ái của mỗi người và là trách nhiệm của công dân đối với địa phương.

Ông Sỹ nói một cách đơn giản: “Tôi báo cáo kết quả mình đạt được dưới lá cờ Tổ quốc. Đó là niềm vinh dự, tự hào và trên hết là cách để mình có thêm động lực, niềm vui để cuộc sống mỗi ngày thêm ý nghĩa”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm theo Bác bằng những việc bình dị, thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO