Năm Tân Sửu nói chuyện trâu

Nguyễn Tấn Tuấn| 12/02/2021 07:40

Thời Lý - Trần (thế kỷ XI - XIV) với chính sách “trọng nông”, khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp. Vì vậy, nhà nước phong kiến rất quan tâm tới việc bảo vệ con trâu. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông ra chiếu rằng: “Trâu là một vật quan trọng cho việc cày cấy, có lợi cho người dân. Từ nay cấm không được ai giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật".

ADQuảng cáo

Luật Hình thư thời nhà Lý, hình luật thời nhà Trần đều có những điều khoản quy định hình phạt về tội trộm và giết hại trâu bò. Những nhà láng giềng biết mà không tố giác cũng bị phạt đánh trượng. Vào ngày đầu năm, nhà vua cho tổ chức làm lễ tế thần và cày ruộng tịch điền. Trâu cày ruộng tịch điền phải là trâu đực nuôi theo “chế độ” riêng. Khi làm lễ, con trâu được tắm rửa sạch sẽ tẩy uế và cho mặc đồ gấm vóc. Lễ tế thần xong, nhà vua xuống ruộng cày làm phép, đường cày có tính tượng trưng mở đầu cho một năm cày cấy “phong đăng hòa cốc” để cầu mùa vụ tốt tươi cả năm.

Tái hiện hình ảnh Vua Lê Đại Hành xuống cày ruộng tại Lễ hội Tịch Điền - Đọi Sơn ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam tổ chức vào mùng 7 tháng Giêng hàng năm.

Ngày xưa ở mỗi phủ, huyện miền xuôi thường có chợ trâu. Chợ họp theo phiên, người có trâu mang bán và người mua trâu về mua. Một số chợ trâu nổi tiếng ngày ấy được ghi lại như chợ Gồi (Nam Định), chợ trâu Thủy Nguyên, Thủy Tú, Thủy Đường (Hải Phòng), chợ trâu Thanh Hà (Hải Dương)… mỗi phiên có vài ba chục con trâu. Như các mặt hàng khác mua thì đơn giản, nhưng để chọn mua con trâu rất khó khăn và cầu kỳ, tỉ mỉ. Thường người mua trâu về cày cấy phải có kinh nghiệm xem tướng trâu vì đó là cả cơ nghiệp của gia đình. Từ đó, nghề lái trâu xuất hiện và cũng đồng thời có câu thành ngữ “miệng lưỡi lái trâu” để chỉ những kẻ chuyên lừa đảo để bán được trâu xấu nhưng giá cao làm cho người mua nhầm bị khuynh gia bại sản.

Thời ấy có những phong tục như tết trâu (14/7 âm lịch) của người Thái trắng vùng lòng chảo Mường Lò, Tây Bắc; thậm chí có nơi còn tổ chức lớn hơn Tết Nguyên Đán. Tết trâu gắn liền với nghi lễ nông nghiệp. Con trâu được “trả ơn” bằng những món ăn ngon, được tắm rửa sạch sẽ. Gia chủ nói với trâu những lời ân tình, cảm ơn trâu vất vả vì gia đình mình. Tết trâu cũng là ngày vui của trẻ “mục đồng” chăn trâu. Chúng được phép mang theo thịt gà, xôi nếp, dắt trâu ra bãi, lên đồi cho trâu ăn cỏ, còn đám trẻ thì tổ chức ăn uống, nô đùa, ca hát.

Hình tượng con trâu đã đi vào trong thơ ca, ca dao, tục ngữ, tranh Đông Hồ.

ADQuảng cáo

Thời xưa, con trâu không những được từng nhà chăn nuôi chăm sóc mà còn được các triều đình phong kiến đưa vào luật pháp để mọi người tuân theo làm cơ sở bảo vệ cho cả một nền kinh tế đương thời. Trong Bộ Luật Hồng Đức ban hành vào thời hậu Lê thế kỷ XV có một số điều nói về bảo vệ con trâu, luật quy định rằng: “Khi hai con trâu của hai nhà húc nhau con nào chết thì cho phép hai nhà xẻ thịt, con trâu nào còn sống thì hai nhà sử dụng cày bừa chung – làm trái luật thì thưởng phạt đánh 80 trượng”.

Thời kinh tế bao cấp, ở nước ta đã có thời kỳ cấm lạm sát trâu bò. Ai mổ trâu bò đều phải xin phép UBND xã và phải có lý do chính đáng. Mấy chục năm tập thể hóa nông thôn, con trâu cũng được sống chung làm chung nhưng nhược điểm là “cha chung không ai khóc” nên con trâu chỉ biết cày bừa, ít được chăm sóc chu đáo. Triển khai thực hiện Nghị quyết khoán 10 của Bộ Chính trị cùng với ruộng đất, con trâu cũng được đưa về hộ sản xuất gia đình sử dụng và sở hữu. Đàn trâu do đó đã được bảo vệ chu đáo và phát triển tốt hơn.

Hình tượng con trâu gắn liền với cuộc sống của người dân ở các làng quê.

Trên phương diện y học, loài trâu đã góp phần xứng đáng vào việc bảo vệ sức khỏe cho con người. Ngưu hoàng là bài thuốc trị sỏi mật, sạn mật từ loài trâu. Sách “thần nông bản thảo” ghi rõ: Ngưu hoàng là vị thuốc trị kinh giản, sốt cao. Các sách y học khác của phương Đông đều có nói đến tác dụng của loại sỏi trong mật trâu: Ngưu hoàng giúp an thần, làm tăng hồng cầu, tăng huyết sắc tố và làm ổn định tim mạch. Loại biệt dược có tác dụng thanh tâm, giải độc. Nó là loại thuốc đặc trị các bệnh nóng phát cuồng, hôn mê, trúng phong, đau cổ họng, sưng nhọt. Ngưu hoàng vị đắng hơi độc, có thể làm trụy thai. Vì vậy với phụ nữ có thai không được sử dụng.

Thịt trâu thơm ngon bổ dưỡng, còn phủ tạng của trâu là nguồn thức ăn tốt. Da trâu dùng làm mặt trống, mặt đàn và thành thuộc da công nghiệp giày da, va li, túi xách, thắt lưng cao cấp… Còn sữa trâu, đông y gọi là “ngưu nhũ” rất giàu dinh dưỡng cho cơ thể con người.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm Tân Sửu nói chuyện trâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO