Ngày Tết nói chuyện vi hành

Ngàn Sâu| 01/02/2021 17:28

Vi hành là phương pháp mà nhiều bậc hiền vương xưa và các vị lãnh đạo thời nay học hỏi để nắm bắt sâu sát tình hình thực tế, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành.

ADQuảng cáo

Một góc thành phố Gia Nghĩa. Ảnh: Công Tính

Vua Lê Thánh Tông vi hành phá trọng án

Sử sách ghi, thuở ấy tại kinh thành Thăng Long có tên trộm rất nổi tiếng. Hắn có tài xuất quỷ nhập thần. Hắn định trộm của ai thì nhà đó dù đã phòng bị, vẫn không thoát.

Là tên trộm lành nghề, chuyên trộm của nhà giàu đem cho người nghèo nên hắn được đông đảo Nhân dân yêu mến. Hắn đi về, tới lui nhanh như gió, thoắt ẩn thoắt hiện. Ở những nơi không ai ngờ, hắn ngang nhiên xuất hiện. Ở những chốn canh phòng cẩn mật, không ai có thể lọt qua, thì hắn vẫn luồn qua được. Nhân dân còn phong tước hiệu cho hắn là Quận Gió!

Tiếng đồn về Quận Gió lọt đến tai vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Nhà vua quyết định cải trang vi hành để tìm hiểu sự thật về tên trộm kỳ lạ này.

Khi cận giờ giao thừa, có một người đàn ông trạc 20 tuổi, tìm đến nơi Quận Gió đang trú ngụ. Người đàn ông tự xưng là môn sinh trường Giám (Quốc Tử Giám). Năm hết, tết đến, nam sinh muốn về quê Thanh Hóa cúng giỗ ông bà, nhưng nhà nghèo không có tiền, nên đến phiền Quận Gió giúp cho một ít làm lộ phí. Nghe xưng danh là Giám sinh, Quận Gió hồ hởi nói:

- Giúp ai tôi cũng sẵn lòng. Giúp học trò nghèo thì tôi càng không tiếc sức. Nhưng tôi không có sẵn tiền. Tôi là một đạo chích. Vậy anh muốn tôi lấy của ai để cho anh ?

- Trộm của phú ông ở cửa Tây – nam sinh nói.

- Không được! Phú ông ở cửa Tây giàu có là nhờ cày sâu, cuốc bẫm, lao động vất vả quanh năm suốt tháng. Không nên lấy của ông ấy - Quận Gió đáp.

- Trộm của chủ cửa hiệu vàng bạc ở phố cửa Đông được không ? Người đàn ông ướm lời.

- Không được! Ông chủ cửa hiệu chế tác và bán đồ dùng vàng bạc phố cửa Đông là người ngay thẳng. Ông ta tích cóp được chút của ăn, của để là nhờ lăn lộn, khó nhọc trên thương trường. Không nên lấy của ông ấy. Thôi để tôi đến nhà lão quan coi kho bạc nhà vua ở phố cửa Bắc chôm cho ông vài nén bạc. Lão ấy có lắm vàng ròng, bạc nén trong nhà. Đó là những thứ không phải của hắn !

Vừa dứt lời, Quận Gió băng mình vào bầu trời đen mịt mùng như mực của đêm cuối năm. Chưa giập bã trầu, Quận Gió đã trở về với hai nén bạc trong tay.

Quận Gió nói: “Với hai nén bạc này, anh có đủ tiền làm lộ phí và còn để dùng vào việc sôi kinh, nấu sử. Mong rằng sau này anh đỗ đại khoa làm rạng danh công ơn sinh thành, dòng họ, tổ tiên”.

Cầm hai nén bạc lên soi dưới ánh đèn dầu thấy đề bốn chữ: “Quốc khố chi bảo”. Không nghi ngờ gì nữa, đây là bạc trong kho của Nhà nước.

ADQuảng cáo

Sáng mồng một Tết, nhà vua thiết đại triều. Khi tất cả các quan tề tựu đông đủ, vua đem câu chuyện vi hành đêm 30 Tết kể lại cho mọi người nghe. Hai nén bạc được chuyền tay cho tất cả các quan xem tận mắt.

Viên quan coi kho cứng họng trước những chứng cứ không thể chối cãi. Hắn bị nhà vua lột bỏ hết mọi tước vị, gia sản bị tịch thu và bị lưu đày đi châu xa.

Câu chuyện vi hành đêm 30 Tết của nhà vua Lê Thánh Tông nhanh chóng truyền đi khắp cả nước. Dân chúng khấp khởi mừng thầm. Vận nước rối bời dưới thời vua cha Lê Thái Tông và vua anh Lê Nhân Tông. Nay vua sáng đã xuất hiện làm cho bọn quan lại sâu mọt tất cả đều sợ.

Riêng đối với vua Lê Thánh Tông, chuyến vi hành gặp Quận Gió càng làm cho ông thêm lo lắng nhiều điều. Trước mắt ông là trăm công ngàn việc quốc gia đại sự phức tạp, khó khăn nhiều bề. Tất cả đều đòi hỏi phải có cách xử lý nhanh chóng và có hiệu quả. Riêng đối với tệ tham nhũng là điều làm ông có nhiều trăn trở nhất.

Từ những cuộc vi hành, vua Lê Thánh Tông cho rằng, vua, quan muốn làm được việc tốt đều phải có những hành động cụ thể. Muốn có những hành động cụ thể thì phải xâm nhập, tìm hiểu cặn kẽ từ dân chúng, từ cấp dưới.

Niềm vui của người dân huyện Đắk Mil được mùa sầu riêng Ri6. Ảnh: Hồ Mai

Đi thực tế để tránh quan liêu

Có những bậc minh quân thường cải trang vi hành trong dân để tìm hiểu thế sự. Nhờ đó mà họ biết được nhiều sự  thật về cuộc sống của dân, về đạo đức, tài năng quan lại dưới quyền.

Điều quan trọng nhất là nhân các cuộc vi hành, họ thấy được những điều chưa thích ứng với đời sống xã hội trong đường lối quản trị đất nước. Cũng từ đó, có những sửa đổi, bổ sung, cải cách cần thiết nhằm làm cho chính sách cai trị của họ ngày được tốt hơn.

Phương pháp thâm nhập thực tế ngày nay cũng được nhiều bậc lãnh đạo áp dụng. Họ đã thường xuyên đi thực tế ở cơ sở để nắm bắt các vấn đề kinh tế - xã hội. Ở Đắk Nông, ngay sau khi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, nhiều lãnh đạo tỉnh đã lập tức bắt tay vào công việc với những chuyến đi cơ sở.

Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông đích thân đến kiểm tra thực tế công trình đường vào thác Liêng Nung (Gia Nghĩa) và Khu công nghiệp Nhân Cơ (Đắk R’lấp). Đây đều là hai dự án lớn, có tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Hai dự án này đã gặp sự cố sụt lún nghiêm trọng trong thời gian qua.

Sau khi kiểm tra thực tế, các đồng chí lãnh đạo đã chỉ đạo kịp thời để các cơ quan, đơn vị chức năng sớm vào cuộc và có biện pháp khắc phục, xử lý các sự cố, bảo đảm thực hiện tốt sự vận hành của hai dự án.

Ngoài ra, còn có các đồng chí lãnh đạo Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông đã có những chuyến công tác về cơ sở. Ngoài việc về làm việc tại các địa phương, các đồng chí đã kiểm tra thực tế tại Khu công nghiệp Nhân Cơ, các công trình trọng điểm ở thành phố Gia Nghĩa và các dự án đầu tư tại huyện Cư Jút…

Sau mỗi chuyến đi, các đồng chí nắm bắt được nhiều vấn đề ở cơ sở và đưa ra những chỉ đạo, điều hành cụ thể, sát sao. Công việc ở cơ sở cũng vì thế mà trôi chảy hơn…

Những chuyến đi thực tế của lãnh đạo các cấp không chỉ giúp giải quyết tốt công tác quản lý, điều hành mà còn mang đến sự gần gũi hơn với người dân. Người dân hài lòng, yêu quý thêm đối với những lãnh đạo biết lăn lộn với công việc, gần gũi, gắn bó với cơ sở, chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Tết nói chuyện vi hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO