Thương mại điện tử đang dần lên ngôi

Nguyễn Lương| 12/02/2021 06:00

Thương mại điện tử đem lại nhiều tiện ích trong bán hàng, quảng bá sản phẩm. Ở Ðắk Nông, thương mại điện tử đang phát triển sôi động, hứa hẹn trở thành kênh giao dịch chính trong tương lai.

ADQuảng cáo

Duy trì đồng thời hình thức truyền thống và trực tuyến

Những ngày cuối năm, lượng khách hàng vào mua sắm tại Siêu thị Điện máy xanh Gia Nghĩa tấp nập hơn hẳn. Mỗi nhân viên tại quầy bán hàng phải làm việc gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Cùng với giới thiệu, tư vấn khách tại chỗ, nhiều nhân viên còn phải hỗ trợ khách qua kênh bán hàng trực tuyến.

Theo anh Nguyễn Văn Minh, Quản lý Siêu thị Điện máy xanh Gia Nghĩa, những năm trước, kinh doanh chủ yếu bằng hình thức truyền thống. Thời gian gần đây, với việc tiếp cận với hình thức kinh doanh trực tuyến thông qua các “sàn” thương mại điện tử, nhiều mặt hàng của đơn vị được phân phối rộng rãi đến người tiêu dùng. Thậm chí, có những khách hàng tận vùng sâu, vùng xa, cách trung tâm cả hàng chục cây số cũng giao dịch được với siêu thị.

Năm 2020, vào thời gian cao điểm của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của siêu thị gặp khó khăn, doanh thu vì thế cũng ảnh hưởng theo. Để đẩy mạnh doanh số bán hàng, đơn vị bắt đầu tăng cường bán hàng qua mạng xã hội là Facebook và Zalo.

Nhờ việc chuyển hướng này, đơn vị duy trì được guồng bán hàng. Đến cuối năm 2020, doanh số bán hàng tại Siêu thị Điện máy xanh Gia Nghĩa đạt trên 101% so với chỉ tiêu đề ra. "Đây là kết quả đạt được ngoài sự mong đợi của chúng tôi", anh Minh chia sẻ.

Số lượng khách hàng mua sắm trực tuyến Siêu thị Điện máy xanh Gia Nghĩa tăng nhanh

Nói đến việc áp dụng dịch vụ bằng hình thức thương mại điện tử, Chi nhánh Viettel Đắk Nông là một đơn vị tiên phong. Thời gian gần đây, nhất là năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc triển khai các dịch vụ đến người tiêu dùng bằng hình thức thương mại điện tử là lĩnh vực đơn vị khai thác nhiều nhất.

Đơn cử như việc tìm kiếm khách hàng mới. Thay vì, ngày xưa phải viết hồ sơ, hiện tại nhân viên của đơn vị chỉ dùng phần mềm IE để nhận diện khuôn mặt, dùng chữ ký điện tử để lưu hồ sơ khách hàng trên hợp đồng làm việc.

Trong hoạt động giao dịch khách hàng sử dụng dịch vụ, nếu trước đây phải gặp mặt trực tiếp, hiện tại đơn vị thay đổi bằng hình thức online. Tất cả khách hàng lên máy tính, thiết bị di động đăng ký, Viettel tra cứu, trả về cho khách hàng. Thậm chí, nhiều trường hợp nhân viên còn chuyển phát đến tận tay khách hàng những sản phẩm thuộc nhiều gói dịch vụ mà Viettel đang triển khai.

ADQuảng cáo

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Chi nhánh Viettel Đắk Nông cho biết, trong khó khăn, Viettel đã tìm kiếm những thuận lợi để phát triển các dịch vụ. Kinh doanh trực tuyến song song với kinh doanh truyền thống giúp đơn vị mở rộng thị trường, quảng bá sản phẩm thuận lợi hơn. Sản phẩm của Viettel đến người tiêu dùng vì thế cũng gần gũi hơn.

Bằng việc triển khai nhiều hình thức thương mại điện tử, doanh thu dịch vụ chung so với cùng kỳ 2019 của Chi nhánh Vietel Đắk Nông tăng trên 3% (tương đương 13 tỷ đồng). Riêng lĩnh vực di động, đến tháng 10/2020, đơn vị đã hoàn thành kế hoạch cả năm đề ra. Lĩnh vực di động của Viettel có trên 415.000 thuê bao sử dụng dịch vụ, tăng trên 1.500 thuê bao so với năm trước.

Khai thác “vùng đất mới”

Với những yếu tố tích cực từ tín hiệu thị trường, hình thức thương mại điện tử trở thành một xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số. Tại Đắk Nông đã có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh quan tâm nhiều đến thương mại điện tử trong kinh doanh.

Sự phát triển công nghệ thông tin đã hỗ trợ nhiều đơn vị nâng cao lợi thế cạnh tranh, nhờ rút ngắn hoặc bỏ qua các khâu trung gian để tiếp cận nhanh nhất tới khách hàng. Đến năm 2020, Đắk Nông có trên 30% doanh nghiệp giao dịch hàng hóa, thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng thương mại điện tử. Gần 40% doanh nghiệp của tỉnh ứng dụng phần mềm chuyên dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực kinh tế tập thể giai đoạn 2015-2020. Ảnh: Thanh Nga

Ông Lê Văn Thị, Giám đốc Sở Công thương cho biết, mô hình bán hàng trực tuyến đang lôi cuốn nhiều doanh nghiệp. Không chỉ các doanh nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh cũng rất thành công với mô hình bán hàng trực tuyến đến người tiêu dùng. Đặc biệt, trong năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, thương mại điện tử phát triển, tạo nên bước ngoặt lớn, giúp nhiều doanh nghiệp vượt qua một phần khó khăn.

Sở Công thương đã cùng đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất. Đặc biệt, để sản phẩm của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn đến gần hơn với người tiêu dùng, Sở Công thương đã triển khai thêm nhiều chương trình hỗ trợ như: tuyên truyền nâng cao nhận thức về thương mại điện tử; triển khai các văn bản về thương mại điện tử cho các cán bộ quản lý…

Để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng, Sở Công thương đã phối hợp với các bên liên quan xử lý một số bất cập trong phát triển thương mại điện tử như: hàng giả, hàng nhái…

Chia sẻ về những giải pháp nâng cao thương mại điện tử trong thời gian tới, ông Lê Văn Thị cho biết: “Chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất, kinh doanh bằng việc tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong, ngoài nước, nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm. Việc kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế với nhà cung cấp dịch vụ sẽ được tăng cường. Thông qua đó, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho sản phẩm doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử đang dần lên ngôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO