Xuân hy vọng

01/02/2021 17:04

Truyện ngắn của ĐÀO THU HÀ

ADQuảng cáo

Tháng Chạp nơi phố núi se se lạnh với những cơn gió cuối mùa hanh hao thổi qua đám dã quỳ ven đường chỉ còn trơ những đài hoa tàn màu xam xám sau một mùa rực rỡ. Chiếc xe khách dừng lại trả khách rồi lại tiếp tục cuộc hành trình, bỏ lại sau lưng đám bụi đỏ mỏng lơ lửng. Vũ xốc lại chiếc ba lô rồi rẽ vào con đường bê tông rộng rãi. Đi tầm hơn 200m nữa là sẽ đến nhà. Mới tháng trước, mẹ gọi điện khoe bữa nay cả tổ dân phố góp tiền, góp ngày công làm lại con đường nhỏ đã xuống cấp sau bao mùa mưa nắng.

Vũ đưa tay đẩy chốt cổng. Anh thấy lòng mình se se lại khi bước chân vào mảnh sân nhỏ, nhìn màu xanh của những tán cây ôm lấy căn nhà ba gian xinh xắn. Tự nhiên, anh nhớ có một ai đó đã viết về mảnh đất nơi anh sinh ra và lớn lên này khi thị xã được công nhận là thành phố rằng: “Đây là thành phố trẻ nhất nước và có điểm đặc biệt chẳng một nơi nào khác có là phố nằm trong rẫy, rẫy nằm trong phố. Nó gợi cho người ta cảm giác thân thuộc, bình dị và an nhiên”. Vũ chẳng phải là người có tâm hồn nghệ sỹ, cũng không phải là người lãng mạn nên anh không biết phải diễn tả cảm xúc của mình sao cho trọn vẹn nhất. Nhưng mỗi lần về nhà, ngồi bên hiên nghe tiếng gió lao xao trên tán cây, ngắm màu xanh mướt của cây cối trong mảnh rẫy bao quanh ngôi nhà, nghe hương cà phê len lỏi trong từng giác quan, anh cảm thấy lòng mình như dịu lại, bình yên. Như thể những ngày mỏi mệt bôn ba nơi thành phố ồn ào, náo nhiệt tạm lùi lại. Mẹ Vũ đang lúi húi ở bếp, nghe tiếng bước chân thì ngẩng đầu lên. Thấy anh, mẹ vội lau tay vào chiếc khăn vắt trên vai, lụi cụi chạy ra:

- Năm nay về sớm vậy hả con. Đã ăn uống gì chưa?

Vũ vội bước lại, đưa tay đỡ mẹ:

- Mẹ đi từ từ thôi. Năm nay con về sớm. Giữa buổi, xe dừng lại ăn cơm trưa rồi mới chạy tiếp mẹ ạ! Mẹ đang làm gì đấy?

- Mẹ đang bào ít dừa với gọt ít gừng làm mứt. Năm nay, mẹ trồng mấy khóm gừng mà được nhiều củ lắm.

Anh bước vào nhà, cất ba lô vào tủ quần áo rồi nhanh nhẹn ngồi xuống phụ mẹ:

- Nhà chỉ có hai mẹ con, mẹ làm gì cho nhiều vậy. Thời gian để dành nghỉ ngơi có phải hơn không.

Mẹ từ tốn:

- Mẹ làm chia cho mấy đứa ở khu nhà trọ. Khổ, năm nay dịch bệnh, cách ly, công việc không có tội lắm. Cà phê năm nay cũng mất mùa, chẳng mấy nhà thuê công hái. Mà tội nhất là mấy đứa quê ở miền Trung, quê nhà bão lũ chúng nó chạy đi kiếm việc làm thêm ngoài giờ, chẳng dám ăn tiêu gì, kêu năm nay không về để dành tiền gửi về cho bố mẹ.

Mẹ pha nước ấm ngâm dừa cho bớt dầu rồi thủng thẳng:

- Cũng may năm nay, con về sớm mấy ngày. Mai mẹ ngâm gạo gói bánh, chia thêm cho mấy đứa để có không khí tết, cũng có đáng bao nhiêu đâu. Mà năm nay được nghỉ tết lâu không con? Hương gừng cay nồng sực lên khiến Vũ cay mắt. Anh đáp khẽ:

- Con chưa biết mẹ ạ! Năm nay ảnh hưởng dịch Covid - 19 nên ra năm, công ty cũng ít việc. Ra tết, con mới tính tiếp mẹ ạ!

Mẹ đứng dậy, đấm đấm lưng:

- Ừ, năm nay đâu cũng thế cả. Mà con xem, hay là về nhà làm. Mẹ thì mỗi năm mỗi tuổi, ngồi có một tí mà đã đau hết cả lưng.

Minh họa: Ngọc Tâm

Đây chẳng phải là lần đầu tiên mẹ muốn anh về nhà. Bố mất sớm, nhà chỉ có hai chị em. Chị gái anh đã lấy chồng. Gia đình chồng chị buôn bán nên lúc nào cũng thấy chị bận. Vũ cũng gần ba mươi tuổi. Ở tuổi anh, bạn bè có người đã có con nên mẹ anh sốt ruột cũng là điều dễ hiểu. Kinh tế gia đình cũng không phải quá khó khăn. Hồi còn sống, bố anh là người chịu khó, mẹ anh lại biết chăm lo thu vén nên mua được hơn hai héc ta rẫy, một nửa trồng cà phê, một nửa trồng cây ăn trái. Mẹ anh thích sống yên tĩnh nên làm nhà trong rẫy để ở. Còn một miếng đất cách đây hơn một cây số, mẹ xây mấy phòng trọ cho thuê. Với điều kiện như vậy, anh có thể chọn một cuộc sống an nhàn, đầy đủ. Nhưng tuổi trẻ luôn có những mong muốn, khát khao được khẳng định bản thân, được sống một cuộc đời sôi nổi, nhiệt huyết. Bởi vậy học xong đại học, anh quyết định ở lại thành phố, xin làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu. Miệt mài làm việc để chứng tỏ khả năng của bản thân, có những năm anh không thể sắp xếp thời gian về ăn tết với mẹ dù nơi làm việc chỉ cách nhà vài tiếng đi xe khách. Đến giờ, Vũ cũng đã có một vị trí nhất định trong công ty. Nhưng năm nay, công ty bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, có phương án cắt giảm nhân sự. Vị trí của Vũ và một người anh khác trong công ty phải cạnh tranh nhau. Vốn Vũ có lợi thế hơn người anh ấy một chút vì Vũ trẻ hơn anh vài tuổi, lương của Vũ cũng thấp hơn anh một chút. Nhưng Vũ biết hoàn cảnh gia đình anh. Là anh trai lớn trong gia đình, cha mẹ già yếu, anh vừa đi làm vừa nuôi mấy đứa em sau học đại học. Đợt lũ vừa rồi, nhà của bố mẹ anh ngoài quê cũng bị lũ cuốn trôi hết. Trách nhiệm nặng nề, anh ấy không dám lấy vợ khi các em còn chưa ra trường. Bởi vậy, khi công ty còn chưa ra quyết định, Vũ đã nộp đơn xin thôi việc. Dù tiếc nuối bởi đây là nơi Vũ đã gắn bó, cũng đã dành một quãng thời gian để cống hiến và phấn đấu nhưng Vũ không hối hận. Vũ nghĩ, người anh ấy cần công việc này hơn Vũ rất nhiều, ít nhất là giai đoạn khó khăn trước mắt. Anh ấy cũng là người có năng lực, kiên trì, có thể mất công việc này anh ấy sẽ tìm được công việc khác. Nhưng năm hết tết đến, bao nhiêu thứ phải lo lắng, mà muốn tìm công việc mới thì cũng phải chờ qua tết. Nộp đơn xin việc xong, Vũ thấy lòng mình thanh thản. Tình người là thứ quan trọng nhất hơn tất thảy mọi điều. Chính mẹ đã dạy Vũ như vậy từ những ngày đầu tiên Vũ học làm người.

Mẹ đã bắc chảo sên mứt. Mùi dừa thơm, mùi gừng ấm nồng quyện với mùi ngọt ngào của đường bay đầy gian bếp nhỏ. Vũ đứng bên cạnh, làm nũng như ngày còn nhỏ:

ADQuảng cáo

- Con thất nghiệp mẹ nuôi con nhé.

Mẹ cười:

- Anh cứ về đây, mấy héc ta rẫy mà biết cách trồng trọt, chăm bón thì cũng chẳng chết đói được. Chỉ sợ anh chê thôi.

Rồi như chợt nhớ ra, mẹ tấm tắc:

- Nói rẫy nương mới nhớ. Con có nhớ thằng cu Phúc hồi xưa học cùng lớp với con không? Nó học xong đại học, về nhà làm rẫy. Mà nó trồng theo công nghệ mới, tên là gì mẹ cũng không nhớ. Rồi nó không dùng thuốc sâu, thuốc hóa học gì hết mà nuôi kiến vàng để trừ sâu bệnh. Lúc đầu, mấy người nói nó ngược đời, ngựa non háu đá. Vậy mà năm nay rẫy của nó bắt đầu cho thu hoạch. Cà phê thì được giá cao hơn các hộ khác còn trái cây thấy bảo sang năm cho thu hoạch ổn định là xuất khẩu đấy.

Nghe mẹ kể, Vũ trầm ngâm. Thật ra từ lúc viết đơn xin nghỉ việc trong đầu anh đã hình thành một ý tưởng. Làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, anh cũng mong muốn giúp một phần cho những người dân cần cù nơi anh đã sinh ra và lớn lên. Anh muốn bắt đầu từ chính mảnh vườn nhà mình. Muốn làm được, cần phải thay đổi. Anh còn đang phân vân vì biết mọi thứ trước mắt thực sự rất khó, chẳng thể nào thay đổi trong một sớm một chiều. Có lẽ, mấy hôm nữa anh sẽ qua nhà Phúc một chuyến...

Càng gần những ngày cuối năm, nhịp sống dường như càng hối hả thêm một chút. Dù một năm qua có quá nhiều khó khăn và thử thách, nhưng nhịp sống chẳng vì thế mà dừng lại. Vũ phụ mẹ chuẩn bị những túi quà, chở mẹ qua khu phòng trọ. Xe vừa đến cổng thì vợ chồng chị gái cũng về tới. Chị nhanh nhẹn:

- May quá, muộn tí nữa thì con lại phải mang qua sau. Nhà con cũng có ít quà gửi mấy gia đình ở phòng trọ này mẹ. Có mấy hộp bánh với mấy lốc sữa cho mấy đứa trẻ con.

Miệng nói, tay làm, chị phân quà bỏ vào từng túi. Xong chị lại vội vã: Con về trông quán đã, cuối năm đông khách quá. Chiều 30, vợ chồng con với các cháu về ăn cơm tất niên ạ.

Những gia đình ở khu nhà trọ nhận quà thì bối rối, ngượng nghịu và cảm động. Đây là những người gắn bó với khu phòng trọ của mẹ Vũ từ mấy năm nay rồi nên dù ít khi về nhà, Vũ cũng quen họ. Đấy là những người từ khắp nơi về thành phố trẻ này lập nghiệp. Có người xin được công việc ổn định một chút, có người thì làm việc theo thời vụ, ai thuê gì làm nấy. Tuy nghèo nhưng họ sống một cách tử tế và tình cảm, mẹ anh thương mấy đứa con nít, có gì cũng gói ghém mang cho.

Chị Nghĩa nhận túi quà mẹ anh đưa, ngập ngừng:

- Tháng này con còn chưa có tiền trả tiền phòng cho bà mà bà còn cho nhà con quà tết, con ngại quá.

Mẹ anh cười:

- Có chút ít chia cho mấy đứa nhỏ ăn tết kẻo nó tủi. Còn tiền phòng tháng này, bà lì xì trước cho mấy đứa. Mua cho chúng nó bộ quần áo mới mặc tết không nó so với bạn bè mà tủi thân, tội chúng.

Chị Nghĩa áy náy:

- Hồi dịch cách ly không đi làm được, bà cũng miễn tiền phòng trọ cho cả dãy. Mấy năm nay bà cũng không tăng tiền trọ. Tụi con áy náy...

- Thôi, có cái gì mà cứ áy náy mãi, trời cho bà còn khỏe, còn giúp được ai thì giúp. Năm mới rồi sẽ tốt hơn, chẳng ai khó mãi. Sau này khấm khá, đừng quên bà là được. Thôi bà cũng phải về sửa soạn tết nhất, đi chợ hoa mua về trưng tết...

Vũ đưa mẹ đi chợ hoa. Cả một khoảng đất rộng ngoài khu hồ Trung tâm bừng lên sắc hoa rực rỡ dưới màu nắng cuối năm. Lòng Vũ cũng bừng lên những niềm vui khe khẽ. Một năm qua có bao nhiêu buồn vui, có thể thuận lợi, có thể khó khăn nhưng dẫu gì mùa xuân cũng sẽ đến, như chồi non, lộc biếc, như hoa thắm dẫu qua mùa đông khắc nghiệt thì khi xuân đến vẫn bừng lên sắc xuân hy vọng...

Năm mới đã đến thật gần.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân hy vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO