Bảo vệ các "cửa ngõ" đúng cách rất quan trọng!

Tường Nhiên| 22/06/2022 09:03

Tai mũi họng là nhóm bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ em, vì sức đề kháng còn yếu, hàng rào bảo vệ chưa phát triển hoàn thiện. Người lớn nếu như sinh hoạt, ăn uống không đúng cách, nguy cơ mắc các bệnh về tai mũi họng vẫn rất cao.

ADQuảng cáo

Đang khám tai cho con tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Song, chị Nguyễn Thị Hằng ở xã Đắk Hòa chia sẻ: “Thấy con hay quấy khóc, lắc đầu, tay hay day tai nên tôi lấy đèn soi kiểm tra thì thấy có dịch màu trắng đục, sợ quá liền đưa con đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán là con đang bị viêm tai giữa cần phải điều trị thuốc vài ngày và tái khám theo lịch hẹn”.

Tương tự, có nhiều người có thói quen chăm sóc, vệ sinh tai mũi họng sai cách, như lấy ráy tai thường xuyên, lạm dụng việc xông mũi, súc họng bằng nước muối thật mặn. Ông Lê Văn Đức ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) chia sẻ: “Tôi nghĩ nước muối càng mặn thì súc miệng, súc họng càng tốt, nên hằng ngày tự pha nước muối thật mặn để làm. Nhưng mấy ngày nay, thấy họng bị đau, rát đi khám, được bác sĩ tư vấn súc họng bằng nước muối mặn có thể khiến họng khô, rát, tổn thương niêm mạc vùng họng, tôi mới biết mình vệ sinh miệng, họng không đúng cách”.

Các bậc cha mẹ cần chú ý vệ sinh tai mũi họng cho bé

Bác sĩ Tống Trường Ký, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đắk Song cho biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến mắc các bệnh lý tai mũi họng là do các yếu tố về thay đổi thời tiết, môi trường sống, khói bụi, nhất là hậu quả do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 những năm gần đây. Tai mũi họng chính là "cửa ngõ" đầu tiên để các vi rút, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh, nên việc bảo vệ các "cửa ngõ" đúng cách rất quan trọng.

ADQuảng cáo

Theo bác sĩ Tống Trường Ký, phương pháp xông và rửa mũi được nhiều người áp dụng, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, nhiều người đã lạm dụng phương pháp này, xông mũi bằng nhiều loại tinh dầu như tỏi, gừng, sả... với tần suất nhiều lần trong ngày, dẫn đến bỏng rát niêm mạc mũi. Rửa mũi là một phương pháp để vệ sinh đường hô hấp, nhưng làm thường xuyên và không đúng cách có thể khiến mũi bị nhiễm trùng nếu dụng cụ không được sát khuẩn sạch. Bên cạnh đó, rửa mũi thường xuyên bằng nước muối sẽ làm khô dịch mũi tự nhiên, đây là dịch có tác dụng bôi trơn niêm mạc, ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn và bụi bẩn.

Bác sĩ Chử Thị Thủy, Trưởng Khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông) khuyến cáo: “Bệnh tai mũi họng là nhóm bệnh phổ biến nhưng nếu không được khám và điều trị đúng thì bệnh sẽ dai dẳng, hay tái phát, tốn kém chi phí điều trị, khiến người bệnh mệt mỏi, căng thẳng, suy giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí một số bệnh gây biến chứng nguy hiểm đến cả tính mạng”.

Để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh về tai mũi họng, nhất là những người có tiền sử mắc các bệnh về tai mũi họng, trẻ em có sức đề kháng kém, cần đặc biệt chú trọng hơn trong việc bảo vệ các "cửa ngõ", thực hiện các biện pháp đeo khẩu trang hay che chắn vùng mặt khi đi ra ngoài.

Cùng với thường xuyên vệ sinh tay bằng xà bông, dung dịch sát khuẩn; vệ sinh nhà cửa thông thoáng sạch sẽ, môi trường sống, hạn chế tiếp xúc khói bụi và khói thuốc lá; uống đủ nước, giữ ấm cơ thể, vệ sinh họng miệng hằng ngày người dân cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng, vận động tập thể dục thể thao, không nên tự ý mua thuốc uống, cần đi khám và điều trị tại các cơ sở y tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo vệ các "cửa ngõ" đúng cách rất quan trọng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO