Bệnh sốt xuất huyết gia tăng mạnh

Vũ Trang| 30/06/2016 10:29

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tính đến ngày 19/6, toàn tỉnh ghi nhận có 426 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại 53/71 xã, phường, thị trấn, tăng gần 76% so với cùng kỳ năm trước.

ADQuảng cáo

Các địa phương có bệnh nhân mắc SXH cao là Gia Nghĩa, Đắk R’lấp, Đắk Mil, Krông Nô. Điều đáng nói, trong khi bệnh SXH đang có chiều hướng gia tăng thì nhiều người dân vẫn còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Tại thị xã Gia Nghĩa, đến nay, bệnh SXH đã xuất hiện ở tất cả các xã, phường, với 129 trường hợp mắc bệnh, tăng 124 trường hợp so với cùng kỳ năm trước, tập trung nhiều nhất tại các phường Nghĩa Thành, Nghĩa Trung và Nghĩa Tân.

Theo anh Nguyễn Quang Trung, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm Y tế thị xã) thì bệnh SXH thường bùng phát theo chu kỳ, khoảng 4-5 năm/lần. Trên địa bàn thị xã, các yếu tố dịch tễ đã tiềm ẩn từ cuối năm 2015, nay gặp điều kiện thuận lợi nên gia tăng nhanh chóng.

Bên cạnh đó, đặc điểm của muỗi vằn truyền bệnh SXH là thích đẻ trứng ở những nơi đọng nước sạch như lọ hoa trong nhà, bể chứa nước mưa, dụng cụ chứa nước sinh hoạt không đậy nắp hoặc những dụng cụ phế thải xung quanh nhà có chứa nước mưa...Vì vậy, chỉ cần người dân chủ quan, không quan tâm vệ sinh môi trường thì sẽ tạo ra điều kiện để muỗi sinh sản, phát triển.

Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy, việc tham gia phòng, chống bệnh của người dân vẫn chưa được tích cực, chủ động. Mặc dù nhân viên y tế thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy.

Đắk R’lấp cũng là địa phương có số bệnh nhân mắc SXH cao, với 110 trường hợp, tăng 108 trường hợp so với cùng kỳ.

ADQuảng cáo

Bác sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, chuyên trách Chương trình phòng, chống SXH của huyện cho biết: “Thực tế, ngoài các nguyên nhân như biến động dân cư, yếu tố dịch tễ, thời tiết diễn biến thất thường thích hợp cho sự phát triển của các tác nhân truyền bệnh thì ý thức chủ quan, lơ là của người dân cũng chính là yếu tố làm cho bệnh SXH gia tăng”.

Một thực tế nữa là hiện nay, kiến thức về bệnh SXH của người dân vẫn còn khá mơ hồ. Nhiều trường hợp chỉ đến cơ sở y tế khám và điều trị khi bệnh đã trở nặng.

Bác sĩ Cao Thị Tài, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Đến nay, khoa đã tiếp nhận điều trị cho gần 300 bệnh nhân mắc bệnh SXH. Hầu hết bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao liên tục, xuất huyết dưới da, xuất huyết chân răng... Nhiều trường hợp bệnh đã rất nặng, gây khó khăn trong công tác điều trị”.

Trước tình hình bệnh SXH có chiều hướng tăng mạnh, ngành Y tế cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế các trường hợp mắc bệnh. Cụ thể, ngành đã tổ chức 70 đợt giám sát định kỳ hàng tháng để đánh giá tình hình biến động véc tơ truyền bệnh SXH tại vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao.

Qua giám sát ghi nhận có 18 ổ dịch SXH tại 5/8 huyện, thị xã. Tại các ổ dịch xác định có sự lưu hành của tuýp vi rút Den-1, Den-2, Den-4. Bên cạnh đó, các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường cũng được tăng cường.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng tham mưu với UBND các xã, phường, thị trấn ban hành quyết định thành lập nhóm hoặc tổ để quản lý cụm dân cư theo hộ gia đình. Trong đó, mỗi người phụ trách từ 12-25 gia đình để giám sát việc thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng.

Theo nhận định của ngành Y tế thì trong điều kiện thời tiết đang bước vào mùa mưa, bệnh SXH sẽ tiếp tục có chiều hướng tăng nhanh, nên  các hoạt động phòng, chống bệnh cần được chú trọng. Trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những hoạt động cần được ưu tiên hàng đầu.

Ngoài các hình thức như phát thanh, treo băng rôn, cán bộ y tế phải thường xuyên phối hợp với các đoàn thể địa phương đến từng hộ gia đình để cấp phát tài liệu truyền thông và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh. Công tác điều tra, giám sát véctơ truyền bệnh, phun hóa chất diệt muỗi tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ bùng phát dịch phải được tập trung đẩy mạnh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ổ bệnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh sốt xuất huyết gia tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO