Cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc phòng chống dịch bệnh

NGÔ ĐỒNG thực hiện| 12/08/2022 06:30

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội trong công tác phòng chống dịch bệnh nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”. Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi nhanh với đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

PV: Thưa đồng chí, tới đây tỉnh sẽ tổ chức Lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, đồng chí cho biết mục đích và ý nghĩa của Lễ phát động ?

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Với kết quả và tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hiện nay trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khá cao, đứng thứ 6 toàn quốc và đứng đầu khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tuy nhiên, trước các nguy cơ bùng phát dịch Covid-19, nhất là các biến thể mới và cũng để Nhân dân nhận thức đầy đủ về tác dụng của vắc xin nhằm chủ động phối hợp với các cấp trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tham gia tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

UBND tỉnh, BCĐ cấp tỉnh tổ chức Lễ phát động để nâng cao nhận thức, sự quan tâm và tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các tầng lớp Nhân dân tỉnh nhà trong tham gia tiêm vắc xin phòng Covid-19. Từ đó góp phần ngăn ngừa sự bùng phát dịch bệnh, giảm các biến chứng và chuyển nặng khi mắc Covid-19 nhất là trên các đối tượng người già, trẻ em, người có bệnh nền… Đắk Nông quyết tâm không để bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng cường và duy trì miễn dịch cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, bảo đảm an ninh quốc phòng”.

Đồ họa: Hồng Duyên

PV: UBND tỉnh, BCĐ phòng, chống dịch bệnh ở người cấp tỉnh có những chỉ đạo như thế nào để triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin thưa đồng chí?

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: UBND tỉnh, BCĐ phòng, chống dịch bệnh ở người cấp tỉnh tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ Quốc gia trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bảo đảm không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân.

Bám sát chỉ tiêu, mục tiêu mà Chính phủ, Bộ Y tế giao để cụ thể hóa chỉ đạo bằng văn bản, hội nghị để triển khai sát, nắm bắt kịp thời kết quả tiêm vắc xin của các huyện, thành phố để chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc; giao chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện, thành phố và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về tiến độ và chất lượng, hiệu quả tiêm vắc xin Covid-19.

ADQuảng cáo

Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vắc xin Covid-19, hoàn thành tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi trong tháng 8 năm 2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng để hoàn thành sớm nhất việc tiêm vắc xin cho các đối tượng.

Chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tác dụng, hiệu quả của vắc xin trong ngăn ngừa bệnh nặng, tử vong để khuyến khích, vận động người dân chủ động tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Tổ chức lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

PV: Cùng với dịch Covid-19, hiện nay dịch sốt xuất huyết, dịch đậu mùa khỉ đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tỉnh đã có chỉ đạo như thế nào để bảo đảm không để xảy ra dịch chồng dịch trên địa bàn tỉnh?

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh: Cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thì bệnh sốt xuất huyết Dengue đang có xu hướng gia tăng và dịch bệnh đậu mùa khỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm nhập vào tỉnh ta. Do vậy, để bảo đảm không để xảy ra tình trạng “dịch chồng dịch”, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội trong công tác phòng chống dịch bệnh cụ thể:

Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết: UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền người dân về tình hình dịch bệnh. UBND tỉnh giao chính quyền các cấp thành lập các tổ phòng, chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết Dengue cũng như các dịch bệnh truyền nhiễm khác; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, các khu vực có nguy cơ cao, các ca bệnh trong cộng đồng để triển khai kịp thời các biện pháp nhằm ngăn chặn sớm, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp trước UBND tỉnh về công tác phòng chống dịch trên địa bàn quản lý. Sở Y tế chủ động triển khai các biện pháp xử lý kịp thời, triệt để hạn chế không để dịch kéo dài và lan rộng; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền phục vụ tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

Đối với bệnh đậu mùa khỉ: Đây là một bệnh mới nổi đang lan rộng tại nhiều nước trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan ban ngành. Trong đó, tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tăng cường kiểm soát các trường hợp xuất nhập cảnh. Ngành Y tế chủ động đẩy mạnh công tác giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ tại cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng để lấy mẫu gửi tuyến trên làm xét nghiệm khẳng định, đồng thời cũng chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch chủ động và kịp thời tiếp nhận, cách ly, điều trị các trường hợp nghi ngờ và mắc bệnh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc phòng chống dịch bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO