Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu đang được triển khai tích cực, rộng khắp

Ngô Đồng thực hiện| 11/12/2020 08:34

Sau hơn 130 ngày Đắk Nông không ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm vi khuẩn bạch hầu, ngành Y tế tỉnh hiện đã và đang triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu trên diện rộng theo Quyết định số 3054 của Bộ Y tế. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông

Pv: Bác sĩ hãy cho biết tình hình kiểm soát bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này như thế nào?

Bs Đặng Thành: Ngày 8/6/2020, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ca bệnh bạch hầu đầu tiên tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nhà May Mắn ở huyện Krông Nô. Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã nhanh chóng truy vết, điều tra, khoanh vùng ca bệnh, theo dõi điều trị và thực hiện các biện pháp cần thiết để dập dịch.

Tuy nhiên, tính đến ngày 30/8, toàn tỉnh ghi nhận 14 ổ dịch bạch hầu với 39 trường hợp nhiễm bệnh, 2 trường hợp tử vong. Cụ thể, huyện Krông Nô 11 ca, huyện Đắk Glong 19 ca, huyện Đắk Rlấp 3 ca và huyện Tuy Đức 6 ca.

Đến nay, sau hơn 130 ngày không ghi nhận thêm ca bệnh, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát: 37/39 trường hợp nhiễm bệnh đã được điều trị khỏi bệnh; 100% những trường hợp nghi ngờ đã hết thời gian cách ly, theo dõi điều trị; 14/14 ổ dịch đã kết thúc hoạt động. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, hầu hết các bệnh nhân đều chưa tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc có tiêm chủng nhưng không đủ liều theo quy định.

Pv: Thực hiện Quyết định số 3054 của Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông, ngành Y tế tỉnh đã triển khai như thế nào, thưa bác sĩ?

Bs Đặng Thành: Thực hiện Quyết định số 3054 ngày 15/7/2020 của Bộ Y tế và được sự hướng dẫn, chỉ đạo của các đơn vị cấp trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhanh chóng ban hành kế hoạch, triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và được chia thành 3 giai đoạn.Ở giai đoạn 1, Trung tâm phối hợp với các đơn vị y tế địa phương triển khai tiêm chủng cho tất cả đối tượng từ 49 tháng tuổi trở lên tại 9 xã thuộc 4/8 huyện có ghi nhận ca bệnh bạch hầu là Krông Nô, Đắk R’lấp, Đắk Glong, Tuy Đức. Thời gian triển khai từ tháng 6-10/2020 và đã thực hiện xong, với 70.022 đối tượng được tiêm.

Trong giai đoạn 2, Trung tâm tiếp tục triển khai tiêm chủng cho 27/36 xã còn lại thuộc 4 huyện có ghi nhận ca bệnh bạch hầu gồm Krông Nô, Đắk Glong, Đắk R’lấp, Tuy Đức. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai tiêm chủng đợt 1 của giai đoạn 2 tại 8/36 xã còn lại thuộc 4 huyện nói trên. Sau đó, đợt 2 của giai đoạn 2 sẽ triển khai 19/36 xã còn lại trong tháng 12/2020, với cả 2 đợt là 211.050 đối tượng được tiêm.

ADQuảng cáo

Giai đoạn 3, vào những tháng đầu năm 2021, Trung tâm sẽ triển khai tiêm chủng tại 4/8 huyện, thành phố còn lại gồm Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Gia Nghĩa, với 319.925 đối tượng.

Tùy theo tình hình dịch bệnh bạch hầu và nguồn vắc xin được cung ứng, Trung tâm sẽ điều phối số lượng vắc xin để các đơn vị triển khai chiến dịch tiêm chủng phù hợp.

Pv: Bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân về việc tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống bệnh bạch hầu?

Bs Đặng Thành: Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân, hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: DPT-VGB-Hib (ComBe – Five/SII), Td trong tiêm chủng thường xuyên, hoặc có thể tiêm các loại vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ có thành phần bạch hầu như: Pentaxim, Hexaxim, Infanrix Hexa…..đầy đủ, đúng lịch.

Người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Pv: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu đang được triển khai tích cực, rộng khắp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO