Chủ động phòng chống và điều trị sốt xuất huyết

Tường Nhiên| 06/07/2022 09:18

Thời gian qua, sốt xuất huyết xuất hiện ở các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Để ngăn chặn bệnh bùng phát thành dịch việc kết hợp nhiều biện pháp phòng và điều trị được đánh giá mang lại hiệu quả tích cực.

ADQuảng cáo

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền vi rút Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp. Bệnh sốt xuất huyết dạng nặng có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột và có thể dẫn đến tử vong.

Đối với tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm 2022 đến nay, đã ghi nhận hơn 200 trường hợp sốt xuất huyết tại tất cả 8 huyện, thành phố, không có trường hợp tử vong. Nhóm tuổi mắc sốt xuất huyết dưới 15 tuổi chiếm 5,7%, nhóm trên 15 tuổi chiếm 94,3%.

Bác sĩ Trương Văn Minh, Chủ tịch Hội Đông y Đắk Nông giới thiệu một số vị thuốc nam trong hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết

Cho đến nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu hoặc vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Việc điều trị bệnh sốt xuất huyết thường dùng phương pháp Tây y. Tuy nhiên, nếu bệnh ở thể nhẹ và ở giai đoạn đầu có thể dùng một số bài thuốc nam để điều trị, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.

ADQuảng cáo

Bác sĩ Trương Văn Minh, Chủ tịch Hội Đông y Đắk Nông cho biết: “Sốt xuất huyết được chia làm 4 độ và mỗi độ có cách điều trị khác nhau. Do đó, khi bệnh nhân ở giai đoạn độ 1, độ 2 tức là giai đoạn nhẹ, không có sốc, có thể sử dụng một số vị thuốc nam để điều trị, trong đó sử dụng cây kim ngân hoa nấu nước uống có tác dụng thanh nhiệt giải độc tốt. Mặt khác, các vị thuốc nam có ưu điểm là lành tính, tiện dụng, ít tốn kém về kinh tế và tránh được hiện tượng “nhờn thuốc”.

Theo đó, ngoài cây kim ngân hoa, một số cây dễ kiếm như dâu tằm, cỏ mần trầu, cỏ mực hay còn gọi là cỏ nhọ nồi… là những vị thuốc thường được dùng để điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết độ 1, độ 2. Tuy nhiên, bác sĩ Minh lưu ý, các vị thuốc trên chỉ được sử dụng khi không bị nhiễm thuốc trừ sâu, diệt cỏ. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai khi mắc sốt xuất huyết không tự ý dùng thuốc đông y, thuốc nam khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Bệnh nhân sốt xuất huyết ở cấp độ 3, độ 4 thì nhanh chóng vào viện để y học hiện đại can thiệp điều trị.

Lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng để diệt loăng quăng/bọ gậy

Cùng với tận dụng ưu thế của thuốc nam để điều trị, theo các chuyên gia, bác sĩ thì hiện nay vào mùa mưa, được xem là thời điểm dễ gây bùng phát dịch sốt xuất huyết cũng như lây truyền rất nhanh trong cộng đồng. Do đó, cùng với sự nỗ lực của ngành Y tế để phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và ủng hộ nhiệt tình từ phía người dân.

Trước hết, cần loại bỏ nơi sinh sản của muỗi bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước; lật úp dụng cụ chứa nước không sử dụng; diệt loăng quăng/bọ gậy; thả cá vào nơi chứa nước để cá ăn muỗi và ấu trùng muỗi. Ngoài ra, cần thường xuyên vệ sinh môi trường; phun thuốc diệt muỗi quanh khu vực sinh sống; thực hiện giải pháp nằm màn, chống muỗi đốt…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng chống và điều trị sốt xuất huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO