Công tác tiêm chủng vẫn còn những thách thức

Vũ Trang| 07/03/2016 15:18

Những năm qua, ngành Y tế đã có nhiều nỗ lực triển khai và duy trì thường xuyên công tác tiêm chủng mở rộng, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc khống chế, giảm nguy cơ mắc bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiện nay, công tác tiêm chủng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

ADQuảng cáo

Người dân đưa con đi tiêm phòng tại Trạm y tế xã Buôn Choáh (Krông Nô)

NGƯỜI DÂN CÒN BĂN KHOĂN THIẾU THÔNG TIN

Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, một trong những “rào cản” quan trọng nhất, ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng, đó là nhận thức và sự hiểu biết của người dân còn hạn chế. Nhiều người dân chia sẻ, có nhiều nguyên nhân khiến họ không muốn đưa con đi tiêm chủng như lo ngại về những phản ứng sau tiêm, về sự an toàn của vắc xin, không tin tưởng nhân viên y tế, nghi ngờ sự cần thiết của tiêm chủng, trẻ tiêm quá nhiều mũi, đông người, chờ đợi lâu...

Chị Nguyễn Thị Lũy, ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) cho biết: “Trước thông tin trẻ bị tai biến sau tiêm chủng vắc xin Quinvaxem, vắc xin phòng bệnh viêm gan B tại một số địa phương làm cho các bậc phụ huynh hết sức lo lắng. Chúng tôi phân vân không biết có nên đưa con đi tiêm hay không?”.

Bên cạnh tiêm chủng mở rộng, những năm gần đây, một bộ phận trẻ được cha mẹ đưa đi tiêm vắc xin dịch vụ. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều do người dân vẫn chưa được tiếp cận tốt với thông tin về việc tiêm các loại vắc xin này.

Chị Nguyễn Thị Thu ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cho biết: “Chỉ đến khi con gái bị mắc bệnh thủy đậu tôi mới biết căn bệnh này có vắc xin phòng ngừa. Từ trước đến nay, tôi chỉ đưa con đi tiêm phòng theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, còn những loại vắc xin ngoài chương trình thì tôi thực sự không hề biết. Cán bộ y tế cũng không thấy tư vấn gì”.

Không riêng chị Thu mà đây còn là chia sẻ của nhiều người dân khác. Chị Trần Thị Thuyết ở phường Nghĩa Trung cũng nói: “Mới đây, khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về bệnh viêm màng não mô cầu, tôi mới biết đến loại bệnh này và việc phòng, chống bằng cách tiêm vắc xin. Thế nhưng, khi hỏi nhiều bạn bè có con nhỏ về điểm tiêm phòng loại vắc xin này thì ai nấy cũng mơ hồ như tôi”.

Thực tế cho thấy, một bộ phận khá lớn người dân chưa có thông tin đầy đủ liên quan tới vắc xin và tiêm chủng, dẫn tới các làn sóng tâm lý biến động kiểu “đám đông”. Cụ thể, khi xảy ra tai biến sau tiêm, người dân không tin cậy vào an toàn tiêm chủng, từ đó không đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch. Thế nhưng, mỗi khi có nguy cơ xảy ra loại dịch, bệnh nào, người dân lại đổ dồn đi tiêm chủng bằng mọi cách, gây nên tình trạng thiếu vắc xin hoặc “quá tải” ở một số điểm tiêm chủng...

ADQuảng cáo

KHÓ TIẾP CẬN

Bên cạnh việc nhận thức của người dân còn hạn chế, công tác tiêm chủng hiện cũng đang gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực...Hiện toàn tỉnh có 71 điểm tiêm chủng cố định (trạm y tế) và 110 điểm tiêm chủng ngoại trạm.

Đối với các cơ sở tiêm chủng cố định, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là về điều kiện cơ sở vật chất, không đạt so với tiêu chuẩn. Nhiều  trạm y tế xã đã xuống cấp, chật hẹp, không đủ diện tích để kê bàn, ghế ngồi chờ, bàn thực hiện kỹ thuật tiêm chủng và nơi theo dõi sau tiêm. Còn đối với các cơ sở tiêm chủng ngoại trạm, phần lớn là mượn nhà họp thôn, bản hoặc nhà dân nên thiếu các tài liệu chuyên môn, không treo, dán đầy đủ các bảng, biểu, áp phích tiêm chủng theo đúng quy định.

Đặc biệt, hiện nay, mỗi trạm y tế chỉ có bình quân 7-9 cán bộ, nhân viên nên để thực hiện việc tiêm ngoại trạm theo quy định là rất khó khăn. Thêm vào đó, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác y tế dự phòng chưa phù hợp, nên chưa thu hút được người có năng lực làm việc trong lĩnh vực dự phòng nói chung và tiêm chủng nói riêng…

 Đối với loại hình tiêm chủng dịch vụ, giá bán của một số loại vắc xin còn cao, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều người dân trên địa bàn. Đơn cử, để dùng đủ một liều vắc xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp cần phải tốn khoảng 1,5 triệu đồng cho một trẻ. Số tiền này là quá sức đối với nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh, nhất là các gia đình ở vùng nông thôn.

CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

Tiêm chủng là việc làm hết sức cần thiết nhằm tạo miễn dịch cơ bản để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ. Để nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng, giải pháp quan trọng nhất là duy trì bền vững mạng lưới cơ sở tiêm chủng mở rộng từ tỉnh đến các thôn, bon. Các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cũng cần được tổ chức rộng rãi hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêm chủng cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau, nhất là các gia đình có khả năng và nhu cầu tiêm chủng các loại vắc xin. 

Công tác thông tin, tuyên truyền các kiến thức liên quan đến vắc xin và tiêm chủng cần được tiếp tục triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đặc biệt thực hiện kế hoạch an toàn tiêm chủng của Bộ Y tế, Sở y tế cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động quản lý tiêm chủng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng...

Ngành Y tế cũng khuyến cáo, việc phản ứng sau tiêm như là một phần tất yếu khó tránh khỏi của tiêm chủng. Vì vậy, trước khi đưa trẻ đi tiêm chủng, các bậc phụ huynh cần chủ động tìm hiểu rõ về việc tiêm chủng, thông báo về tình trạng sức khỏe của con em mình để cán bộ y tế cân nhắc trước khi tiêm hoặc hoãn lịch tiêm. Quan trọng hơn là cán bộ y tế cần hướng dẫn, tư vấn cho gia đình theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm, nếu có những triệu chứng bất thường thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để kịp thời xử lý, điều trị.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác tiêm chủng vẫn còn những thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO