Đội ngũ y tế dự phòng thầm lặng cống hiến

Vũ Trang| 31/08/2017 09:35

Mặc dù không trực tiếp tham gia vào công tác khám, chữa bệnh, nhưng đội ngũ cán bộ y tế dự phòng (YTDP ) vẫn ngày đêm bám trụ địa bàn, tích cực hướng dẫn người dân phòng, chống dịch bệnh, góp phần quan trọng vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

ADQuảng cáo

Cán bộ y tế xã Đắk Som (Đắk Glong) cho trẻ uống vắc xin bại liệt tại điểm tiêm chủng ngoại trạm thuộc cụm dân cư Đắk Nang

Lắm lúc “vắt chân lên cổ” mà chạy

Có dịp cùng với các cán bộ y tế của Trung tâm YTDP tỉnh trong những lần đi giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết, phun hóa chất xử lý ổ dịch tại một số địa phương trong tỉnh mới thấy hết những khó khăn, vất vả của cán bộ YTDP. Chẳng kể thời gian, chẳng ngại việc phải tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm hay hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe, hễ nhận được thông tin về một dịch bệnh, họ lại lập tức lên đường để điều tra dịch tễ, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó tham mưu cho ngành và địa phương về các biện pháp hữu hiệu nhằm khống chế, không để bệnh, dịch lây lan ra cộng đồng.

Theo bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh, đặc trưng lớn nhất trong hoạt động của hệ YTDP là công tác lưu động và hoạt động chống dịch tại cộng đồng. Bình thường chẳng nói làm gì, chứ mỗi khi dịch bệnh xảy ra thì cứ như là “vắt chân lên cổ” mà chạy, không quản nắng, mưa. Vất vả là thế, nếu không có sự tận tụy, nhiệt huyết, cán bộ YTDP thì khó lòng mà hoàn thành nổi công việc.

Anh Nguyễn Minh Nhật, Phó Trưởng Khoa Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng (Trung tâm YTDP tỉnh) cho biết thêm: “Vì đặc thù công việc liên quan đến cộng đồng nên đòi hỏi người cán bộ YTDP phải nhanh nhạy và tinh thần trách nhiệm cao”.

Bản thân anh Nhật được giao phụ trách Chương trình phòng, chống bệnh sốt rét từ năm 2006. Khi đó, tình hình bệnh sốt rét trên địa bàn diễn biến rất phức tạp. Để từng bước đẩy lùi bệnh, anh cùng các đồng nghiệp đã đến tận các địa bàn dân cư tìm hiểu, phân tích nguyên nhân mắc bệnh, từ đó, tham mưu với đơn vị triển khai các hoạt động phòng, chống một cách hiệu quả.

Đặc biệt, đối với bệnh sốt rét, các trường hợp mắc bệnh thường tập trung ở vùng sâu, vùng xa, biên giới nên hầu hết những lần đi công tác của anh đều kéo dài cả tuần. Thậm chí, không ít lần, để tuyên truyền, giám sát, phát hiện bệnh, anh cùng các đồng nghiệp phải lặn lội đi rừng, ngủ rẫy, thiếu cái ăn, nước uống... Nhưng rồi, chính những khó khăn, vất vả ấy lại là động lực để anh và các đồng nghiệp sát cánh cùng nhau bám trụ với nghề.

ADQuảng cáo

Anh Nguyễn Quan Linh, cán bộ Trung tâm y tế huyện Tuy Đức cũng nói: “Khó khăn bộn bề, nhưng hằng ngày, anh em chúng tôi vẫn thường động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Hơn nữa, làm công tác phòng, chống dịch bệnh cho cộng đồng, cũng là giúp cho cả gia đình mình nên phải làm tốt để bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng”.

Thực tế cho thấy, đội ngũ cán bộ YTDP chính là những người đầu tiên, trực tiếp và gần dân nhất để làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giám sát cũng như triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

YTDP phải là “cái gốc” phòng, chống bệnh

Song song với những kết quả đạt được, hoạt động YTDP trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn cán bộ chất lượng cao còn thiếu, đặc biệt là ở tuyến cơ sở. Kinh phí phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia ngày càng hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu thực tế. Trang thiết bị y tế  thực hiện chức năng YTDP còn thiếu và chưa đồng bộ. Ngoài ra, chế độ, chính sách cho cán bộ làm việc trong hệ YTDP chưa đủ sức thu hút. Thực tế, nhiều bác sĩ trẻ khi ra trường thường “né” ngành YTDP để tìm việc ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân... Một phần nguyên nhân là do bác sĩ ngành YTDP ít có cơ hội được tham gia công tác điều trị để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Trong câu chuyện với những cán bộ YTDP, không khó để cảm nhận được tâm trạng có chút “tủi thân” bởi sự chênh lệch về quyền lợi giữa những người làm công tác này với đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện, nhất là về thu nhập cũng như sự tôn vinh của xã hội. Một cán bộ YTDP từng chia sẻ: Việc thực hiện thành công một ca phẫu thuật khó ở bệnh viện sẽ được nhiều người biết đến và xã hội tôn vinh, nhưng một ổ dịch nguy hiểm được khống chế, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho hàng trăm người đôi khi không ai biết đến.

Theo Sở Y tế, hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là sự lây truyền của một số bệnh nguy hiểm chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc đặc trị đặc hiệu như Ebola, Zika, MERS-CoV... Một số bệnh trước đây đã được khống chế, nay có nguy cơ xuất hiện trở lại như: Sởi, viêm não... Thực tế trên đòi hỏi công tác YTDP phải được chú trọng, nâng cao chất lượng toàn diện.

Để làm được điều đó, điều quan trọng nhất là phải xây dựng một chiến lược phòng bệnh lâu dài. Theo đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh, ngành tập trung củng cố mạng lưới YTDP cơ sở, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực YTDP, triển khai mô hình “bác sĩ gia đình” để nâng cao năng lực phòng và điều trị bệnh tại cơ sở. Đặc biệt, trong công tác đổi mới toàn diện ngành y, cùng với hệ điều trị, ngành tích cực rà soát lại hệ thống tổ chức, đào tạo, chế độ đãi ngộ, sử dụng nguồn lực, cơ chế tài chính... để YTDP thực sự là “cái gốc” trong phòng, chống bệnh.

Theo đánh giá của ngành Y tế, những năm qua, với những nỗ lực không ngừng, hoạt động YTDP đã góp phần quan trọng và hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét, tiêu chảy, sởi... được kiểm soát. Ngoài ra, nhiều chương trình y tế khác cũng được triển khai rộng khắp và mang lại hiệu quả cao như: phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng, chống các bệnh xã hội...
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đội ngũ y tế dự phòng thầm lặng cống hiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO