Hạn chế chuyển tuyến khám, chữa bệnh: Nỗ lực xây dựng niềm tin

Vũ Trang| 15/12/2016 10:51

Lâu nay, mỗi khi đi khám chữa bệnh (KCB), một bộ phận người dân vẫn lựa chọn đến các bệnh viện tuyến trên. Mặc dù đó là quyền lựa chọn của mỗi người, nhưng thực tế có cần thiết phải chuyển tuyến như vậy hay không?

ADQuảng cáo

Lắm lúc không cần thiết

Ông Nguyễn Văn Tùng ở phường Nghĩa Tân (TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) bị viêm quanh khớp vai. Theo quy định, bệnh của ông Tùng không có trong danh mục chuyển tuyến. Thế nhưng, ông Tùng vẫn chạy đôn chạy đáo nhờ người quen xin giấy chuyển viện để được khám, điều trị tại bệnh viện tuyến trên.

Ông Tùng cho biết: “Tôi muốn chụp MR để biết kết quả chính xác hơn, nhưng bệnh viện tỉnh chưa triển khai kỹ thuật này. Vì vậy, tôi phải xin giấy  chuyển viện để được đến khám, điều trị ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP. Hồ Chí Minh)”.

Tuy nhiên, khác với ông Tùng, ông Trần Văn Quang ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) bị suy thận hơn 5 năm nay, những năm gần đây thường xuyên đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị vì bệnh viện đã được đầu tư thêm 6 máy chạy thận nhân tạo.

Ông Quang chia sẻ: "Với bệnh của tôi, mỗi tuần phải chạy thận 2-3 lần. Những năm trước, tôi phải mất rất nhiều chi phí đi lại, ăn ở... tại TP. Hồ Chí Minh. Giờ thì đỡ hơn rồi, tôi được điều trị ngay tại địa phương, tiết kiệm biết bao nhiêu chi phí, nên đi xa là không cần thiết".

Một bác sĩ công tác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng chia sẻ, ngoài công việc chăm sóc bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ nhiều khi cũng cảm thấy rất khó xử khi phải tìm đủ mọi cách giải thích, từ chối những người quen nhờ xin giấy chuyển viện. Trường hợp bệnh có trong danh mục được chuyển tuyến theo quy định của Bộ Y tế thì chẳng nói làm gì, nhưng rất nhiều trường hợp bệnh chữa trị được ở tuyến dưới, vậy mà người nhà vẫn có nhu cầu chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Nhiều người chưa rõ trong trường hợp nào thì cơ sở y tế tuyến dưới cho chuyển viện, trường hợp nào thì không, nhưng vẫn cứ nhờ người quen trong ngành “can thiệp”.

Các cơ sở y tế trên địa bàn quyết tâm nâng cao chất lượng khám, điều trị nhằm tạo niềm tin, sự hài lòng cho người bệnh.

ADQuảng cáo

Xúc tiến xây dựng “bệnh viện vệ tinh”

Liên quan đến vấn đề chuyển tuyến, Bộ Y tế đã có quy định rõ về danh mục các trường hợp được chuyển viện, nhưng thực tế, việc kiểm soát vấn đề này rất khó khăn. Theo thống kê của ngành Y tế, trong năm 2016, tỷ lệ chuyển tuyến tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chiếm khoảng 46,77%, vẫn xấp xỉ năm 2015.

Vì vậy, vấn đề đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu, yên tâm  điều trị đúng tuyến, không tạo dư luận xấu nhằm tăng áp lực, quá tải cho bệnh viện tuyến trên là điều cần thiết. Điều quan trọng hơn hết vẫn là việc nỗ lực xây dựng niềm tin. Ngoài việc tuân thủ theo quy chế chuyển tuyến để người dân không bị mất quyền lợi, các cơ sở KCB trên địa bàn cũng đang quyết tâm nâng cao chất lượng khám, điều trị nhằm tạo niềm tin, sự hài lòng cho người bệnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế thì việc lựa chọn nơi KCB là quyền của người dân khi họ có điều kiện. Điều quan trọng là ngành y tế phục vụ số đông người dân và qua thực tế cho thấy, những năm gần đây, các bệnh viện trong tỉnh vẫn có rất đông bệnh nhân đến KCB, nếu không muốn nói là “quá tải”.

Hiện nay, vấn đề chuyển tuyến tập trung chủ yếu tại các địa phương phía Bắc tỉnh gồm Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô, chiếm hơn 60% tổng số trường hợp chuyển viện toàn tỉnh. Nguyên nhân một phần là do các bệnh viện ở đây còn thiếu nhân lực, trang thiết bị... nên chưa triển khai được các kỹ thuật chuyên sâu để phục vụ người bệnh. Mặt khác, tại các địa phương này vẫn chưa xây dựng được một bệnh viện khu vực đủ năng lực, lại xa Bệnh viện Đa khoa tỉnh nên bệnh nhân có xu hướng chuyển lên điều trị tại Đắk Lắk. Trước thực tế đó, ngành Y tế đang nghiên cứu các giải pháp để xây dựng bệnh viện khu vực “đủ tầm” ở  hướng này nhằm đáp ứng tốt nhu cầu KCB của người dân.

Ngoài ra, ngành cũng bắt đầu xúc tiến triển khai Đề án “Bệnh viện vệ tinh”. Trong giai đoạn 2016-2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ được xây dựng trở thành “bệnh viện vệ tinh” của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Trong vòng 4 năm, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ đào tạo, chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh 4 gói kỹ thuật, gồm: Kỹ thuật kết hợp xương hiện đại; kỹ thuật vi phẫu; kỹ thuật nội soi khớp và kỹ thuật thay khớp.

Việc xây dựng “bệnh viện vệ tinh” được xem là “đòn bẩy” quan trọng giúp Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng như ngành y tế địa phương phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu, tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Đặc biệt, thông qua việc chuyển giao, áp dụng các kỹ thuật hiện đại, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế cao do các chuyên gia đầu ngành của tuyến trên thực hiện tại tỉnh nhà.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế chuyển tuyến khám, chữa bệnh: Nỗ lực xây dựng niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO