Hiệu quả Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

Vũ Trang| 15/06/2016 10:05

Thời gian qua, với việc đẩy mạnh nhiều hoạt động, từ truyền thông, tư vấn đến xét nghiệm, điều trị..., Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

ADQuảng cáo

Hơn 1 năm trước, chị X ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) phát hiện bản thân bị lây nhiễm HIV và trong khoảng thời gian này cũng biết mình mang thai. Sự hoang mang, lo lắng khi nghĩ đến đứa bé vừa mới phôi thai đã có nguy cơ mang trong mình “căn bệnh thế kỷ” đã làm chị nhiều lần muốn bỏ con.

Thế nhưng, được sự tư vấn của cán bộ, nhân viên y tế, chị đã tham gia chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Sau thời gian kiên trì, theo dõi, dự phòng sau sinh, chấp hành nghiêm ngặt các quy định, hướng dẫn của bác sĩ, vào tháng 4/2016, chị sinh em bé và hết sức vui mừng khi con mình không bị nhiễm HIV.

Tương tự, với nghị lực, sự kiên trì và tin tưởng vào đội ngũ y, bác sĩ mà chị T ở phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) cũng quyết định tham gia điều trị và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Kết quả, mới đây, gia đình chị cũng đón nhận niềm vui lớn khi đứa con chào đời hoàn toàn khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV.

Không riêng trường hợp của chị X và chị T mà từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh còn điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con thành công cho 2 trường hợp khác ở xã Thuận Hạnh (Đắk Song) và xã Đắk Lao (Đắk Mil).

Phụ nữ xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện

ADQuảng cáo

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thì thời gian qua, để nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV cũng như dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, Trung tâm đã tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn, xét nghiệm tự nguyện. Các hình thức truyền thông cũng ngày càng đa dạng, phong phú như treo panô, băng rôn, áp phích, cấp phát tờ rơi, tranh gấp, nói chuyện chuyên đề, thăm hộ gia đình, truyền thông lưu động...

Riêng trong năm 2015, toàn tỉnh đã tổ chức được 37 buổi truyền thông lưu động, cấp phát hơn 15.000 tờ rơi, tranh gấp, treo hơn 900 panô, băng rôn, áp phích... Đặc biệt, toàn tỉnh đã có hơn 9.600 phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV; trong đó, hơn 5.000 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV tự nguyện, qua đó phát hiện 3 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Theo các bác sĩ của Trung tâm thì việc tiến hành can thiệp sớm và phù hợp là yếu tố then chốt, quyết định tỷ lệ thành công trong điều trị dự phòng cho trẻ phơi nhiễm HIV. Tính đến nay, Trung tâm đã điều trị dự phòng cho 19 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, trong đó có 17 trường hợp âm tính với HIV.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, hiện nay, sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn rất khó kiểm soát. Sở dĩ như vậy là do nhiều cặp vợ chồng không biết tình trạng nhiễm HIV của nhau nên không thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm. Phụ nữ đến khi có thai mới phát hiện bản thân bị nhiễm HIV nên có những trẻ sinh ra bị nhiễm HIV. Vì vậy, việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phải được thực hiện một cách chặt chẽ, mới phát huy hiệu quả cao nhất.

Với mục tiêu, đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là tỷ lệ người dân nhận thức sâu về tác hại của HIV/AIDS trong độ tuổi từ 15- 49 đạt 80%; giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%, ngành Y tế đang tiếp tục tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, giáo dục tại cộng đồng. Công tác tư vấn, xét nghiệm miễn phí để phụ nữ trên địa bàn được tiếp cận tốt hơn với các thông tin, dịch vụ về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng như xác định tình trạng nhiễm HIV của bản thân cũng tiếp tục được tăng cường.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng thì còn rất cần sự phối hợp tích cực của các ngành, đoàn thể và toàn xã hội nhằm hạn chế tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con, hướng đến mục tiêu không còn trẻ em nhiễm HIV từ mẹ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO