Học sinh được hưởng lợi khi tham gia bảo hiểm y tế

Vũ Trang| 14/09/2017 09:14

Thời gian qua, với việc triển khai chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên, nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được chia sẻ gánh nặng viện phí khi không may bị tai nạn thương tích, mắc bệnh, nhất là mắc các bệnh mạn tính...

ADQuảng cáo

Việc thực hiện chính sách BHYT học sinh góp phần nâng cao chất lượng công tác y tế học đường.  (Trong ảnh: Các ngành chuyên môn phối hợp với tổ chức nhân đạo thế giới khám hệ vận động cho học sinh trên địa bàn huyện Đắk R'lấp)

 “Chiếc phao cứu sinh”

Đó là chia sẻ của nhiều phụ huynh học sinh khi con mình không may bị tai nạn thương tích, mắc bệnh mạn tính về tầm quan trọng của chiếc thẻ BHYT. Đơn cử như trường hợp của em Trịnh Vũ Nhật Minh (SN 2008), học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Nam Bình (Đắk Song).

Minh không may mắc bệnh ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn nên hầu như tháng nào cũng phải đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh, chi phí rất tốn kém. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, gia đình đã đưa Minh đi khám, điều trị bệnh gần 20 lần tại các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, với tổng số tiền gần 94 triệu đồng, nhưng được BHYT thanh toán hơn 75 triệu đồng.

Mẹ của Minh chia sẻ: “Chiếc thẻ BHYT chỉ mua vài trăm ngàn đồng, nhưng khi cần thiết, giá trị của nó lại lớn hơn gấp hàng trăm lần. Đặc biệt, đối với những trường hợp mắc bệnh nan y như con tôi, phải điều trị lâu dài với chi phí từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, chiếc thẻ BHYT vô cùng quan trọng”.

Tương tự, em Ngô Quốc Đặng (SN 2001), học sinh Trường THCS Phan Bội Châu, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) bị vẹo cột sống tự phát. Đặng được Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh. Chi phí điều trị hơn 144 triệu đồng, trong đó, BHYT thanh toán hơn 115 triệu đồng. Theo chia sẻ của người thân Đặng, hơn 144 triệu đồng là một số tiền lớn, nếu không có thẻ BHYT, gia đình thực sự không biết phải xoay xở như thế nào để có đủ tiền chữa bệnh cho con.

Trường hợp em Dương Thị Thu Vân (SN 2003), học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) cũng vậy, từ đầu năm đến nay, Vân phải đến các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh điều trị nhiều lần do không may mắc một số bệnh như: Viêm phúc mạc, liệt ruột và tắc ruột có thoát vị, tổn thương bên trong khớp gối, gãy xương chậm liền, nhiễm trùng vết thương sau chấn thương... Chi phí điều trị hơn 114 triệu đồng, trong đó, BHYT thanh toán hơn 91 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Mẹ Vân cho biết: “Năm học nào gia đình tôi cũng mua BHYT cho con phòng khi không may mắc bệnh. Không ngờ có lúc chiếc thẻ BHYT đã thực sự trở thành “chiếc phao cứu sinh” của gia đình tôi, đỡ đần phần lớn gánh nặng viện phí”.

Tổ chức khám răng định kỳ cho các cháu học sinh Trường mầm non Hoa Hướng Dương, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil)

Ý nghĩa nhân đạo và tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc

Câu chuyện của các học sinh nói trên cho thấy, thẻ BHYT có giá trị quan trọng như thế nào khi các em không may mắc bệnh hay bị tai nạn thương tích. Thực tế cho thấy, khi tham gia BHYT, học sinh được chi trả chi phí khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Đồng thời, các em còn được quyền chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường từ nguồn kinh phí do Quỹ BHYT trích cho y tế trường học.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, năm 2016 bằng nguồn quỹ BHYT, toàn tỉnh có hơn 30.700 lượt học sinh, sinh viên được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, với tổng số tiền hơn 6,3 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh cũng đã có hơn 15.300 lượt học sinh được khám, chữa bệnh bằng BHYT với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Trong đó, nhiều trường hợp mắc các bệnh nan y, mạn tính..., với chi phí điều trị lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, thẻ BHYT học sinh không chỉ giúp các em và gia đình giảm bớt gánh nặng viện phí khi không may mắc bệnh mà còn thể hiện ý nghĩa nhân đạo và tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc... Ngoài ra, việc thực hiện chính sách BHYT học sinh, sinh viên còn góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác y tế học đường. Vì vậy, mỗi bậc phụ huynh cần thấy rõ giá trị của BHYT, đồng thời nhận thức đây là chính sách an sinh xã hội, nhiều người hỗ trợ một người trong việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh.

Về phía ngành Bảo hiểm xã hội cũng luôn tích cực phối hợp với ngành Giáo dục, ngành Y tế đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao chất lượng, tạo thuận lợi cho người dân, học sinh khi tham gia khám, chữa bệnh bằng BHYT.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh được hưởng lợi khi tham gia bảo hiểm y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO