Lo ngại tật khúc xạ học đường gia tăng

Vũ Trang| 09/04/2018 10:10

Những năm gần đây, tỷ lệ trẻ em, học sinh mắc tật khúc xạ học đường ngày càng tăng về mức độ và số lượng, đòi hỏi các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề chăm sóc sức khỏe đôi mắt cho con cái.

ADQuảng cáo

Cán bộ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội khám mắt cho trẻ em

Thiếu kiến thức

Thời gian gần đây, anh Nguyễn Quốc Đăng ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) nhận thấy cậu con trai 5 tuổi thường xuyên nheo mắt, mỗi khi xem ti vi thường ngồi rất gần nên anh đã đưa cháu đi khám tại khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Tại đây, bác sĩ cho biết con trai anh bị cận thị.

Anh Đăng cho biết: “Vợ chồng tôi lo kinh doanh, buôn bán nên ít có thời gian chăm sóc, chơi đùa với con. Hàng ngày, vợ chồng tôi thường mở ti vi cho cháu xem hoạt hình, khi quấy khóc lại dỗ con bằng cách cho xem video, chơi điện tử trên điện thoại. Không ngờ những thói quen đó đã làm hại đến đôi mắt của con”.

Tương tự, con trai chị Nguyễn Thị Tuyết Loan ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) mới học lớp 2 nhưng đã bị cận thị và phải đeo kính. Thời gian gần đây, nghe con trai nói nhìn không rõ, chị Loan lại đưa cháu đến kiểm tra kính tại một phòng khám chuyên khoa mắt trên đường Hùng Vương. Chị Loan cho biết: “Cách đây hơn 5 tháng, cháu đi học về nói nhìn bảng không rõ nên tôi đưa đi kiểm tra thì cháu bị cận 1 độ. Mấy hôm nay cháu lại nói đeo kính vẫn không thấy rõ, khi đo mắt lại, kỹ thuật viên ở đây bảo đã tăng hơn 2 độ”.

Các bác sĩ ở phòng khám này cũng thừa nhận số trẻ em đến khám, cắt kính tại đây trong thời gian gần đây tăng nhiều so với trước. Không những vậy, các khách hàng cũ cũng hay quay lại với mức độ cận thị có phần nặng hơn chỉ trong thời gian ngắn.

Một thực tế nữa là hiện nay, mặc dù các thông tin về tật khúc xạ được đăng tải nhiều trên các phương tiện truyền thông nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn còn thiếu kiến thức, hiểu sai về tật khúc xạ làm cho bệnh của trẻ ngày càng nặng. Đơn cử như trường hợp chị Võ Thị Huê ở phường Nghĩa Trung có con gái 10 tuổi mắc tật khúc xạ. Mặc dù bác sĩ đã kê đơn kính nhưng chị Quế không cho con gái đeo kính vì quan niệm “không nên đeo kính, càng đeo nó sẽ càng tăng”. Thậm chí, chị Huê còn tìm thầy lang bấm huyệt... chữa cận thị cho con, kết quả, bệnh không những không khỏi mà còn nặng hơn.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, nhiều người dân còn tự ý dẫn con đến các cửa hàng kính thuốc để đo, lắp mắt kính khi nghi các cháu mắc tật khúc xạ. Thực tế hiện nay, nhiều cửa hàng kính không có đủ chứng chỉ hành nghề, nếu có cũng chưa bảo đảm về chuyên môn, tay nghề... Chưa kể công tác quản lý chất lượng và nguồn gốc kính, gọng kính hầu như đang bị thả nổi.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hàng năm, đơn vị đều tổ chức các đợt khám sức khỏe định kỳ cho học sinh tại một số trường học trên địa bàn tỉnh. Kết quả ghi nhận ban đầu cho thấy, tỷ lệ mắc các tật khúc xạ là khá cao. Điều đáng lo ngại là đối với cấp học càng cao, tỷ lệ mắc các tật khúc xạ càng nhiều. Theo thống kê chưa đầy đủ, đối với bậc học mầm non, tỷ lệ trẻ mắc bệnh chiếm 0,6%, đến bậc tiểu học tăng lên 1,2%, và ở bậc THPT là 17,8%.

Cần quan tâm từ sớm

Tật khúc xạ mà lứa tuổi học đường hay mắc phải là cận thị, viễn thị và loạn thị; trong đó cận thị là phổ biến nhất, chiếm tới 2/3 số ca mắc. Nguyên nhân dẫn đến tật khúc xạ ở trẻ là rất nhiều. Theo các bác sĩ công tác tại khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), nguyên nhân chính là do các cháu ít có thời gian cho mắt nghỉ ngơi.

Cùng với đó là những nguyên nhân khác như: Thiếu dinh dưỡng; học tập, đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng; kích thước bàn ghế, bảng không phù hợp; đọc sách, xem tivi, video, tiếp xúc với máy vi tính, chơi trò chơi điện tử nhiều và liên tục...Đặc biệt, hiện nhiều bố mẹ cho trẻ lệ thuộc quá nhiều vào các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, máy tính bảng. Không những vậy, nhiều trẻ còn dùng các thiết bị này khi đã lên giường đi ngủ trong điều kiện tắt đèn, thiếu sáng, buộc mắt phải điều tiết quá mức, lâu dần sẽ có nguy cơ dẫn tới mắc tật cận thị.

Tật khúc xạ nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn tới nhiều hậu quả như người bệnh bị nhược thị, lác, thậm chí giảm thị lực vĩnh viễn. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên chú ý chế độ học tập, vui chơi của trẻ một cách hợp lý, nhất là các hoạt động ngoài trời để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Đối với nơi học tập phải bảo đảm đủ ánh sáng, không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi nằm...

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt của trẻ, ngủ đủ tiếng, hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử, nhất là điện thoại vào ban đêm để tránh hại mắt. Phụ huynh cũng nên cho trẻ đi khám kiểm tra mắt 6 tháng một lần tại cơ sở y tế có chuyên khoa mắt hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều... để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lo ngại tật khúc xạ học đường gia tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO