Mạnh tay với “vấn nạn” rượu

Tường Mạnh| 17/04/2017 10:13

Chủ đề “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017 trên địa bàn tỉnh được xác định là “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”.

ADQuảng cáo

Mỗi năm mỗi chủ đề, nhưng sở dĩ năm nay, vấn đề rượu trở thành một phần của chủ đề “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” cũng xuất phát từ việc thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc rượu đã đến hồi báo động, khi mà ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu, gây chết người.

Có thể nói, việc sản xuất, sử dụng, hay nói một cách khác là tình trạng lạm dụng rượu ở Việt Nam lâu nay đã “có tiếng” trên thế giới. Việc sản xuất rượu tràn lan, với những thành phần độc tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng hầu như đã vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng.

Bất cứ ở đâu, từ thành thị cho đến thôn quê, chuyện sản xuất rượu đã trở thành chuyện thường ngày... ở huyện. Nhà nhà “vô tư” nấu rượu, người người “vô tư” uống rượu, chẳng chính quyền, cơ quan nào kiểm soát nổi, nên mới dẫn đến xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc rượu hết sức bi thương.

Vì vậy, một trong những mục tiêu của "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2017 là: Giải quyết căn bản tình trạng sử dụng tạp chất hay cồn công nghiệp trong sản xuất rượu; giảm thiểu tình trạng lạm dụng rượu; nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rượu; tăng cường thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu, nhất là tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.

ADQuảng cáo

Mục tiêu đặt ra là vậy, vấn đề còn lại là sự vào cuộc của chính quyền, ngành chức năng và toàn xã hội như thế nào để góp phần giảm thiểu tình trạng sản xuất, sử dụng rượu tràn lan trong thực tế mới là điều đáng nói.

“Kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”, không những là thông điệp truyền thông mà còn là sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân đối với các cơ quan chức năng trong quá trình thực thi công vụ nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của con người.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, những người thực thi công vụ phải thật sự công tâm, có trách nhiệm trước người dân, doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội bằng chính sự “cầm cân nảy mực” của mình, không để bất cứ tổ chức, cá nhân nào thao túng được. Nếu những người thực thi công vụ có hành vi tham nhũng, bao che, bảo kê cho các đối tượng vi phạm pháp luật cần phải được xử lý nghiêm minh, rõ ràng.

Mạnh tay với “vấn nạn” rượu cũng đồng nghĩa với việc người sản xuất, kinh doanh rượu phải nâng cao nhận thức, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp để pha chế, chế biến rượu cho người sử dụng.

Người sử dụng cũng cần phải hiểu rõ tác hại của việc sử dụng, lạm dụng rượu, nhất là rượu pha bằng hóa chất, cồn công nghiệp, rượu có hàm lượng methanol cao. Đặc biệt, lực lượng thực thi công vụ phải thật sự công bằng trong kiểm tra, xử lý, không được “bên trọng bên khinh”, góp phần giữ gìn kỷ cương, phép nước, phát huy tinh thần thượng tôn pháp luật.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạnh tay với “vấn nạn” rượu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO