Ngành Y tế tăng cường năng lực để ứng phó với biến đổi khí hậu

Vũ Trang| 04/07/2019 09:34

Hiện nay, tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân, làm gia tăng các loại dịch, bệnh nguy hiểm. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về BĐKH cũng như tình hình dịch bệnh, lựa chọn các mô hình cung cấp dịch vụ y tế đang là vấn đề được ngành Y tế cũng như toàn xã hội hết sức quan tâm.

ADQuảng cáo

BĐKH làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, nhất là ở người già và trẻ em (Ảnh: Người cao tuổi khám bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Nguy cơ gia tăng các dịch bệnh

Theo đánh giá của ngành Y tế, khí hậu diễn biến bất thường là những điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển. Cụ thể, BĐKH làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như: sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng… và tăng tỷ lệ nhập viện, nhất là ở người già và trẻ em. Các nghiên cứu cho thấy, khi nhiệt độ tăng 100C, nguy cơ mắc sốt xuất huyết tăng 7-11%, mắc bệnh tay chân miệng tăng 5,6%, số ca tiêu chảy tăng 1,5% và số trẻ em nhập viện tăng 3,4 - 4,6%.

Thực tế, trong vài năm trở lại đây, nhiều ổ dịch liên tục xuất hiện trong cả nước. Thậm chí, một số bệnh truyền nhiễm đã được khống chế từ lâu như ho gà, uốn ván, liên cầu lợn, dại, viêm não virus...  nay lại có dấu hiệu quay trở lại. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 18,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 70,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 3 trường hợp tử vong; 255 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút, trong đó có 10 trường hợp tử vong; 27,4 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 4,7 nghìn trường hợp dương tính với bệnh sởi...

Nâng cao khả năng ứng phó

ADQuảng cáo

Trước thực trạng trên, Việt Nam đang nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, cảnh báo các nguy cơ, tăng khả năng ứng phó với thiên tai thảm họa để giảm tối đa ảnh hưởng của BĐKH đến sức khỏe cộng đồng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tại nhiều địa phương trong cả nước, ngành Y tế đã xây dựng những kế hoạch cụ thể để đối phó với tình trạng dịch bệnh đang ngày càng gia tăng.

Riêng tại tỉnh Đắk Nông, ngày 12/6/2019, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 304/KH-UBND về việc hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2019-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 của ngành Y tế tỉnh Đắk Nông. Kế hoạch nhằm nâng cao khả năng ứng phó với BĐKH của ngành y tế, từ đó phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của môi trường, BĐKH ảnh hưởng tới hệ thống y tế và sức khỏe, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

Cụ thể, đến năm 2030, ngành xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong công tác ứng phó với BĐKH; nâng cao nhận thức và năng lực của cán bộ y tế và cộng đồng trong việc bảo vệ sức khỏe và ứng phó với BĐKH; tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH của hệ thống y tế, ưu tiên hệ thống y tế cơ sở. Tầm nhìn đến năm 2050, công tác ứng phó với BĐKH được tích hợp vào các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch từng giai đoạn và hàng năm của ngành. Hệ thống y tế có đủ năng lực, nguồn lực để ứng phó một cách chủ động và hiệu quả đối với các tác động của BĐKH đến sức khỏe. Năng lượng xanh, năng lượng tái tạo được sử dụng phổ biến nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong các cơ sở y tế.

Kế hoạch cũng đã đề ra một số giải pháp trọng tâm: Truyền thông, giáo dục và đào tạo nâng cao năng lực; xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng phó với BĐKH và các hiện tượng thời tiết cực đoan; tăng cường nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh hợp tác giữa các tỉnh và xã hội hóa; giải pháp về tài chính, tổ chức quản lý, phối hợp liên ngành…Cùng với các hoạt động trên, ngành sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH của các đơn vị, đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện để đề ra những giải pháp phù hợp cho các giai đoạn tiếp theo.

Theo Sở Y tế, quá trình triển khai kế hoạch chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động là cơ hội để ngành Y tế tiến hành rà soát, đánh giá, đầu tư, thực hiện các quy hoạch, kế hoạch về phát triển hệ thống y tế một cách toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, ứng phó với các tác động của BĐKH.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Y tế tăng cường năng lực để ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO