Nghiên cứu, phát triển mô hình Bác sĩ gia đình

Vũ Trang| 13/12/2016 11:01

Với mục tiêu chăm sóc toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng ngay tại cơ sở, từ năm 2014, Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai Đề án “Bác sĩ gia đình” (BSGĐ). Đề án BSGÐ đã bước đầu được triển khai thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, với nhiều mô hình khác nhau như Trung tâm BSGÐ, phòng khám BSGÐ...

ADQuảng cáo

Theo quy định của Bộ Y tế, BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành có chức năng cơ bản là cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe trực tiếp và liên tục cho các thành viên trong hộ gia đình; quản lý, cung cấp toàn bộ các dịch vụ chăm sóc y tế, hoặc hỗ trợ cho các thành viên của hộ gia đình được sử dụng các nguồn lực y tế và dịch vụ xã hội khác...

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở Trạm y tế xã Buôn Choáh (Krông Nô).

ADQuảng cáo

Theo bác sĩ Trần Quang Hào, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông, mô hình BSGĐ khi được quan tâm và phát triển sẽ đạt được nhiều mục tiêu. Cụ thể, mô hình nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, tích cực; giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan; giảm “quá tải” bệnh viện và tiết kiệm được chi phí nằm viện, điều trị cho người bệnh; tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế... Với những lợi ích trên, Sở Y tế cũng đang nghiên cứu, chủ trương triển khai mô hình này trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc xây dựng và phát triển mạng lưới BSGĐ sẽ được triển khai lồng ghép với mạng lưới y tế sẵn có, bao gồm: Hệ thống phòng khám thuộc các cơ sở khám chữa bệnh công lập; phòng khám BSGĐ lồng ghép chức năng với trạm y tế xã, phường, phòng khám tư nhân để quản lý và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình.

Cũng theo bác sĩ Hào, hiện nay, các bệnh truyền nhiễm, suy dinh dưỡng trên địa bàn vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, nhóm các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân cũng tăng theo. Việc sàng lọc, theo dõi, quản lý, điều trị bệnh tại cộng đồng là hết sức cần thiết, đòi hỏi việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở ngày càng trở nên cấp bách. Vì vậy, chủ trương triển khai mô hình BSGĐ tại địa phương là cần thiết. Tuy nhiên, để mô hình này đi vào hoạt động hiệu quả, bên cạnh việc hoàn chỉnh mô hình, cần phải xác định quy mô, chức năng nhiệm vụ, phạm vi hoạt động chuyên môn. Điều trước tiên cần phải làm là tuyên truyền để người dân hiểu và phân biệt được sự khác nhau của BSGĐ với các bác sĩ ở phòng khám tư nhân, bác sĩ ở bệnh viện. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để đưa đến thành công của mô hình BSGĐ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu, phát triển mô hình Bác sĩ gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO