Phấn đấu loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng

Bài, ảnh: Vũ Trang| 10/12/2018 09:41

Với những giải pháp cụ thể, hiệu quả, những năm qua, tình hình mắc bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã giảm qua từng năm. Tuy nhiên, công tác phòng, chống bệnh sốt rét vẫn đang gặp không ít khó khăn, đòi hỏi ngành Y tế phải tiếp tục nỗ lực mới có thể đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét khỏi cộng đồng vào năm 2030.

ADQuảng cáo

Ngành Y tế sẽ tiếp tục duy trì công tác truyền thông phòng, chống bệnh sốt rét tại các địa bàn dân cư

Bệnh sốt rét từng bước được khống chế

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 100% xã nằm trong vùng sốt rét lưu hành; trong đó 13/71 xã tại 4 huyện Tuy Đức, Đắk R’lấp, Đắk Mil và Cư Jút nằm trong vùng sốt rét lưu hành nặng. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các chỉ số sốt rét của tỉnh đều giảm. Toàn tỉnh có 202 trường hợp mắc bệnh sốt rét, giảm 1,94% so với năm trước và ký sinh trùng sốt rét cũng giảm 1,46%.

Để đạt được kết quả trên, nhiều chương trình, hoạt động đã được ngành Y tế triển khai chủ động, tích cực. Hàng năm, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng luôn được duy trì thường xuyên. Bên cạnh việc tuyên truyền bằng tờ rơi, băng rôn, áp phích hay qua các phương tiện thông tin đại chúng, đội ngũ cán bộ y tế xã cùng nhân viên y tế thôn, bon đã thường xuyên đến từng địa bàn dân cư để nắm bắt tình hình sức khỏe nhân dân, giám sát ca bệnh. Các hoạt động cấp phát màn, phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn có bệnh sốt rét lưu hành cũng được chú trọng.

Hiệu quả ở Tuy Đức

Huyện Tuy Đức là địa phương có bệnh nhân sốt rét cao nhất tỉnh, với 100% xã nằm trong vùng sốt rét lưu hành nặng. Các trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng thường xuyên đi rừng, ở rẫy qua đêm, nhất là tại khu vực Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, rừng phòng hộ Thủy Điện Thác Mơ và giáp biên giới với Campuchia. Theo Trung tâm Y tế huyện, từ năm 2016, huyện triển khai thực hiện Dự án “Phòng, chống sốt rét cho dân di biến động khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2016-2020”.

ADQuảng cáo

Theo đó, huyện Tuy Đức đã thành lập 2 đội lưu động phòng, chống sốt rét tại 2 xã Quảng Trực và Đắk Ngo. Cùng với xác định và lập bản đồ định vị nhóm dân di biến động khó tiếp cận trên địa bàn xã, các đội có nhiệm vụ tiếp cận để tuyên truyền, phát hiện ca bệnh, kết nối với hệ thống y tế địa phương... Các đội còn trực tiếp tham gia các biện pháp điều tra, xử lý ổ bệnh sốt rét và báo cáo nhanh về phát hiện, điều trị, quản lý ca bệnh, ổ bệnh trên địa bàn xã. Với những giải pháp cụ thể, đến nay, tình hình mắc bệnh sốt rét trên địa bàn huyện từng bước ổn định.

Đẩy mạnh công tác truyền thông tại cộng đồng

Bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hiện nay, công tác phòng, chống bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp một số khó khăn do sự di biến động dân cư, tập quán sinh sống của người dân đi làm rừng, ngủ rẫy qua đêm ít sử dụng màn và các biện pháp bảo vệ cá nhân. Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phòng, chống không ổn định, bị cắt giảm và thường xuyên cấp chậm. Trong khi đó, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống sốt rét vẫn chưa bền vững, nguy cơ sốt rét gia tăng vẫn còn rất cao ở nhiều địa phương, nhất là ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có nguy cơ lan rộng...”.

Thực tế cho thấy, với những khó khăn, thách thức trên, việc đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 là điều không dễ. Vì vậy, mới đây, được sự tài trợ của Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (Hà Nội) bắt đầu triển khai Dự án “Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam” tại 149 xã thuộc 4 tỉnh có bệnh sốt rét lưu hành cao nhất là: Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk và Gia Lai.

Riêng tại tỉnh Đắk Nông, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2018-2020 tại 11 xã của 3 huyện: Tuy Đức, Đắk Mil và Cư Jút. Mục tiêu của dự án nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc loại trừ sốt rét tại Việt Nam. Theo đó, dự án sẽ thành lập 11 nhóm cộng đồng phòng, chống sốt rét trên địa bàn tỉnh gồm 28 thành viên. Nhiệm vụ của nhóm cộng đồng phòng, chống sốt rét là thu thập số liệu, tiếp cận và truyền thông, phát màn cho đối tượng đích. Ngoài ra, trong thời gian triển khai, dự án sẽ tổ chức khoảng 109 buổi truyền thông tại cộng đồng, cấp phát hơn 800 màn, võng tẩm hóa chất tồn lưu lâu dài cho đối tượng đích...

Cũng theo bác sĩ Thành, cùng với việc triển khai hiệu quả dự án tại các xã trọng điểm, ngành Y tế sẽ tiếp tục duy trì công tác truyền thông phòng, chống bệnh sốt rét tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Các đơn vị y tế tăng cường giám sát ca bệnh, thực hiện hiệu quả chiến dịch phòng, chống véc tơ; trong đó chú trọng vùng được chỉ định phun, tẩm và độ bao phủ của hóa chất phòng, chống sốt rét.

Ngành Y tế cũng khuyến cáo, đối với các địa bàn có bệnh sốt rét lưu hành, người dân cần chú ý thực hiện một số biện pháp phòng bệnh như: Ngủ màn, mặc quần dài, áo tay dài khi đi rừng, làm rẫy, vệ sinh môi trường... để diệt loăng quăng. Những trường hợp có dấu hiệu sốt cao, rét run từng cơn, vã mồ hôi, ớn lạnh phải đến ngay cơ sở y tế để chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị kịp thời, không để lây lan bệnh ra cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phấn đấu loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO