Phân luồng, phân tuyến bệnh nhân để phòng, chống lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm

Vũ Trang| 20/06/2019 09:48

Thời gian gần đây, một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sởi, tay-chân-miệng, tiêu chảy… có xu hướng gia tăng số người mắc bệnh. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh mới đây, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế địa phương cần làm tốt việc phân luồng, phân tuyến bệnh nhân ngay từ tuyến dưới để hạn chế tình trạng lây nhiễm chéo.

ADQuảng cáo

Dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo

Vừa xuất viện sau hơn 3 ngày điều trị bệnh tiêu chảy cấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Nguyễn Thị Khóa ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) lại phải đưa con nhập viện vì cháu mắc bệnh sốt xuất huyết. Chị Khóa cho biết: “Mỗi lần cháu mắc bệnh phải điều trị tại bệnh viện nhiều ngày, tôi đều nơm nớp lo sợ nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm khác, nhất là vào thời điểm giao mùa như hiện nay, bệnh viện tập trung rất đông bệnh nhân. Dù tôi biết và chăm sóc rất kỹ nhưng cháu vẫn bị lây bệnh từ các bệnh nhân khác”.

Trẻ được chăm sóc, điều trị tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện nay, một số loại bệnh có số lượng trẻ mắc nhiều là: sởi, tay-chân-miệng, viêm phế quản, tiêu chảy, sốt xuất huyết và sốt siêu vi. Những bệnh này khi trẻ mới bị nhiễm có thể theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới. Thế nhưng, vì tâm lý lo lắng nên phụ huynh đều đưa con đến khám và điều trị tại bệnh viện tỉnh, nên tạo áp lực quá tải cũng như làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân với nhau trong quá trình điều trị. Bởi thực tế, cơ sở y tế vừa là nơi phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhưng đồng thời cũng là nơi có thể lây nhiễm nhiều loại bệnh khác nhau, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, lượng người tập trung đông cùng rất nhiều loại bệnh khác nhau nên tạo môi trường thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn dễ dàng phát triển và phát tán trong không khí.

Thực tế cho thấy, hiện nay, điều kiện kinh tế được cải thiện nên nhiều gia đình đã lựa chọn các bệnh viện tuyến trên để được khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, do chất lượng khám, chữa bệnh tại một số địa phương chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người dân nên hàng năm, số lượng người vượt tuyến có xu hướng tăng.

ADQuảng cáo

Việc phân loại bệnh nhân phải được thực hiện ngay từ tuyến dưới để tránh quá tải cho bệnh viện tuyến trên cũng như tình trạng lây nhiễm chéo. Ảnh: Bác sĩ khám bệnh cho trẻ tại Trung tâm Y tế huyện Cư Jút

Cần điều trị bệnh đúng tuyến

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Những bệnh viện tuyến cuối thường tập trung các loại bệnh nặng, nằm viện chật chội, nguy cơ lây nhiễm chéo sẽ càng cao. Trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng, sởi nhẹ có thể mắc thêm các bệnh nặng như viêm phổi, chưa kể các virus viêm não, vi khuẩn kháng kháng sinh... khi vào bệnh viện điều trị. Đặc biệt, hiện nay, chuyên môn của các bác sĩ tuyến dưới khá tốt và được tập huấn nâng cao chuyên môn thường xuyên. Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên đưa trẻ dồn lên tuyến trên điều trị, vừa tội các cháu, vừa tạo áp lực cho bệnh viện.

Cũng theo Bộ trưởng, thời gian tới, do nhiều nguyên nhân nên tình hình dịch bệnh trong cả nước vẫn còn nhiều tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm trên thế giới có khả năng xâm nhập vào nước ta. Các bệnh dịch lưu hành trong nước như tay-chân-miệng, sởi, sốt xuất huyết có thể ghi nhận số mắc gia tăng… Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh công tác tuyên truyền, giám sát, phòng, chống bệnh tại cộng đồng thì việc phòng tránh nguy cơ lây bệnh chéo tại các cơ sở y tế là điều hết sức cần thiết.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, một số bệnh truyền nhiễm như sởi, tay-chân-miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết… là những bệnh thông thường, phác đồ điều trị đơn giản, có thể chăm sóc tốt ở tuyến dưới. Vì vậy, người dân cần điều trị đúng tuyến, không nên chuyển lên tuyến trên để tránh tình trạng “quá tải” bệnh viện và nguy cơ lây nhiễm chéo. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế bệnh truyền nhiễm lây lan rộng trong cộng đồng.

Bộ Y tế yêu cầu việc phân loại bệnh phải được thực hiện ngay từ tuyến dưới, không để bệnh nhẹ vẫn đổ dồn lên tuyến trên. Các cơ sở y tế áp dụng các biện pháp tổng hợp, phân luồng bệnh nhân ngay từ khoa khám bệnh, hạn chế tối đa sự tiếp xúc của bệnh nhân với những đối tượng khác. Công tác khử khuẩn môi trường cũng như tuyên truyền, hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân biết cách phòng tránh nguy cơ lây bệnh cũng cần được chú trọng. Ngoài ra, các bệnh viện cần phát huy hơn nữa vai trò của bệnh viện vệ tinh, phòng khám vệ tinh trong công tác điều trị bệnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân luồng, phân tuyến bệnh nhân để phòng, chống lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO