“Phao cứu sinh” cho người bệnh

Vũ Trang| 18/11/2016 07:07

Mặc dù còn có những hạn chế nhất định khi triển khai thực hiện, nhưng sau gần 2 năm đi vào cuộc sống, luật Bảo hiểm y tế (BHYT) mới đã thực sự trở thành chiếc “phao cứu sinh” cho người bệnh, nhất là những bệnh nhân nghèo, mắc bệnh mãn tính...

ADQuảng cáo

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được BHYT chi trả phần lớn viện phí

Đỡ đần gánh nặng viện phí

“Không có thẻ BHYT, có lẽ tôi đã buông xuôi”, đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Tài ở phường Nghĩa Trung (thị  xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đang điều trị ung thư vú tại Bệnh viện Ung bướu (TP. Hồ Chí Minh). Trước đó, dù rất khỏe mạnh, nhưng chị Tài vẫn quyết định tham gia BHYT để phòng khi bản thân mắc bệnh. Không ngờ, có lúc, chiếc thẻ BHYT đã thực sự trở thành chiếc “phao cứu sinh” của gia đình chị.

Chị Tài cho biết: “Chiếc thẻ BHYT mua vài trăm nghìn đồng, nhưng khi cần thiết, giá trị của nó lại lớn hơn gấp hàng trăm lần. Đặc biệt, đối với những người mắc bệnh nan y như tôi, phải điều trị lâu dài với chi phí từ vài chục đến vài trăm triệu đồng, BHYT đã đỡ đần phần lớn gánh nặng viện phí”.

Tương tự, bà Dương Thị Minh ở xã Thuận An (Đắk Mil) mắc bệnh tim nhiều năm, chi phí khám, chữa bệnh rất tốn kém. Đầu năm 2015, bà được phẫu thuật tim với tổng chi phí hơn 80 triệu đồng. Tuy nhiên, nhờ có thẻ BHYT, gia đình bà chỉ phải chi trả 26 triệu đồng.

Bà Minh chia sẻ: “Đối với gia đình tôi, 80 triệu đồng là một số tiền khá lớn. Nếu không có thẻ BHYT, tôi thực sự không biết phải xoay xở như thế nào để có đủ tiền chữa bệnh”.

Đối với em Nguyễn Thị Ánh Nguyệt ở xã Đức Mạnh (Đắk Mil), thẻ BHYT cũng giúp vượt qua khó khăn về chi phí chữa bệnh. Bị bệnh tim bẩm sinh, mới đây, em Nguyệt được phẫu thuật với tổng chi phí hơn 250 triệu đồng, nhưng BHYT thanh toán 115 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, bằng nguồn quỹ BHYT, toàn tỉnh có hơn 279.000 lượt người được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, với tổng số tiền hơn 111 tỷ đồng.

Đừng hờ hững với “phao cứu sinh”

Do chủ quan với sức khỏe của mình, ông Đinh Văn Toàn ở phường Nghĩa  Trung (Gia Nghĩa) không nghĩ đến việc mua BHYT. Đầu tháng 10 vừa qua, khi đang làm việc trong vườn, ông Toàn bị ngất và được gia đình đưa đi cấp cứu, chẩn đoán là nhồi máu cơ tim. Khi được hỏi về BHYT, gia đình ông mới giật mình vì đã không nghĩ đến “chiếc phao” ấy sớm hơn. Gia đình phải chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi để có số tiền hơn 100 triệu đồng mà bệnh viện thông báo.

Vợ ông Toàn nói: “Giờ đây, tôi mới thấm thía về sự cần thiết phải mua thẻ BHYT ngay cả khi mình còn đang khỏe mạnh để phòng ngừa rủi ro. Sau lần này, tôi phải cố gắng mua thẻ BHYT cho cả  nhà”.

Câu chuyện của các bệnh nhân nói trên cho thấy, thẻ BHYT có giá trị đối với người dân trong cuộc sống hàng ngày như thế nào. Theo một số bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thực tế không ít bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo vẫn còn cơ hội sống, nhưng vì phải tự chi trả toàn bộ các chi phí chữa bệnh mà không có sự hỗ trợ của BHYT nên đã bỏ cuộc điều trị giữa chừng.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, thẻ BHYT không chỉ là chiếc “phao cứu sinh”, giúp người bệnh giảm bớt gánh nặng viện phí mà còn thể hiện ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc... Vì vậy, mỗi người dân cần thấy rõ giá trị của BHYT, phải nhận thức đây là chính sách an sinh xã hội, nhiều người hỗ trợ một người trong việc chi trả chi phí khám, chữa bệnh.

Để thu hút người dân tham gia BHYT, ngành Bảo hiểm xã hội luôn tích cực phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và thái độ phục vụ, tạo thuận lợi cho người bệnh khi tham gia khám, chữa bệnh bằng BHYT.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Phao cứu sinh” cho người bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO