Phát triển nguồn nhân lực y tế: Ưu tiên “giữ chân người nhà”

01/09/2016 10:41

Những năm qua, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn trong việc thu hút bác sĩ chất lượng cao thì vấn đề “giữ chân” nguồn nhân lực hiện có cũng đang làm ngành “đau đầu”.

ADQuảng cáo

Chảy “chất xám”

Với đặc thù là khoa “đầu sóng, ngọn gió” nên hầu như ngày nào, đội ngũ y, bác sĩ công tác tại Khoa Hồi sức - Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng tất bật, vất vả. Trung bình mỗi ngày khoa có khoảng 25-30 bệnh nhân, nhưng chỉ có 5 bác sĩ bao gồm cả lãnh đạo khoa.

Trong mỗi ca trực, thay vì phải có 2 bác sĩ để luân phiên nhau thì khoa chỉ có duy nhất 1 bác sĩ làm việc liên tục. Sức ép từ công việc rất lớn, nhưng mức thu nhập của những bác sĩ nơi đây chưa thực sự tương xứng.

Ngoài chính sách đãi ngộ, điều quan trọng là tạo điều kiện, môi trường cho bác sĩ công tác, cống hiến. (Ảnh:  Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, điều trị cho bệnh nhân)

Theo bác sĩ Trần Văn Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì không chỉ Khoa Hồi sức - Cấp cứu mà nhiều khoa khác của Bệnh viện cũng đang trong tình trạng tương tự. Mặc dù Bệnh viện đã có gần 80 bác sĩ, nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn còn thiếu khoảng 40 bác sĩ. Vì vậy, Bệnh viện phải huy động đội ngũ y, bác sĩ hiện có làm việc ngoài giờ để bù đắp cho việc thiếu hụt nguồn nhân lực.

Cùng với việc thiếu bác sĩ, Bệnh viện cũng “đau đầu” vì tình trạng bác sĩ bỏ việc hoặc xin chuyển công tác. Bác sĩ Hùng cho biết, ngoài một số bác sĩ có phòng mạch tư thì thu nhập của hầu hết bác sĩ công tác tại đơn vị vẫn chỉ dựa vào lương, thưởng và một số chế độ phụ cấp khác.

Trong khi đó, bác sĩ công tác ở các thành phố lớn hoặc đơn vị y tế ngoài công lập có thể “sống khỏe” với thu nhập và mức ưu đãi cao hơn nhiều lần. Chính vì sự hấp dẫn về thu nhập và môi trường làm việc đã khiến cho lượng “chất xám” của Bệnh viện cũng như của ngành Y tế “chảy” đi nơi khác.

Theo thống kê của ngành Y tế, hiện toàn ngành có 2.140 cán bộ, nhân viên y tế; trong đó, cán bộ có trình độ đại học và sau đại học là 470 người, chỉ chiếm gần 22%. Số bác sĩ có trình độ chuyên khoa sau đại học chỉ có 72 người, chiếm khoảng 3,36%.

Việc tuyển dụng bác sĩ và dược sĩ đại học vào công tác tại các cơ sở y tế công lập vốn đã khó, nhưng để “giữ chân” đội ngũ này ở lại công tác lâu dài tại địa phương lại càng khó hơn. Không ít trường hợp y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao đã và đang có xu hướng “chuyển vùng”, “chuyển ngành”. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có 3-4 bác sĩ, dược sĩ xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác tới địa phương khác.

ADQuảng cáo

Theo lãnh đạo ngành Y tế thì có một thực tế khá phổ biến hiện nay là các bác sĩ trẻ mới ra trường vào làm việc tại các bệnh viện công để tích lũy kinh nghiệm. Đến khi tay nghề vững vàng thì đích mà họ hướng đến là các bệnh viện đầy đủ tiện nghi, hiện đại và có mức lương hậu hĩnh.

Người dân đến làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Nô

“Giữ chân” bằng chế độ đãi ngộ phù hợp

Để thu hút cũng như “giữ chân” bác sĩ giỏi công tác lâu dài tại địa phương, từ năm 2015, tỉnh đã triển khai “Chính sách thu hút đãi ngộ cán bộ y tế có trình độ cao” giai đoạn 2015-2020. Theo đó, ngoài lương và các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước, các bác sĩ, dược sĩ có trình độ đại học và sau đại học khi tự nguyện về công tác tại các cơ sở y tế công lập của tỉnh còn được hưởng nhiều chính sách, đãi ngộ khác.

Cụ thể, mức trợ cấp thu hút từ 180 triệu đồng đối với bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp đại học loại trung bình đến 300 triệu đồng đối với tiến sĩ y khoa, bác sĩ chuyên khoa II. Ngoài ra, các bác sĩ, dược sĩ còn được ưu tiên trong xét tuyển, thi tuyển công chức, viên chức và mua đất, làm nhà ở với giá sàn không qua đấu giá theo quy định của tỉnh...

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, ngành mới chỉ thu hút được 2 bác sĩ về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, gồm 1 bác sĩ chuyên khoa I gây mê hồi sức và 1 bác sĩ y học cổ truyền. Hiện tại, ngành cũng đang tiếp nhận hợp đồng thử việc đối với 3 bác sĩ công tác tại các bệnh viện đa khoa trên địa bàn.

Thực tế, trong khi mức độ “cạnh tranh” với các tỉnh lân cận nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao không dễ dàng thì ưu tiên “giữ chân người nhà” được xem là biện pháp khá khả thi để bảo đảm nguồn nhân lực của ngành. Riêng trong năm 2015, ngành thực hiện chính sách đãi ngộ cho 354 bác sĩ, dược sĩ với tổng số tiền hơn 4,4 tỷ đồng. Hình thức đãi ngộ là hỗ trợ thêm từ 0,7 -1,5 mức tiền lương cơ sở.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế thì để “giữ chân” bác sĩ, dược sĩ công tác lâu dài tại địa phương, ngoài chính sách thu hút, đãi ngộ, điều quan trọng là phải tạo điều kiện môi trường tốt cho họ công tác, phát triển. Để làm được điều đó, ngành đang tập trung nhiều giải pháp nhằm từng bước tăng các dịch vụ kỹ thuật y tế cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, ngành cũng tranh thủ các nguồn vốn, mở rộng liên doanh, liên kết, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Đặc biệt, nhu cầu được học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ cũng sẽ được ngành hết sức quan tâm tạo điều kiện.

Các bệnh viện phải xây dựng kế hoạch phát triển một cách toàn diện

Theo lộ trình mà Bộ Y tế đã xây dựng, từ nay đến cuối năm 2016, lương của bác sĩ sẽ được đưa vào viện phí. Khi đó, ngân sách nhà nước sẽ không phải trả lương cho bác sĩ mà do bệnh viện tự trả theo thỏa thuận với bác sĩ. Các bệnh viện sẽ hoàn toàn được tự chủ về việc thuê bao nhiêu bác sĩ, mức lương thế nào...

Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là nếu các bệnh viện không có hoặc ít bệnh nhân, không có khả năng trả lương cao thì sẽ rất khó thu hút cũng như “giữ chân” được bác sĩ giỏi, thậm chí không đủ bác sĩ để làm việc. Điều này đòi hỏi các bệnh viện sẽ phải xây dựng kế hoạch phát triển một cách toàn diện và phải nỗ lực hơn rất nhiều.

(Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế)

Mong muốn từng bước hiện đại hóa máy móc, thiết bị y tế

Từ khi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tôi đã được tạo điều kiện tham gia nhiều chương trình đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Sau quá trình đào tạo, tôi cũng được đơn vị tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị... để triển khai tốt kỹ thuật phẫu thuật chấn thương sọ não.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vẫn còn rất nhiều trường hợp bị chấn thương sọ não nặng phải chuyển tuyến. Nguyên nhân không phải do đội ngũ y, bác sĩ không đủ tay nghề mà do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn hạn chế.

Vì vậy, điều tôi mong muốn nhất là tỉnh cũng như ngành Y tế cần nghiên cứu các giải pháp để từng bước hiện đại hóa máy móc, trang thiết bị y tế, giúp đội ngũ y, bác sĩ có điều kiện phát huy tốt năng lực, sở trường, yên tâm công tác và cống hiến.

(Bác sĩ chuyên khoa I Lê Chí Quốc Bảo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh)

Kết hợp nhiều yếu tố để “giữ chân” bác sĩ

 Chế độ ưu đãi được áp dụng từ năm 2015 đã phần nào động viên các bác sĩ, dược sĩ công tác lâu năm. Tuy nhiên, đây chưa phải là yếu tố quyết định để “giữ chân” bác sĩ.

Theo tôi, để bác sĩ yên tâm công tác, điều quan trọng là phải có sự kết hợp tốt các yếu tố như thu nhập, môi trường làm việc, mối quan hệ hài hòa, chế độ đãi ngộ xứng đáng với đóng góp của họ.

(Bác sĩ Đỗ Ngọc Ảnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức)

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân

Đối với bác sĩ công tác tại các trạm y tế, ngoài việc khám, chữa bệnh, họ còn đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Trong khi đó, cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng khó. Mặt khác, điều kiện máy móc, trang thiết bị thiếu thốn nên họ chưa có điều kiện phát huy tốt năng lực cũng như tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại.

Theo tôi, để bác sĩ yên tâm công tác tại địa phương, nhất là tuyến cơ sở, ngành cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để họ có điều kiện phát huy năng lực, sở trường công tác, qua đó, từng bước củng cố, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.

(Bác sĩ Điều K’Rép, Trưởng Trạm y tế xã Đắk R’tíh (Tuy Đức))

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nguồn nhân lực y tế: Ưu tiên “giữ chân người nhà”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO