Phòng chống dịch cúm gia cầm ở Krông Nô: Cần tập trung kiểm soát, phòng ngừa

Văn Tâm| 14/06/2017 09:46

Trong gần một tháng qua, trên địa bàn huyện Krông Nô liên tiếp xảy ra nhiều ổ dịch cúm trên đàn vịt. Khi phát hiện dấu hiệu dịch bệnh, chính quyền địa phương, ngành chức năng ráo riết vào cuộc để dập dịch. Tuy nhiên đến nay việc kiểm soát, ngăn chặn tận gốc dịch bệnh vẫn chưa thành công như mong muốn.

ADQuảng cáo

Hàng năm, vào thời điểm tháng 4 đến 7, nhiều cánh đồng trên địa bàn các xã Quảng Phú, Đắk Nang, Đức Xuyên, Nâm N’đir… người dân đã gặt xong, chờ lịch thời vụ để gieo cấy vụ tiếp theo. Tận dụng khoảng thời gian này, nhiều hộ dân mua vịt về chăn thả. Đây cũng là thời điểm rất dễ phát sinh dịch cúm trên diện rộng do tập trung lượng đàn lớn, quá trình chuyển đàn cũng như các yếu tố phát sinh khác. 

Người dân chăn thả vịt chạy đồng trên địa bàn xã Nâm N’đir (Krông Nô)

Chủ quan ngay ở "tâm dịch"

Cũng như những năm trước, đợt này, gia đình bà Phạm Thị Sợi nuôi trên 600 con vịt. Trước đó khoảng 10 ngày, bà Sợi đã bán được 300 con, số còn lại thương lái đã vào cọc tiền chờ vài hôm sau là đến bắt.

Bà Sợi cho biết: Gia đình tôi nuôi vịt đã hơn 10 năm nay. Vì nghĩ nuôi theo vụ, thời gian chỉ 3 tháng nên ít khi tôi tiêm phòng cho đàn vịt. Thế nhưng không ngờ năm nay, đàn vịt bị bệnh nên phải tiêu hủy toàn bộ. Chăm con vịt không phải đơn giản, nuôi từ nhỏ cho đến lúc gần bán lại bị dịch bệnh khiến chúng tôi gặp khó khăn nhiều lắm. Dịch bệnh lần này làm thiệt hại cho gia đình tôi khoảng 30 triệu đồng. Tìm hiểu được biết, trước đó vài hôm, một người chuyên mua vịt cùng thôn đến mua vịt và gửi lại chuồng của bà Sợi 80 con vịt, hẹn khi nào bắt sẽ mang đi luôn thể. Ngay ngày hôm sau, khi đàn vịt của nhà bà Sợi có dấu hiệu bị nhiễm bệnh, chết rải rác thì số vịt do thương lái gửi cũng có dấu hiệu bị bệnh tương tự.

Sau khi đàn vịt của gia đình bà Sợi đã được tiêu hủy, các cấp ngành chuyên môn đã khoanh vùng, tiêu độc, khử trùng khu vực nuôi, nhưng những hộ chăn nuôi vịt trên địa bàn cũng không mấy quan tâm đến loại dịch cúm vô cùng nguy hiểm này.

Cụ thể, ngay cách trại nuôi vịt và điểm tiêu hủy của gia đình bà Sợi chừng 50 m, vẫn có đàn vịt hàng trăm con của người dân trong thôn Phú Thịnh chăn thả. Không những vậy, khi đi kiểm tra một vòng quanh khu vực chăn thả của hộ bà Sợi, chúng tôi đã phát hiện có nhiều xác vịt chết chưa được thu gom đã bốc mùi hôi thối, nằm rải rác trên cánh đồng. Đây chính là nguồn bệnh có nguy cơ phát tán cho các khu vực xung quanh. Sự chủ quan này chính là nguyên nhân dẫn đến trên địa bàn liên tiếp xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm với tiềm ẩn phát sinh trên diện rộng cao.

Cụ thể, thời gian qua,  ổ dịch cúm gia cầm tại thôn Phú Thịnh, xã Đắk Nang xảy ra chỉ cách thôn Xuyên An, xã Đức Xuyên không xa, địa bàn phân định là một con suối. Do vậy, chỉ sau khi dịch cúm xảy ra ở thôn Phú Thịnh 3 ngày thì đàn vịt của ông Bùi Văn Công và Bùi Văn Thọ ở thôn Xuyên An với số lượng trên 850 con bị chết và xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1.

ADQuảng cáo

Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh tích cực vào cuộc, triển khai biện pháp dập dịch nhằm hạn chế lây lan sang các đàn vịt khác trên địa bàn. Tuy nhiên, các hộ có đàn vịt bị bệnh dịch tỏ ra chần chừ, lẩn tránh, để mặc cho “xã muốn làm gì thì làm”. Vì vậy, việc lưu lại đàn vịt bị nhiễm cúm A/H5N1 trên môi trường sản xuất, chăn nuôi nhiều giờ, làm tăng nguy cơ phát tán, lây lan dịch bệnh là không tránh khỏi.

Phun thuốc khử trùng tại gia đình ông Dương Đình Biên ở thôn Phú Thịnh, xã Đắk Nang (Krông Nô), một hộ kinh doanh có vịt bị nhiễm bệnh cúm gia cầm

Cần nâng cao ý thức cho người dân

Theo nhận định của Chi cục Thú y, Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh Đắk Nông, tình hình cúm A/H5N1 trên gia cầm đang diễn ra khá phức tạp, tỷ lệ nhiễm vi rút cúm gia cầm trên địa bàn huyện Krông Nô là khá cao nên nguy cơ bùng phát dịch cúm vẫn còn tiềm ẩn đối với các vùng chăn nuôi. Trước tình hình đó, theo UBND huyện Krông Nô thì các biện pháp chống dịch cúm trên gia cầm đã được triển khai đồng bộ từ tỉnh xuống xã, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn.

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết: “Khi phát hiện ổ dịch, huyện cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc và kịp thời dập dịch. Về phòng ngừa thì thời gian qua, việc tiêm phòng trên đàn thủy cầm, cụ thể là đàn vịt chủ yếu là vận động, tuyên truyền để người dân tự giác là chính. Do vậy, qua đợt bùng phát dịch bệnh lần này, huyện Krông Nô sẽ hết sức cảnh giác và tăng cường công tác quản lý việc mua bán, chăn thả đàn gia cầm, thủy cầm đối với người dân”.

Cũng theo ông Đông, trước tình hình này, huyện cũng đang bàn một giải pháp để vận động, tuyên truyền người dân viết cam kết về mua bán gia cầm phải qua khai báo, kiểm dịch để thuận lợi cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, huyện cũng xây dựng những chế tài đối với trường hợp người dân không tiêm phòng mà để xảy ra dịch bệnh lây lan thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Mặt khác, để tất cả các hộ chăn nuôi đều thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch cúm, huyện cũng sẽ nghiên cứu trích nguồn kinh phí của địa phương hỗ trợ thêm cho một số trường hợp gặp khó khăn.

Tuy nhiên, trên thực tế nếu không xảy ra các ổ dịch thì việc vận động bà con tiêm phòng cho đàn gia cầm gặp rất nhiều khó khăn vì phần lớn các hộ lơ là, chủ quan, khi cho rằng chỉ nuôi mùa vụ, thời gian ngắn nên không cần phòng bệnh. Vì vậy, từ đợt bùng phát dịch trên địa bàn 2 xã lần này, ngành chuyên môn huyện cần vào cuộc, triển khai các giải pháp nhằm giúp người dân nhận biết và phòng chống dịch cúm gia cầm hiệu quả hơn.

Theo thống kê, trên địa bàn 4 xã có chăn nuôi vịt của huyện Krông Nô có tổng số 66.500 con vịt; trong đó, xã Quảng Phú: 25.500 con, Đắk Nang: 9.600 con, Đức Xuyên: 14.950 con, Nâm N'đir: 16.500 con. Vào ngày 3/5, tại xã Đức Xuyên (Krông Nô) phát sinh một ổ dịch, với tổng đàn 1.800 con.

Ngày 3/6, tại xã Đắk Nang xuất hiện tình trạng đàn vịt của 2 hộ chăn nuôi bị chết.  Các cơ quan chuyên môn đã tiêu hủy 599 con gia cầm. Tiếp đến, ngày 6/6, lại xuất hiện thêm 2 ổ dịch ở thôn Xuyên An, xã Đức Xuyên, với số lượng 850 con. Kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng ở các đàn vịt bị chết đều dương tính với cúm A/H5N1.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống dịch cúm gia cầm ở Krông Nô: Cần tập trung kiểm soát, phòng ngừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO