Phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Phấn đấu kéo giảm số ca mắc bệnh

Lam Giang| 12/09/2016 10:40

Tính đến thời điểm 24/8, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.731 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), với 76 ổ dịch, tại 61/71 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã. Tỷ lệ mắc là 299 ca/100.000 dân, tăng 1.522 ca và 33 xã so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, cao nhất là thị xã Gia Nghĩa: 630 ca, chiếm trên 36%; Đắk R’lấp: 318 ca, chiếm 18,37%; Đắk Mil: 344 ca, chiếm 19%...

ADQuảng cáo

Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2016, số ca mắc SXH cao hơn so với số ca mắc trung bình giai đoạn 2011-2015, gia tăng mạnh vào tháng 6 và 7. Đây là thời điểm ở Đắk Nông bắt đầu vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh SXH.

Kết quả giám sát véc tơ truyền bệnh SXH cho thấy, trên địa bàn tỉnh lưu hành 3 tuýp vi rút D1, D2, D4. Đến tháng 7 vẫn còn xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) và phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) có chỉ số BI vượt ngưỡng cảnh báo. Đây chính là yếu tố nguy cơ cao có thể bùng phát thành dịch nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả.

Trước tình hình đó, thời gian qua, các đơn vị y tế của tỉnh đã chủ động thực hiện phòng, chống dịch SXH như: Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; cung cấp 20.000 tờ rơi, 2000 áp phích hướng dẫn các gia đình tại những địa phương có số ca mắc cao; ra quân diệt bọ gậy, loăng quăng; vận động 22.000 hộ gia đình tại 7/7 xã, phường trọng điểm ký cam kết không có bọ gậy, loăng quăng trong nhà...

Sở Y tế đã chỉ đạo và đôn đốc tất cả cơ sở y tế từ tỉnh đến huyện, xã, phường chú trọng nâng cao chất lượng công tác điều trị bệnh SXH, chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị và các phương tiện cần thiết sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân kịp thời, không để biến chứng nặng và tử vong do SXH.

Bệnh viện đa khoa các tuyến thành lập các đội cấp cứu lưu động và duy trì hoạt động, hỗ trợ kịp thời tuyến dưới khi có yêu cầu. Các huyện, thị xã cũng chủ động phun hóa chất diệt muỗi và triển khai chiến dịch diệt bọ gậy, phòng, chống SXH...Nhờ đó, hiện tại Đắk Nông chưa có trường hợp tử vong do mắc bệnh SXH và tình hình SXH tại các điểm nóng có chiều hướng giảm.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình dịch SXH hiện nay vẫn đang diễn biến rất phức tạp và công tác phòng, chống bệnh SXH còn gặp nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thì bên cạnh nguyên nhân khách quan do thời tiết mưa, nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH phát triển, còn có nhiều yếu tố chủ quan. Cụ thể, người dân vẫn chưa quan tâm loại bỏ các ổ bọ gậy, loăng quăng và các dụng cụ chứa nước không cần thiết nên việc diệt véc tơ truyền bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Chính quyền địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, đoàn thể tham gia cùng ngành Y tế thực hiện vệ sinh môi trường và hỗ trợ nhân lực phun hóa chất phòng, chống dịch. Hoạt động này còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên nên chưa loại bỏ triệt để các ổ loăng quăng, bọ gậy, gây khó khăn cho công tác xử lý, khống chế và kiểm soát dịch SXH. Công tác phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành tại các ổ dịch chưa đạt hiệu quả cao.

Việc vệ sinh môi trường trước khi phun tại các địa điểm chưa được thực hiện một cách triệt để. Qua kiểm tra, đánh giá sau phun vẫn ghi nhận chỉ số véc tơ cao, nên chưa khống chế, kiểm soát được số ca mắc SXH trên địa bàn. Việc khoanh vùng xử lý ổ dịch chưa triệt để và kịp thời nên dịch SXH tiếp tục kéo dài và lan rộng. Ở một số địa phương không thực hiện tốt công tác điều tra đánh giá yếu tố dịch tễ học tại vùng ghi nhận ca bệnh, nên các biện pháp triển khai phòng, chống dịch chưa kịp thời dẫn đến số ca mắc SXH tăng đột biến và lây lan trên diện rộng.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, để phòng, chống hiệu quả dịch SXH thì toàn tỉnh cần tiếp tục huy động sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể và toàn thể người dân. Tiếp tục thành lập đội xung kích tại các thôn, bon, tổ dân phố để thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng hàng tuần, nhất là tại những nơi có số mắc bệnh tăng cao.

Ngành Y tế các cấp tiếp tục triển khai phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành nhằm khống chế, kiểm soát tình hình dịch SXH. Việc giám sát chặt chẽ để phát hiện sớm các trường hợp mắc SXH, điều tra dịch tễ, khoanh vùng và xử lý ổ dịch theo quy định cũng như chủ động sẵn sàng hóa chất, trang thiết bị và nhân lực cần tiếp tục được duy trì.

Ngoài ra, ngành Y tế cũng sẽ thực hiện tốt việc kiểm tra, hướng dẫn tuyến cơ sở trong việc thực hiện các hoạt động để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả cao. Phấn đấu từ nay đến cuối năm, kéo giảm số ca mắc SXH xuống dưới 110 ca /100.000 dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống dịch sốt xuất huyết: Phấn đấu kéo giảm số ca mắc bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO