Phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em

Ngô Đồng| 29/09/2022 09:29

Suy dinh dưỡng ở trẻ em dù dưới bất kỳ hình thức nào, đều đe dọa đến sức khỏe của trẻ. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến kém phát triển về trí tuệ, thể lực và đặc biệt khiến trẻ dễ bị bệnh tật và tử vong. Vì vậy, việc chú trọng dinh dưỡng cho trẻ là việc làm vô cùng cần thiết.

ADQuảng cáo

Cha mẹ còn chủ quan

Chị Trần Thị Hoa có con gái 6 tuổi ở xã Trường Xuân (Đắk Song) chia sẻ: “Con tôi ăn uống tốt nhưng không hiểu sao tăng cân rất chậm. Nghĩ rằng chỉ cần con không đau ốm, bệnh tật là được nên tôi không đưa con đi khám. Nhưng khi cháu bắt đầu vào học lớp 1 thì thể lực kém hẳn, hay ốm vặt. Mỗi lần ốm rất lâu khỏi, đưa con đi khám, bác sĩ chẩn đoán cháu bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể lực kém, dẫn đến hệ miễn dịch cũng suy giảm”.

Tương tự, chị Thị Hiêng ở xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) cũng có con bị suy dinh dưỡng thể thấp còi tâm sự: “Nhà còn nhiều khó khăn lại đông con nên tôi không có điều kiện chăm sóc đầy đủ, chu đáo cho các cháu. Nhiều bữa, con ăn vặt, bỏ bữa, không ăn cơm, tôi cũng không để ý”.

Hiện nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm dần nhưng vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đã giảm từ 18,3% xuống còn 17,8%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 28,3% xuống còn 27,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai thì sau sinh rất dễ bị suy dinh dưỡng

ADQuảng cáo

Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phùng Thị Hồng Ngọc cho biết: “Suy dinh dưỡng thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi. Nhiều phụ huynh hiểu chưa đầy đủ về suy dinh dưỡng trẻ em nên chưa có biện pháp can thiệp kịp thời. Điều này khiến tình trạng suy dinh dưỡng ngày càng nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, vận động và trí tuệ của trẻ”.

Bảo đảm chế độ dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng, có thể xảy ra ở trẻ em từ khi còn trong bào thai cho đến sau khi sinh. Người mẹ trước và trong khi mang thai ăn uống không đầy đủ có thể dẫn đến bị suy dinh dưỡng và sinh con nhẹ cân, còi cọc. Trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai thì sau sinh rất dễ bị suy dinh dưỡng. Ngoài ra, trẻ không được tiêm phòng đầy đủ, ăn ở không hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước không sạch để nấu ăn, tắm giặt, xử lý nước thải, phân, rác không bảo đảm và hợp lý… cũng là những yếu tố khiến trẻ bị suy dinh dưỡng…

Theo khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần xây dựng và duy trì chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời từ khi mang thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi. Sau khi sinh, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Trong thời kỳ ăn dặm, có chế độ ăn bổ sung đầy đủ, hợp lý 4 nhóm chất là đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất theo từng lứa tuổi của trẻ. Đồng thời, các mẹ theo dõi biểu đồ tăng trưởng hằng tháng, để phát hiện sớm và ngăn chặn tình trạng suy dinh dưỡng. Trẻ cần được bổ sung Vitamin A, tẩy giun định kỳ và tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Tuyệt đối, không tự ý dùng thuốc điều trị nếu trẻ bị bệnh.

Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, chế độ ăn của trẻ suy dinh dưỡng cần tăng cả về số lượng và chất lượng. Cha mẹ không nên ép trẻ ăn hết khi trẻ đã chán. “Khi trẻ bị suy dinh dưỡng, cần được bổ sung vi chất dinh dưỡng. Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng như thế nào thì cần có sự tư vấn của bác sĩ và tuyệt đối không tự ý bổ sung các loại thuốc bổ cho trẻ”, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Phùng Thị Hồng Ngọc lưu ý.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO