Quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường tại cộng đồng: Lợi ích kép

Ngô Đồng| 06/07/2022 09:21

Thời gian qua, việc quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường tại cộng đồng mang lại lợi ích kép, không chỉ giúp giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, mà còn giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại cho bệnh nhân.

ADQuảng cáo

Thuận tiện cho người bệnh

Bà Nguyễn Thị Hà, thôn 1, xã Trường Xuân (Đắk Song) là một trong những bệnh nhân đái tháo đường được khám, phát hiện và nhận thuốc điều trị tại Trạm y tế xã. Bà Hà chia sẻ: “Thấy sức khỏe trong người có phần giảm sút, tôi lên Trạm y tế xã khám và phát hiện mình mắc tiểu đường qua xét nghiệm máu. Tôi được lập hồ sơ điều trị ngay tại Trạm y tế xã gần nhà do chỉ số đường huyết thấp nên rất thuận tiện. Mỗi lần đến khám, tôi đều được kiểm tra đường huyết và lấy thuốc theo quy trình như ở tuyến huyện”.

Tương tự, bà H’Hiêng, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) phát hiện mắc bệnh đái tháo đường trong một lần đi khám bệnh miễn phí cho người dân tại địa phương. Sau khi phát hiện mắc bệnh, bà được Trạm y tế xã theo dõi theo chương trình quản lý và điều trị đái tháo đường nên rất thuận tiện cho việc khám và điều trị. “Nhờ chuyển về theo dõi và điều trị ngay tại xã mà tôi đỡ làm phiền con cháu chở ra huyện, thành phố khám định kỳ rất nhiều”.

Người cao tuổi là đối tượng dễ mắc đái tháo đường

Không riêng 2 bà Hà và H’Hiêng, tất cả các đối tượng có nguy cơ cao, nhất là người cao tuổi khi đến khám bệnh đều được xét nghiệm đường máu mao mạch tại tất cả 71 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Từ đó, công tác khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe của bệnh nhân tại các trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện/thành phố đã góp phần phát hiện thêm nhiều trường hợp người mắc bệnh đái tháo đường để đưa vào quản lý và điều trị.

ADQuảng cáo

Theo bác sĩ Lê Duy Đại, Trưởng Trạm y tế xã Quảng Sơn (Đắk Glong) thì đối với những trường hợp mắc bệnh đái tháo đường khi được phát hiện qua xét nghiệm tại trạm sẽ được đơn vị tư vấn và lập danh sách quản lý. Đối với những đối tượng có chỉ số đường huyết đạt mức thấp, không có bệnh lý kèm theo, không có biến chứng sẽ được điều trị tại trạm y tế. Định kỳ 3 tháng/lần, người bệnh được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện thực hiện xét nghiệm sinh hóa, đánh giá hiệu quả điều trị. Các trường hợp nghi ngờ hoặc bệnh vượt quá khả năng chuyên môn của trạm được chuyển tuyến trên chẩn đoán xác định và điều trị. Các trường hợp được tuyến trên chuyển về cũng được trạm lập hồ sơ quản lý, điều trị.

“Đa số bệnh nhân đái tháo đường là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền nên ngoài việc khám điều trị theo phác đồ, Trạm y tế xã còn chú trọng truyền thông, tư vấn cho người bệnh về chế độ ăn uống, luyện tập, tổ chức khám sàng lọc để phát hiện kịp thời những bệnh nhân mắc mới để lên phương án hỗ trợ điều trị ngay từ giai đoạn đầu của bệnh”, Bác sĩ Đại cho biết.

Nhiều trường hợp phát hiện đái tháo đường qua các đợt khám cộng đồng của ngành Y tế Đắk Nông

Duy trì cân nặng hợp lý để phòng bệnh

Theo Bộ Y tế, những năm trở lại đây số trường hợp mắc bệnh đái tháo đường gia tăng nhanh, với ước tính mỗi năm tăng khoảng 5,5%. Trước thực trạng gia tăng các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường, nhiều hoạt động phòng, chống bệnh đã và đang được ngành Y tế tích cực triển khai.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, để phòng, chống bệnh đái tháo đường, người dân cần phải bảo đảm duy trì cân nặng hợp lý. Việc vận động thể lực tích cực và đều đặn mỗi ngày với cường độ vừa phải tùy thuộc vào sức khỏe của từng cá nhân. Mỗi người, mỗi gia đình phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý và lành mạnh bao gồm nhiều hoa quả và rau xanh và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ và đo chỉ số đường huyết tại các cơ sở y tế. Những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường vẫn có thể sống khỏe mạnh và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm và tuân thủ phác đồ điều trị cũng như thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của bác sĩ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, điều trị bệnh đái tháo đường tại cộng đồng: Lợi ích kép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO