Quản lý, xử lý chất thải y tế: Thực trạng và giải pháp

Vũ Trang| 24/04/2017 09:49

Mặc dù được xem là nguồn chất thải nguy hại, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiện nay, vấn đề quản lý, xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông vẫn nhiều khó khăn, bất cập. Thực tế đó đang đòi hỏi tỉnh, ngành chức năng cần có những giải pháp cần thiết, nhằm bảo đảm môi trường.

ADQuảng cáo

Còn nhiều bất cập

Được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2013, đến nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Tuy Đức vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý chất thải y tế. Hiện nay, bệnh viện vẫn đang sử dụng lò đốt thủ công được xây dựng ngay bên trong khuôn viên và mỗi lần đốt đều sinh ra khói, mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ngoài ra, mặc dù bệnh viện đã được xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, nhưng do một số nguyên nhân về thiết kế, thi công nên hiện hệ thống chưa hoạt động.

Bác sĩ Đỗ Ngọc Ảnh, Giám đốc BVĐK Tuy Đức cho biết: “Vì một số nguyên nhân về thi công nên hiện nay, nước thải y tế không chảy về nhà xử lý mà thấm trực tiếp ra đất. Đơn vị cũng nhiều lần kiến nghị về vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm”.

Lò đốt chất thải y tế của BVĐK huyện Tuy Đức được xây dựng khá thô sơ

Tương tự, vấn đề xử lý chất thải y tế cũng đang là khó khăn chung của các cơ sở y tế trên địa bàn. Trao đổi tại cuộc họp với Sở Y tế mới đây, bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc BVĐK huyện Đắk Glong cũng cho biết: “Hiện nay, bệnh viện cũng đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trong công tác xử lý chất thải y tế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện tiêu chí bảo vệ môi trường cũng như vấn đề quản lý chất lượng bệnh viện”.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 8 BVĐK với tổng số hơn 900 giường bệnh. Ngoài ra, các trung tâm y tế huyện, thị xã, trung tâm y tế chuyên khoa, trạm y tế xã, phường và hơn 160 cơ sở hành nghề y tư nhân... đều có nguồn xả thải ra môi trường mỗi ngày.

Qua khảo sát của Sở Y tế, trong năm 2015, trung bình mỗi ngày, tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 1.087 kg. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 890 kg và chất thải rắn lây nhiễm khoảng 179 kg, chất thải hóa học khoảng 18 kg.

Hiện nay, các BVĐK trên địa bàn tỉnh đều đang áp dụng mô hình xử lý chất thải rắn y tế tại chỗ. Điều đáng nói, các lò đốt này đã xuống cấp và hư hỏng, khói thải ra gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ y tế, bệnh nhân cũng như người dân xung quanh.  

Tại các trạm y tế xã, phường, vấn đề xử lý chất thải y tế cũng đang là bài toán nan giải. Theo quy định, các trạm y tế xã phải bảo đảm các điều kiện về môi trường như hệ thống nước thải, hố chôn hợp vệ sinh hoặc lò đốt rác quy mô nhỏ.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, hiện nay, 100% các trạm y tế trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng. Đối với chất thải rắn, hầu hết các trạm cũng xử lý bằng hình thức đốt. Trong khi đó, rác thải tại các trạm chủ yếu là bơm tiêm, kim tiêm, lọ vắc xin... sử dụng trong những ngày tiêm chủng mở rộng nên việc đốt cũng như xử lý rất khó.   

Đối với các cơ sở y tế tư nhân, việc xử lý chất thải y tế cũng phát sinh nhiều bất cập. Thực tế, nhiều phòng khám tư nhân có quy mô nhỏ, nên lượng chất thải nguy hại phát sinh ở từng cơ sở rất khó kiểm soát, khả năng bị trộn lẫn trong rác thải sinh hoạt tương đối cao.

Cùng với đó, hầu hết các cơ sở này đều chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế. Tỉnh cũng chưa xây dựng được các khu xử lý chất thải nguy hại tập trung nên các cơ sở này phải ký hợp đồng xử lý chất thải với cơ sở y tế gần nhất.

Hướng đầu tư lâu dài

Theo Sở Y tế, cùng với việc mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe nhân dân, lượng chất thải y tế phát sinh ngày càng tăng là điều khó tránh khỏi. Dự kiến, đến năm 2020, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sẽ được mở rộng và phát triển lên thành 1.450 giường bệnh, tăng gần 500 giường bệnh so với hiện tại. Vì vậy, dự báo tổng khối lượng chất thải rắn y tế sẽ là 1.690 kg/ngày; trong đó, chất thải rắn y tế lây nhiễm là 277 kg, chất thải hóa học là 28 kg, chất thải sinh hoạt là 1.386 kg. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý, xử lý chất thải y tế hiệu quả, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường?

Tháng 5/2015, Sở Y tế đã ban hành Quyết định số 799/QĐ-SYT về việc thành lập Ban quản lý Dự án “Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện” trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch quản lý chất thải tỉnh Đắk Nông, giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của ODA; từng bước giảm thiểu ô nhiễm từ chất thải y tế trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn ô nhiễm, suy thoái môi trường.

Thực hiện kế hoạch này, ngành Y tế đang tiến hành xây dựng, trang bị hệ thống xử lý rác thải y tế cho các BVĐK trên địa bàn. Dự kiến, trong năm 2017, các BVĐK sẽ được trang bị hệ thống hấp ướt AutoClave tiên tiến. Theo đánh giá, công nghệ này có nhiều ưu điểm như: Tự động khử khuẩn bên trong khoang xử lý và biến chất thải sau xử lý thành chất thải thông thường với chi phí giảm đáng kể; giảm thể tích chất thải trên 70%; hệ thống khép kín, hoàn toàn tự động không lây nhiễm chéo; công suất xử lý phù hợp với yêu cầu của từng bệnh viện; không thải gây ô nhiễm thứ cấp; cho phép xử lý chất thải y tế lây nhiễm ngay tại nguồn...

Tại các trạm y tế, ngành cũng đang rà soát và tranh thủ các nguồn kinh phí để xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế. Dự kiến, kinh phí đầu tư để hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải y tế và hố chôn hợp vệ sinh cho 1 trạm y tế khoảng 80 triệu đồng.

Bác sĩ Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất,  ngành sẽ tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở y tế thực hiện tốt quy chế quản lý rác thải y tế. Việc tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên y tế về công tác phân loại rác, thu gom và xử lý đúng cách cũng sẽ được chú trọng. Riêng đối với các cơ sở y tế tư nhân, về lâu dài, tỉnh cũng cần đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung để tạo điều kiện thuận lợi trong việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, xử lý chất thải y tế: Thực trạng và giải pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO