Tận tâm, nhiệt huyết với nghề

Vũ Trang| 26/02/2016 10:16

Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đội ngũ cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong việc làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

ADQuảng cáo

GẮN BÓ VÌ YÊU NGHỀ

Gắn bó với nghề y hơn 20 năm, bác sĩ Nguyễn Y Đông, Trưởng Khoa Hồi sức - cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cùng các đồng nghiệp đã cứu chữa cho hàng ngàn lượt bệnh nhân, trong đó có nhiều ca “thập tử nhất sinh” bị đa chấn thương do tai nạn giao thông, bị tai biến…

Tại các bệnh viện, Khoa Hồi sức-cấp cứu luôn được ví là khoa “đầu sóng ngọn gió” bởi bất kể các trường hợp bệnh tật, tai nạn, ngộ độc thực phẩm… người bệnh đều được đưa đến đây đầu tiên. Chính vì vậy, công việc của cán bộ y tế trong khoa thường rất áp lực và căng thẳng.

Gắn bó với nghề hơn 20 năm, bác sĩ Nguyễn Y Đông vẫn luôn tận tụy với việc chữa bệnh cứu người

Bác sĩ Đông cho biết: “Tôi trực tiếp tham gia nhiều ca trực mà có đến 2- 3 bệnh nhân nặng cùng được chuyển đến một lúc. Những lúc đó, đội ngũ bác sĩ cũng như điều dưỡng rất căng thẳng. Tuy nhiên, ngay lập tức, tôi và các đồng nghiệp phải lấy lại tinh thần để xử trí thật nhanh, chỉ cần sơ suất hay chậm trễ một chút cũng có thể cướp đi sinh mạng bệnh nhân”.

Bác sĩ Đông cũng chia sẻ thêm, đối với Khoa Hồi sức-cấp cứu, nếu không thực sự yêu nghề thì không thể trụ lại được. Bởi tại đây, áp lực từ tiếng báo động của các loại máy móc lúc nào cũng dồn dập, thân nhân đi kèm người bệnh thường ở trạng thái căng thẳng, sẵn sàng “bùng nổ” bất cứ lúc nào.

Có khi, các y, bác sĩ vừa phải tiến hành cấp cứu, thao tác kỹ thuật chuyên môn để cố gắng cứu sống người bệnh, vừa phải nghe thân nhân của họ la mắng, thậm chí dọa nạt. Ngoài ra, những ngày nghỉ cũng không có thời gian trọn vẹn với gia đình vì chỉ cần một cuộc điện thoại hội chẩn khẩn cấp để hỗ trợ đồng nghiệp trong những ca bệnh khó là phải đi ngay...

ADQuảng cáo

THẦM LẶNG CỐNG HIẾN

Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Minh Nhật, Phó Trưởng Khoa Sốt rét-Ký sinh trùng và Côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh) khi nói đến công việc của người cán bộ y tế dự phòng.  

Theo lời kể của anh Nhật thì năm 2006, sau khi tốt nghiệp khoa Sinh học, Đại học Huế, anh về công tác tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và được giao phụ trách chương trình phòng, chống bệnh sốt rét. Khi đó, tình hình bệnh sốt rét trên địa bàn diễn biến rất phức tạp. Để từng bước đẩy lùi bệnh, anh cùng các đồng nghiệp đã đến tận các địa bàn dân cư tìm hiểu, phân tích nguyên nhân mắc bệnh, từ đó, tham mưu với đơn vị triển khai các hoạt động phòng, chống một cách hiệu quả.

Đặc biệt, đối với bệnh sốt rét, các trường hợp mắc bệnh thường tập trung ở vùng sâu, vùng xa, biên giới nên hầu hết những lần đi công tác đều kéo dài cả tuần. Thậm chí, không ít lần, để tuyên truyền, giám sát, phát hiện bệnh, anh cùng các đồng nghiệp phải lặn lội đi rừng, ngủ rẫy, thiếu cái ăn, nước uống... Không ít cán bộ y tế vì vậy mà bỏ nghề hoặc chuyển công tác. Thế nhưng, với anh Nhật, mặc dù khó khăn, vất vả, nhưng được cống hiến vì cộng đồng dần dần đã trở thành niềm vui, động lực giúp anh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thầm lặng với công việc, anh Nguyễn Minh Nhật đạt nhiều thành tích trong công tác y tế dự phòng

Anh Nhật chia sẻ: “Đặc điểm lớn nhất trong hoạt động y tế dự phòng là công tác lưu động và phòng chống bệnh tại cộng đồng. Vì vậy, cán bộ y tế dự phòng dường như không có khái niệm về thời gian cũng như khối lượng công việc. Mỗi khi nhận được thông tin về bệnh, dù ở bất cứ đâu, chúng tôi đều phải lập tức đến tận nơi để giám sát ca bệnh, điều tra dịch tễ học, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó, tham mưu cho các cơ quan chức năng thực hiện những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế bệnh kịp thời, không để bệnh dịch lây lan ra cộng đồng. Chính vì công việc liên quan đến cộng đồng nên đòi hỏi người cán bộ y tế dự phòng cũng phải nhanh nhạy và nhất là tinh thần trách nhiệm cao”.

Với những nỗ lực của anh cùng đồng nghiệp, đến nay, tình hình bệnh sốt rét đã từng bước được khống chế. Nếu năm 2006, toàn tỉnh có 3.758 trường hợp mắc bệnh sốt rét thì đến hết năm 2015 đã giảm xuống còn 380 người. Với kết quả trên, anh Nhật đã được Bộ Y tế tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống bệnh sốt rét giai đoạn 2010-2015.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tận tâm, nhiệt huyết với nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO