Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông phòng chống bệnh do vi rút Zika

Vũ Sơn - Ngọc Vân thực hiện| 14/11/2016 10:39

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, ngày 7/10, cả nước ghi nhận 7 ca mắc Zika thì đến ngày 5/11, con số này đã tăng lên 36 ca, trong đó, đáng chú ý là một số địa phương có số ca mắc Zika đều nằm lân cận với tỉnh ta như thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bình Dương. Trước tình hình đó, để hiểu rõ hơn giải pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, phóng viên (PV) đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.

ADQuảng cáo

PV: Thời gian vừa qua, tình hình bệnh Zika đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều tỉnh, thành đã ghi nhận ca mắc Zika. Vậy bác sĩ đánh giá như thế nào về những nguy cơ của bệnh trên địa bàn tỉnh?

Bác sĩ Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế

Bác sĩ Hà Văn Hùng: Với tình hình số ca mắc Zika có dấu hiệu tăng nhanh trong thời gian qua, Sở Y tế cũng nhận rõ những nguy cơ lây lan bệnh đối với tỉnh ta là rất cao do một số nguyên nhân. Đầu tiên phải kể đến là việc xuất hiện nguồn lây tại Việt Nam.

Nếu như trước đây, vi rút Zika xuất hiện ở các nước châu Mỹ và lan sang châu Á, Đông Nam Á thì đến nay, vi rút Zika đã có mặt ở Việt Nam nên khả năng lây lan là rất lớn. Đắk Nông nằm trên trục đường giao lưu của các tỉnh, thành đã có ổ dịch như thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Bình Dương.

Ngoài ra, véc-tơ lây truyền Zika cũng là véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn. Thời gian vừa qua, Đắk Nông cũng là một trong những địa phương có dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Đây lại đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, có mật độ muỗi khá cao nên nguy cơ lây truyền vi rút Zika cũng cao hơn.

Thêm vào đó, tỷ lệ những người mắc bệnh do vi rút Zika có triệu chứng rất thấp, chỉ khoảng 20% nên dẫn đến tình trạng dễ bỏ sót người lành mang trùng và công tác kiểm soát bệnh cũng gặp khó khăn.

PV: Trước những nguy cơ như trên, ngành Y tế đã có những phương án và chuẩn bị như thế nào nhằm chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika?

Bác sĩ Hà Văn Hùng: Ngay từ thời điểm dịch Zika mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống Zika trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt. Sở Y tế đã có nhiều văn bản chỉ đạo đối với các tuyến về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika.

ADQuảng cáo

Bên cạnh đó, trong tháng 4, tất cả các huyện, thị xã đã đồng loạt tổ chức chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng và loại bỏ vật thể lây truyền vi rút Zika tiến hành song song với công tác phòng chống sốt xuất huyết. Thực hiện Chỉ thị 09/CT-BYT, ngày 20/10/2016 của Bộ Y tế, trong tháng 11 này, các huyện, thị sẽ tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt muỗi, loăng quăng lần 2.

Song song với đó, tất cả các huyện, thị xã thường xuyên tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại các địa bàn nguy cơ và các địa bàn có mật độ muỗi cao. Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhằm thu dung bệnh nhân tốt nhất trong trường hợp có ca mắc Zika xảy ra.

Ngành cũng xác định truyền thông là một trong những giải pháp then chốt nhằm phát huy hiệu quả công tác phòng chống các bệnh dịch nói chung và bệnh do vi rút Zika nói riêng. Theo đó, Sở Y tế thường xuyên chỉ đạo Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã tăng cường triển khai truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Zika. Trong quá trình truyền thông cần đặc biệt quan tâm tới nhóm đối tượng phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai.

Người dân nên thường xuyên vệ sinh nơi ở bằng cách diệt muỗi, diệt loăng quăng để loại bỏ vật thể lây truyền vi rút Zika. Ảnh tư liệu

PV: Vậy, bác sĩ có những khuyến cáo gì đối với người dân?

Bác sĩ Hà Văn Hùng: Zika là một trong những bệnh truyền nhiễm mới nổi đòi hỏi ngành Y tế cần vào cuộc quyết liệt và thực hiện nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, về phía người dân cũng cần được trang bị những kiến thức cần thiết liên quan đến bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh. Không nên vì thiếu kiến thức hoặc hiểu chưa đầy đủ mà lo lắng thái quá về bệnh.

Hiện nay, Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song phụ nữ có thai, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế. Ngoài ra, đối với người dân nên áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền vi rút Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.

Khi có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng như đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn. Chủ động phòng chống dịch bệnh một cách tích cực, tham gia diệt muỗi, diệt loăng quăng tại các hộ gia đình; kiểm tra, loại bỏ vật phế thải không để muỗi sinh sản và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông phòng chống bệnh do vi rút Zika
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO