Thông tuyến khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế: Những phát sinh cần tháo gỡ

Vũ Trang| 23/03/2016 09:45

Sau gần 3 tháng triển khai Thông tư 40 của Bộ Y tế quy định về việc thông tuyến khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, người có thẻ BHYT đã thuận lợi hơn trong việc khám, chữa bệnh.

ADQuảng cáo

Người dân đến đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk R’lấp

Theo quy định mới của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật BHYT, từ tháng 1/2016, người tham gia BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện đa khoa tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT tại trạm y tế tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện đa khoa tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Quy định này mang lại nhiều thuận lợi cho người dân trong việc đăng ký khám chữa bệnh ban đầu bằng BHYT.

Bà Nguyễn Thị Soa ở xã Thuận An (Đắk Mil) cho biết: “Tôi mắc bệnh tim mạch, mỗi khi muốn đến bệnh viện khám, điều trị đều phải xin giấy chuyển viện từ trạm y tế xã nên rất phiền hà và mất thời gian. Từ khi có quy định mới, tôi thấy việc khám, chữa bệnh bằng BHYT thuận lợi hơn rất nhiều. Khi cần tôi có thể lên thẳng Bệnh viện Đa khoa huyện để khám”.

Còn ông Nguyễn Xuân Thông ở xã Quảng Tân (Tuy Đức) chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần ốm đau, tôi muốn đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đắk R’lấp khám cho gần cũng rất khó vì sẽ không được BHYT chi trả. Bây giờ thì thuận tiện rồi, tôi hoàn toàn có thể lựa chọn nơi khám, chữa bệnh ban đầu”.

ADQuảng cáo

Về phía các bệnh viện tuyến huyện, để thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh... sẽ phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, triển khai kỹ thuật cao, thay đổi thái độ phục vụ, giảm phiền hà về thủ tục hành chính... Điều này sẽ tạo điều kiện tối đa cho người tham gia BHYT được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định này cũng đang đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện. Bởi trên thực tế, không phải bệnh viện nào cũng có kinh phí, điều kiện đầu tư đúng mức về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để có được chất lượng khám chữa bệnh mà người dân mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, một khó khăn khác mà ngành phải đối mặt khi thực hiện Thông tư 40 đó là tình trạng người dân “bỏ” trạm y tế xã, phường. Do chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở xã, phường, thị trấn chưa đáp ứng nhu cầu nên người bệnh “vượt tuyến” chuyển lên tuyến trên để khám. Cụ thể, số lượng người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường trước đây, hiện nay đang có xu hướng chuyển đến khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện, phòng khám đa khoa.

Bên cạnh đó, theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, điều lo lắng nhất hiện nay là việc lạm dụng khám, chữa bệnh. Cụ thể, một người có thể sẽ đến khám, chữa bệnh ở nhiều cơ sở y tế khác nhau trong cùng một ngày để lấy thuốc đem bán. Hoặc, một số người dân do nhận thức chưa đầy đủ, sau khi khám, lấy thuốc ở cơ sở y tế này, nhưng chưa dùng hết liều thuốc đã bỏ và đến khám, lấy thuốc ở cơ sở y tế khác. Trong khi đó,  hiện nay do chưa có phần mềm quản lý bệnh nhân có thẻ BHYT thông suốt giữa các cơ sở y tế tuyến huyện với nhau nên không thể quản lý được tình trạng bệnh nhân lợi dụng thông tư này.

Để giải quyết những phát sinh trên, theo Sở Y tế thì cùng với việc chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường kiểm soát, quản lý nhằm hạn chế xảy ra tình trạng lạm dụng việc khám, chữa bệnh, ngành cũng đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan triển khai phần mềm liên thông giữa các cơ sở khám, chữa bệnh để xác định được người đi khám trong một ngày. Bên cạnh đó, ngành cũng đang tranh thủ các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế tuyến xã, phường, qua đó, thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, tránh tình trạng quá tải cho tuyến trên.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tuyến khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế: Những phát sinh cần tháo gỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO