Thực hiện chương trình hợp tác phát triển y tế giai đoạn 2016-2020: Nắm bắt cơ hội, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp

Vũ Trang| 17/05/2017 09:37

Thực hiện chương trình hợp tác phát triển y tế giai đoạn 2016-2020 giữa Sở Y tế tỉnh Đắk Nông và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, các bệnh viện đa khoa (BVĐK) trên địa bàn tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai các hoạt động, từ phối hợp đào tạo nguồn nhân lực, nhận chuyển giao kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị y tế..., góp phần từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

ADQuảng cáo

BVĐK huyện Đắk Glong đầu tư thêm một số trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh

Phát triển nhiều dịch vụ đa dạng

Tại BVĐK tỉnh, thực hiện chương trình hợp tác, bệnh viện đã phối hợp với các bệnh viện lớn tại TP. Hồ Chí Minh như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi đồng II... tiến hành khảo sát các chuyên khoa liên quan gồm: Ngoại tổng hợp, hồi sức cấp cứu, nội, nhi, phụ sản.

Riêng trong năm 2016, bệnh viện đã nhận chuyển giao được nhiều kỹ thuật mới thuộc các lĩnh vực như: tim mạch căn bản, hồi sức cấp cứu, thông khí nhân tạo, quy trình chăm sóc bệnh nhân ICU, nội soi khớp, hồi sức sơ sinh... Với sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ y tế tuyến trên, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ của bệnh viện đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm để có thể tự thực hiện các kỹ thuật khó.

Đặc biệt, thực hiện Đề án “Bệnh viện vệ tinh”, trong giai đoạn 2016-2020, BVĐK tỉnh được chọn để xây dựng trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy. Dựa trên nhu cầu, điều kiện thực tế tại địa phương cũng như kết quả khảo sát của Bệnh viện Chợ Rẫy, hai đơn vị đã thống nhất chọn chuyên khoa chấn thương chỉnh hình là lĩnh vực ưu tiên chuyển giao và phát triển. Theo đó, trong vòng 4 năm, Bệnh viện Chợ Rẫy đào tạo, chuyển giao cho BVĐK tỉnh 4 gói kỹ thuật, gồm: Kỹ thuật kết hợp xương hiện đại; Kỹ thuật vi phẫu; Kỹ thuật nội soi khớp và Kỹ thuật thay khớp.

Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện chương trình hợp tác đã góp phần giúp bệnh viện phát triển nhiều dịch vụ đa dạng và có chất lượng, trong đó đã triển khai được nhiều dịch vụ kỹ thuật mới và kỹ thuật chuyên môn vượt tuyến, thu hút bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Theo thống kê, trong năm 2016, BVĐK tỉnh đã bổ sung thêm 567 danh mục kỹ thuật trong tuyến và 4 dịch vụ kỹ thuật vượt tuyến.

ADQuảng cáo

Mang lại nhiều lợi ích

Tương tự, tại BVĐK huyện Đắk Glong, với mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bệnh viện cũng đã ký kết chương trình hợp tác với BVĐK Quận 2 (TP. Hồ Chí Minh). Đến nay, với sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên, bệnh viện đã xây dựng và triển khai thực hiện thành công mô hình quản lý chất lượng “5S”.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc bệnh viện thì ban đầu, mô hình chỉ được triển khai tại một số khoa lâm sàng, nhưng đến nay, đơn vị đã triển khai tại hầu hết các khoa, phòng và lấy đó là tiêu chí đánh giá chất lượng cho từng khoa. Việc triển khai thực hiện các tiêu chuẩn thực hành tốt 5S tại mỗi khoa, phòng trong bệnh viện đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo được môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, an toàn. Nhờ đó, bệnh nhân được hưởng lợi khi được khám, điều trị tại một cơ sở y tế gọn gàng, sạch sẽ. Đối với nhân viên y tế, phương pháp 5S tạo cơ hội để phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và tạo động lực để làm việc tích cực, hiệu quả. Đặc biệt, đối với bệnh viện, việc áp dụng 5S vào quản lý chất lượng góp phần nâng cao chất lượng, giảm chi phí về vận hành, tăng mức độ an toàn cho người bệnh.

Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện nay, Đắk Nông là một trong những tỉnh có số lượng người dân đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trên ở TP. Hồ Chí Minh rất lớn. Do đó, việc thực hiện hiệu quả chương trình hợp tác sẽ góp phần quan trọng để các BVĐK trên địa bàn phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu, tạo bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các bệnh viện cũng nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất...

Cần tiếp tục có sự nỗ lực, quyết tâm cao

Bác sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: Hiện nay, nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao còn ít, trang thiết bị thiếu và chưa đồng bộ nên việc tiếp nhận kỹ thuật mới còn hạn chế. Bên cạnh đó, do thiếu nhân lực nên việc cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn ở tuyến trên đã làm tăng gánh nặng cho cán bộ làm công tác khám, điều trị tại đơn vị”.

Phát biểu tại buổi làm việc với Sở Y tế mới đây, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, để thực hiện thành công chương trình hợp tác này, trước tiên cần phải có sự nỗ lực, quyết tâm cao từ chính quyền địa phương, ngành Y tế đến đội ngũ y, bác sĩ công tác trên địa bàn... Đặc biệt, các bệnh viện cần sớm nắm bắt cơ hội, có tư duy mới, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp để từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chương trình hợp tác phát triển y tế giai đoạn 2016-2020: Nắm bắt cơ hội, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO